Cùng dự có các đồng chí trong BCĐ, Tổ giúp việc xây dựng Đề án của Chính phủ thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai; các đồng chí thành viên BCĐ thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, Trưởng BCĐ xây dựng Đề án của Chính phủ chủ trì cuộc họp.
Tại phiên họp, Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ nêu rõ: thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 148 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, giao Bộ Công an là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án.
Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 287 về xây dựng Đề án của Chính phủ "Nghiên cứu mô hình bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trong quản lý đô thị" và ban hành quyết định thành lập BCĐ và Tổ giúp việc nghiên cứu, xây dựng Đề án của Chính phủ.
Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ công bố quyết định thành lập BCĐ và Tổ giúp việc nghiên cứu xây dựng Đề án của Chính phủ.
Theo quyết định, BCĐ xây dựng đề án của Chính phủ” Nghiên cứu mô hình bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trong quản lý đô thị” gồm 35 đồng chí, do Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm Trưởng ban; Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ làm Phó Trưởng ban; Tổ giúp việc BCĐ gồm 35 đồng chí.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tham luận.
Tại cuộc họp, các đồng chí thành viên BCĐ đã nghe Đại tá Nguyễn Phong Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, đơn vị thường trực BCĐ báo cáo tóm tắt kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng mô hình đảm bảo ANTT, an toàn xã hội trong quản lý đô thị tại 5 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai và Khánh Hòa. Đây là những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, trong đó TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt; TP. Cần Thơ là đô thị loại I; tỉnh Khánh Hòa có TP Nha Trang, tỉnh Bình Dương có TP Thủ Dầu Một và tỉnh Đồng Nai có TP Biên Hòa đều là đô thị loại I, là những đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; giữ vị trí đặc biệt về an ninh, quốc phòng ở khu vực và cả nước, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á. Tỉnh Bình Dương đang có tốc độ đô thị hóa rất cao (84%) và phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại. Tỉnh Khánh Hòa tốc độ đô thị hóa hiện nay đạt 62%, phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế…
Từ khảo sát cho thấy, cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trong quản lý đô thị. Trong đó chú trọng triển khai các mô hình bảo đảm ANTT phù hợp với địa bàn đô thị ở địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia phối hợp với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT nói chung và trên địa bàn đô thị nói riêng. Tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 148 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị. Đồng thời, các địa phương trên cũng đề xuất một số kiến nghị liên quan.
Tại cuộc họp, các đồng chí thành viên BCĐ đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo Đề cương chi tiết của Đề án.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH phát biểu tham luận tại cuộc họp.
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng biểu dương các đồng chí thành viên BCĐ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc tập trung triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, đây là Đề án rất quan trọng, được Bộ Chính trị và Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì triển khai tổ chức, nghiên cứu xây dựng.
"Cơ sở pháp lý của Đề án chính là Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 148 của Chính phủ. Vì vậy, chúng ta phải tập trung nghiên cứu để xây dựng nên một Đề án có giá trị pháp lý cao, vì Đề án có tác động điều chỉnh sâu rộng đến toàn xã hội, chứ không phải chỉ riêng một ngành, một cấp nào"- Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Cao Viên (Bộ Xây dựng) phát biểu tham luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề cương chi tiết.
Đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Đề án, cần tổng kết lại các mô hình đã có. Mô hình nào phát huy hiệu quả cần tiếp tục duy trì; mô hình nào không hiệu quả cần kết thúc hoạt động và đề xuất mô hình mới. Trong đề xuất mô hình mới cần đưa ra luận giải về tính đổi mới sáng tạo của mô hình.
Để triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án hiệu quả, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị tiếp tục quan tâm kiện toàn BCĐ và Tổ giúp việc. Đề nghị Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ - cơ quan thường trực BCĐ có thông báo đến tất cả các đồng chí thành viên BCĐ phải hoàn thành việc góp ý xây dựng Đề cương chi tiết Đề án và đề xuất mô hình theo chức năng quyền hạn được giao trước ngày 25/12 này, để kịp báo cáo Thủ tướng Chính phủ công nhận Đề án theo đúng tiến độ được giao.
Phạm Tâm