Bộ Tài chính vừa có văn bản phản hồi Bộ Xây dựng về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vinh - Thanh Thủy.
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc Vinh - Thanh Thủy được đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư công, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh (Ảnh minh họa).
Cho rằng việc đầu tư cao tốc Vinh - Thanh Thủy phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị và tiến trình đầu tư theo các quy hoạch được duyệt, tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô tuyến cao tốc Vinh - Thanh Thủy có chiều dài 85km, 6 làn xe.
Tại phương án nghiên cứu, Bộ Xây dựng đề xuất phân kỳ đầu tư đoạn tuyến với chiều dài 65km, nền đường 4 làn xe, cầu 6 làn xe nhưng chưa nêu rõ quy mô GPMB. "Trường hợp Bộ Xây dựng bổ sung cơ sở và Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phân kỳ 4 làn xe, đề nghị GPMB theo quy mô quy hoạch để tránh lãng phí sau này", văn bản nêu.
Liên quan đến hình thức đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá, phương án của Bộ Xây dựng mới nêu các khó khăn khi triển khai thực hiện đầu tư các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo phương thức đối tác công tư (PPP) dẫn tới phải chuyển sang đầu tư công nhưng chưa nêu được luận cứ chứng minh việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Vinh - Thanh Thủy cũng sẽ gặp khó khi triển khai theo phương thức PPP.
"Theo quy định của Luật Đầu tư công, hiện nay có phương thức đầu tư công và giao cho doanh nghiệp nhà nước khi triển khai thực hiện, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư công, phần còn lại doanh nghiệp nhà nước tự huy động. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu thêm phương án này", Bộ Tài chính khuyến nghị.
Về nguồn vốn đầu tư, Bộ Tài chính cho biết tại Báo cáo số 363 ngày 10/4/2025, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí tối đa 100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án trong trường hợp Bộ Xây dựng đề xuất. Trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024.
Bộ Tài chính cũng lưu ý, Bộ Xây dựng dự kiến đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An) với tổng mức đầu tư 12.100 tỷ đồng, dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2026-2030 và chuyển tiếp, hình hoàn thành trong kỳ trung hạn 2031-2035. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 dự kiến bố trí hơn 3.600 tỷ đồng. Bộ Xây dựng căn cứ nguyên tắc, tiêu chí xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2026-2030 và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho Bộ, đánh giá khả năng thực hiện, giải ngân, tính khả thi trong cân đối vốn còn thiếu so với dự kiến bố trí để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tìm hiểu của PV, theo phương án đầu tư được Bộ Xây dựng nghiên cứu, lấy ý kiến, tuyến đường bộ cao tốc Vinh - Thanh Thủy được đầu tư với chiều dài khoảng 65km.
Điểm đầu tại Km0 giao với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tại nút giao Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Điểm cuối tại khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On biên giới Việt Nam - Lào.
Giai đoạn 1, tuyến tốc được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75m (đoạn có vận tốc 100-120km/h) và chiều rộng nền đường 22m (đoạn có vận tốc thiết kế 60-80km/h) phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.431 tỷ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100-120km/h (đoạn khó khăn vận tốc thiết kế 60-80km/h).
Từ thực tiễn triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo phương thức PPP gặp rất nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng đề xuất triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ xây dựng phương án để thu hồi vốn Nhà nước.
Nam Khánh