Nghiên cứu, vận dụng những bài học quý trong giai đoạn mới

Nghiên cứu, vận dụng những bài học quý trong giai đoạn mới
21 giờ trướcBài gốc
Thiếu tướng LÊ VĂN VỸ, Phó tham mưu trưởng Quân khu 4:
Chủ động tham mưu, góp phần làm nên chiến thắng
Từ năm 1965 đến 1968, Quân khu 4 đã tham mưu với trên tổ chức huấn luyện cán bộ xã đội, trung đội, tiểu đội, huyện đội và huấn luyện tân binh nhằm bổ sung lực lượng, chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo...
Quân khu thường xuyên kiện toàn tổ chức, phát triển LLVT rộng khắp, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; tham mưu mở Cuộc vận động “Chi bộ 4 tốt”; “Đảng viên 4 tốt”; “Đơn vị Quyết thắng”; “Chi đoàn Quyết thắng”, thúc đẩy Phong trào thi đua “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”; “Sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường, dũng cảm”; “Địch phá 1, ta làm 10”... Những phong trào này lan rộng, cổ vũ hàng triệu thanh niên nhập ngũ, tham gia chiến đấu. Hàng trăm nghìn dân quân, tự vệ, các bô lão, chị em... thi đua với tiền tuyến, vừa sản xuất vừa cầm súng chiến đấu trên các trận địa phòng không, các điểm nút giao thông, ven biển.
Quân khu 4 còn tham mưu xây dựng xưởng sửa chữa vũ khí, xưởng quân dược, thu mua lương thực, giao chỉ tiêu sản xuất để bảo đảm hậu cần cho bộ đội. Đến năm 1973, đội ngũ cán bộ của Quân khu tăng gấp 10 lần so với năm 1965, đáp ứng kịp thời nhu cầu bổ sung cho các chiến trường. Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân khu đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ tinh thần thi đua “Một ngày bằng 20 năm”; “Mỗi người làm việc bằng hai”; “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhìn lại chặng đường ấy, có thể khẳng định, LLVT Quân khu 4 luôn phát huy tốt vai trò tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, làm nên thắng lợi lịch sử.
--------------
Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp:
Chiến công của Bộ đội Tăng thiết giáp trên chiến trường Quân khu 4
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc, Quân khu 4 là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Lào, cùng một lúc thực hiện 4 nhiệm vụ: Phòng thủ Quân khu; bảo vệ miền Bắc; trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên; làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào. Quân khu 4 đã trở thành nơi trực tiếp đối đầu lịch sử giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, giữa chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa thực dân kiểu mới, là một trong những chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của cả nước.
Trên địa bàn Quân khu 4, Bộ đội Tăng thiết giáp đã tham gia gần 50 trận đánh, tiêu biểu như: Trận tiến công cứ điểm Làng Vây (năm 1968); tiến công địch phòng ngự điểm cao 543 (năm 1971); trận thọc sâu, vu hồi chiến dịch giải phóng huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (năm 1972); trận phản đột kích tiêu diệt Lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 ngụy ở Nam Cửa Việt (năm 1973)...
Với khả năng tự bảo vệ tốt, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, khả năng đột kích nhanh, Bộ đội Tăng thiết giáp đã dẫn dắt hoặc cùng bộ binh thọc sâu vào nơi hiểm yếu của địch khiến chúng khiếp sợ, chỉ huy rối loạn, tạo điều kiện để bộ binh và các lực lượng khác tiêu diệt gọn quân địch, dứt điểm trận đánh nhanh, thắng lợi giòn giã hơn; ta bớt thương vong, thời gian chiến dịch được rút ngắn hơn.
Kết quả chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thu non sông về một mối. Đồng thời, chiến trường Quân khu 4 đã để lại cho Bộ đội Tăng thiết giáp nhiều bài học kinh nghiệm quý, nhất là trong việc tổ chức, sử dụng lực lượng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
--------------------
Trung tướng, PGS, TS TRẦN VI DÂN, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an:
Bài học về đoàn kết, hiệp đồng giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước hoàn cảnh đầy khó khăn, khốc liệt, thử thách và hy sinh, các đơn vị Công an trên địa bàn Quân khu 4 đã đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội bảo đảm an ninh, trật tự, đồng thời đẩy mạnh tiến công địch trên chiến trường. Sức mạnh đoàn kết, hiệp đồng giữa hai lực lượng là yếu tố quan trọng để quân và dân Quân khu 4 hoàn thành tốt nhiệm vụ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, bài học về đoàn kết, hiệp đồng giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân vẫn còn nguyên giá trị; cần được nghiên cứu vận dụng, phát huy lên tầm cao mới trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự giai đoạn hiện nay, nhất là khi chúng ta đang phải đối phó với âm mưu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch cấu kết với các đối tượng phản động và phần tử cơ hội chính trị hòng thúc đẩy “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự xuất hiện của những loại tội phạm mới và thách thức từ những yếu tố truyền thống, phi truyền thống...
Hai lực lượng phải thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc sự cần thiết nâng cao đoàn kết, hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh, trật tự. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng nội dung, kế hoạch, phương án và hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Phối hợp nắm tình hình, tăng cường trao đổi thông tin, nhận định, đánh giá các nguy cơ, mối đe dọa, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự. Đoàn kết hiệp đồng thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở để nâng cao sức mạnh phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ...
-----------------
Đại tá NGUYỄN VĂN AN, Chính ủy Sư đoàn 324, Quân khu 4:
Đoàn Ngự Bình với những chiến công vang dội
Giai đoạn 1966-1975, Sư đoàn 324 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, cơ động chiến đấu ở chiến trường miền Nam, là đơn vị đầu tiên của Quân khu 4 tham gia mở mặt trận Đường 9-Khe Sanh và từ đó liên tục hoạt động trên các chiến trường Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên, Quảng Nam-Đà Nẵng, Bình Trị Thiên... với hơn 3.500 trận đánh lớn-nhỏ, trong đó có nhiều chiến thắng vang dội, tiêu biểu.
Chiến thắng A Bia (năm 1969) làm chấn động nước Mỹ và đi vào trang sử vàng truyền thống đầu tiên của đơn vị như mốc son mở đầu cho giai đoạn khôi phục lại thế trận xuống đồng bằng, lập lại thế 3 vùng chiến lược sau Tết Mậu Thân 1968. Tiếp đó, trận đánh cao điểm 935 (năm 1970) là một trong những chiến thắng vang dội của Sư đoàn 324, được ví như một trận Điện Biện Phủ thu nhỏ. Lần đầu tiên trên chiến trường Trị Thiên, một căn cứ Mỹ cấp tiểu đoàn được xây dựng kiên cố trên điểm cao đã bị Sư đoàn 324 tiêu diệt. Tiếp nối thắng lợi đó, Sư đoàn 324 đã giành được thắng lợi to lớn ở Coóc Bai với 61 ngày đêm liên tục chiến đấu. Đơn vị đã đánh 205 trận lớn-nhỏ, tiêu diệt hơn 2.000 tên Mỹ, ngụy và bắn rơi 92 máy bay, phá hủy 14 khẩu pháo, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 1, Sư đoàn 1 quân ngụy Sài Gòn.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Sư đoàn 324 đã góp công lớn tiêu diệt và bắt sống hàng vạn tên địch trong chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng.
Với những chiến công oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn 324 vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác, qua đó góp phần xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Trung dũng, kiên cường, liên tục tiến công, đoàn kết, chiến thắng”.
---------------
Đại tá NGUYỄN THẾ LỰC, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12:
Chuyến hàng đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam
Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (Đoàn 559) mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Lực lượng ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành Tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: Xây dựng bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường.
Ngày 13-8-1959, cũng chính trên mảnh đất Quân khu 4 kiên cường, dũng cảm, Đoàn 559 đã chọn Khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử để tiến vào Trường Sơn mở đường, lập trạm. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối xiết, đèo cao và hệ thống đồn, bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên (20 khẩu tiểu liên Tulle, 20 khẩu súng trường MAT, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường). Đây là một dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện sự kết tinh của tình dân, ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi gắm tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Đoàn 559 từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), pháo cao xạ, bộ binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn, đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường.
-------------------
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam:
Nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, bảo vệ những tuyến đường chi viện
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 4 là địa bàn địch tập trung đánh phá ác liệt nhất, được mệnh danh là vùng “đất lửa”. Thế nhưng, bằng những nỗ lực phi thường, quân và dân Quân khu 4 đã phá được thế độc tuyến, đơn luồng; bảo đảm tốt nhiệm vụ giao thông vận tải.
Đặc biệt, năm 1972, mặc dù địch đánh phá, ngăn chặn và phong tỏa ác liệt hơn các năm trước, nhưng lực lượng bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4 vẫn vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, cùng với hậu phương lớn miền Bắc vận chuyển vào chiến trường 274.495 tấn hàng hóa. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại trên tuyến vận tải quân sự từ miền Bắc qua Quân khu 4 chuyển giao cho Đoàn 559 là gần 7 triệu tấn.
Các đại biểu tham quan trưng bày sách tại Hội thảo khoa học "Quân khu 4-Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc". Ảnh: TUẤN HUY
Trên mặt trận bảo đảm giao thông gian khổ và oanh liệt đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh dũng, kiên cường mà chiến công và tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử. Đó là 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc; là Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); là tự vệ Lâm trường Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh); là dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ; là tổ trưởng tổ máy ủi Uông Xuân Lý...
Những chiến công trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải của quân và dân tuyến lửa Quân khu 4 đã góp phần to lớn cùng cả nước đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, tinh thần sẵn sàng hy sinh và ý chí quyết tâm bảo đảm giao thông vận tải thông suốt của quân dân Khu 4 năm xưa cần được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương, đất nước.
------------
Đồng chí HOÀNG NGHĨA HIẾU, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An:
Huy động tổng lực xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nghệ An là địa đầu giới tuyến, là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến.
Hàng chục vạn người con Nghệ An gia nhập Quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, vận chuyển vũ khí, lương thực, bảo đảm thông suốt tuyến chi viện. Riêng giai đoạn 1965-1972, tỉnh đã động viên 139.570 người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Quân, dân Nghệ An đã dồn tất cả sức lực, khả năng và trí tuệ, vượt lên mọi thử thách, hy sinh, thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là bảo đảm giao thông vận tải luôn thông suốt, chi viện cao nhất, kịp thời nhất sức người, sức của cho chiến trường miền Nam giành thắng lợi. Nghệ An trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng với các tuyến đường huyết mạch như đường sắt Thống Nhất, Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, cầu Bến Thủy, Quốc lộ 15A. Các bến cảng, kho tàng được xây dựng để tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Hệ thống hầm trú ẩn, trận địa phòng không được tổ chức chặt chẽ, bảo vệ an toàn cho các tuyến giao thông quan trọng. Quân, dân Nghệ An đã đóng góp hơn 38 triệu ngày công, vận chuyển được hơn 7,3 triệu tấn hàng ra chiến trường; xây dựng 11.000km hào giao thông... Sản xuất nông nghiệp được giữ vững, chi viện cho chiến trường miền Nam hơn 6 triệu tấn lương thực, 300 tấn thực phẩm.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, quân, dân Nghệ An đã bắn hạ 553 máy bay, nhiều thứ hai trong các tỉnh, thành phố miền Bắc; bắn chìm, bắn cháy 36 chiếc tàu chiến, tàu biệt kích của Mỹ-ngụy, nhiều thứ tư miền Bắc.
-----------------
Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Đỗ Thị Nụ (Khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam):
Báo Quân đội nhân dân góp phần cổ vũ quân, dân Khu 4 thi đua lập công
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí như một binh chủng quan trọng, đi đầu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Báo Quân đội nhân dân là một trong những cơ quan báo chí chủ lực trong mặt trận đó.
Thời kỳ này, Quân khu 4 là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Lào, cùng một lúc thực hiện 4 nhiệm vụ: Phòng thủ quân khu; bảo vệ miền Bắc; trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên; làm nhiệm vụ quốc tế đối với nước bạn Lào. Chính bởi vị trí chiến lược quan trọng, hoạt động chiến đấu, sản xuất của Quân khu 4 là một mảng đề tài được Báo Quân đội nhân dân dành nhiều dung lượng đề cập.
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Báo Quân đội nhân dân thường xuyên có những bài viết làm rõ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ; xây dựng ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với địa bàn Quân khu 4, Báo Quân đội nhân dân đã kịp thời phản ánh những chiến thắng vang dội trên các mặt trận, tiêu biểu như Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (năm 1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch Trị Thiên (năm 1972)...; đồng thời có nhiều bài viết biểu dương những tấm gương anh dũng, các điển hình tiên tiến trong chiến đấu và sản xuất; phản ánh khí thế, quyết tâm của quân và dân Quân khu 4.
Công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, kết hợp nhiều thể loại báo chí đã góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân, dân Khu 4 nói riêng và đồng bào, chiến sĩ cả nước nói chung. Đồng thời, góp phần làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nắm vững đường lối cách mạng của Đảng, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của mảnh đất Khu 4 trung dũng, kiên cường.
----------
Đại tá PHAN THẮNG, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố Huế:
Công binh Quân khu 4 bảo đảm giao thông vận tải trong kháng chiến
Nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông vận tải trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 14-10-1965, Quân ủy Trung ương và Bộ Giao thông vận tải họp ra nghị quyết về bảo đảm giao thông. Thủ tướng chỉ thị Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chính bảo vệ, bảo đảm các tuyến đường 1A, 1B, 15, 217, 7, 8, 12; tổ chức chỉ huy các bến phà, cầu, rà phá bom, sửa chữa các đoạn hiểm yếu.
Quân khu 4 tiếp nhận các đội công nhân giao thông, tổ chức 26 đại đội bảo đảm giao thông chốt giữ bến phà, cầu, quản lý theo mô hình Quân đội, được trang bị vũ khí bắn máy bay bay thấp, huấn luyện rà phá bom mìn.
Trên chiến trường, bộ đội công binh Quân khu 4 đối mặt với nhiều khó khăn, vừa chiến đấu vừa bảo đảm giao thông. Mặc dù địch ngày càng tăng cường đánh phá, công binh Quân khu vẫn nỗ lực bảo đảm cơ động binh khí kỹ thuật, vận chuyển vật tư dự trữ đến các khu vực trọng yếu, nâng cấp đường sá, chấn chỉnh biển báo, tăng cường phối hợp ứng cứu giao thông. Lưu lượng xe qua các bến đều tăng mạnh; hàng hóa vận chuyển đạt 90-117% kế hoạch. Để đáp ứng nhu cầu chiến trường, Nghệ An, Hà Tĩnh thành lập 600 đội bảo đảm giao thông với 3.578 người, Quảng Bình 132 đội, các địa bàn trọng điểm như sông Gianh, Nhật Lệ, Cửa Hội, Bến Thủy, Lạch Trường, Hàm Rồng... đều có đội xung kích gồm đội trưởng, chính trị viên, đội phó kỹ thuật. 100% cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện về bom nổ chậm, bom từ trường, tinh thần kỷ luật cao, ý chí gang thép.
Tiểu đoàn 27 Công binh với chiếc “ca nô bất khuất” và những anh hùng như Nguyễn Tấn Kiểng, Võ Xuân Nở, Trần Ngọc Mật... đã vô hiệu hóa hàng nghìn quả bom nổ chậm. Trung đội Nữ dân quân công binh do Võ Thị Đờn chỉ huy bám trụ trên đèo Lý Hòa, từng làm lễ “truy điệu sống”, thề “Thà hy sinh chứ không bao giờ chùn bước”... đã góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
-----------
Đồng chí NGUYỄN LONG HẢI, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị:
Vùng "đất lửa" phát huy truyền thống anh hùng, vươn mình trong kỷ nguyên mới
Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là nơi chạm khắc vào lịch sử dân tộc với vai trò “tuyến đầu”, “tiêu điểm”, đầu cầu chiến lược nối liền hai miền Nam-Bắc; là căn cứ địa, bàn đạp tiến công để giải phóng miền Nam; là "vành đai thép" trực tiếp bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vùng giải phóng Trung-Hạ Lào và là lối mở hành lang chiến lược 3 nước Đông Dương.
Nếu như trong lịch sử, trong kháng chiến, Quảng Trị là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường chống ngoại xâm, thì ngày nay, Quảng Trị đang ra sức phát triển kinh tế để xứng đáng với thế hệ ông cha đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tỉnh Quảng Trị đã hiện thực hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với những kết quả bước đầu khởi sắc. Kinh tế của tỉnh không ngừng tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Quốc phòng, an ninh của tỉnh cũng được giữ vững, chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm...
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân trên vùng “đất lửa” Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng địa phương phát triển toàn diện, bền vững; cùng với các tỉnh trong Quân khu 4 tạo thế và lực để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
---------
Đại tá NGUYỄN CÔNG LỰC, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An:
Công an nhân dân vũ trang giữ biên giới, đánh địch trên nhiều hướng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Nghệ An (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) đã trực tiếp bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới, những khu vực quan trọng trong vận chuyển vũ khí, lương thực và lực lượng từ miền Bắc vào miền Nam; bảo đảm thông suốt việc vận chuyển quân lương, vũ khí, đạn dược từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Cán bộ, chiến sĩ CANDVT tỉnh Nghệ An đã dùng súng bộ binh bắn rơi 33 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ, phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương bắn rơi 20 chiếc khác; tham gia xây dựng các tuyến đường, bảo vệ các kho hậu cần chiến lược phục vụ chiến đấu; ngăn chặn hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch, góp phần bảo đảm sự ổn định cho các vùng căn cứ địa cách mạng; tổ chức tuần tra, kiểm soát biên giới chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động thâm nhập của gián điệp, biệt kích do Mỹ-ngụy tung vào phá hoại hậu phương...
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ biên giới, CANDVT tỉnh Nghệ An có gần 700 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho lực lượng an ninh vũ trang miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An về thành lập Đảng ủy Mặt trận K5, CANDVT tỉnh Nghệ An cùng Đại đội 6 đặc công và Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 12 cơ động của Bộ tư lệnh CANDVT đã tích cực, chủ động trực tiếp tham gia phối hợp với quân và dân Lào cùng chống kẻ thù chung, mở rộng và bảo vệ tuyến chi viện cho miền Nam, góp phần vào những chiến công và thắng lợi chung của quân, dân trên địa bàn Quân khu 4.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nghien-cuu-van-dung-nhung-bai-hoc-quy-trong-giai-doan-moi-822768