Nghiện livestream, nghiện mạng xã hội: Hậu quả khôn lường

Nghiện livestream, nghiện mạng xã hội: Hậu quả khôn lường
3 giờ trướcBài gốc
Nhiều người, nhất là các bạn trẻ bỏ bê công việc để theo dõi các phiên livestream công kích người khác.
Nghiện mạng xã hội (MXH), nghiện livestream không phải là bệnh nan y nhưng rất khó điều chỉnh. Căn bệnh này khi mất kiểm soát sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc, gây tổn thương cho chính người bệnh và nạn nhân bị công kích. Thậm chí, việc sử dụng mạng xã hội mất kiểm soát có thể vi phạm pháp luật.
Ảo tưởng về sự nổi tiếng
Cách đây 10 năm, anh H.M.T (32 tuổi, ở Lâm Đồng) thường xuyên chơi game xuyên đêm, quên ăn, quên ngủ. Công nghệ phát triển không ngừng, anh T. không chỉ chơi game mà còn tham gia các nền tảng xã hội khác. Mặc dù gia đình đầu tư cho sự nghiệp học hành, định hướng cho anh T. du học nhưng vì quá lơ là mà anh bỏ ngang.
Thời gian đầu, anh T. đăng trạng thái lên Facebook với nội dung triết lý, “dạy đời”. Lâu dần, anh T. bắt đầu livestream, nói chuyện cùng bạn bè. Khi nhận được những bình luận tiêu cực, anh T. bắt đầu phản bác, thậm chí công kích lại đối phương.
Để thu hút được nhiều lượt xem, anh T. bắt đầu tự ảo tưởng mình là người nổi tiếng, bắt đầu nói những câu chuyện có tầm “vĩ mô” liên quan đến các cá nhân, tập thể nhiều người biết, thậm chí luận bàn đến cả vấn đề chính trị nhạy cảm.
Chị Đ.P.Y (30 tuổi, ở Lâm Đồng), bạn anh T. kể, có những hôm đang đi chơi, anh T. bỗng đòi về nhà và chạy thật nhanh để thực hiện “nhiệm vụ chính trị” được giao là tuyên truyền trên mạng xã hội.
Thấy bất ổn, chị Y. có báo gia đình đưa anh T. đi kiểm tra thì phát hiện anh bị loạn thần, bị ảo giác, ảo thanh gây ra những hành động như vậy. Kể từ đó đến nay, cũng 10 năm anh T. phải duy trì uống thuốc, điều trị đồng thời bị gia đình hạn chế tối đa việc tiếp xúc các trang mạng xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, BS.CKI Nguyễn Quang Huy - Phụ trách khoa Khám bệnh tâm thần, Bệnh viện Trung ương 2 (Đồng Nai), nhận định, những người nghiện MXH có tần suất vào mạng nhiều, lệ thuộc vào mạng xã hội, gây rối loạn tâm thần.
Họ rơi vào trạng thái giống như nghiện ma túy, người nghiện sẽ bị quan tâm quá mức tới các thiết bị điện tử, khó rời xa máy tính, điện thoại. Nếu không có những thiết bị đó bên cạnh sẽ mất tập trung, không hứng thú với các vấn đề xã hội khác.
Mặc dù, tốn nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội nhưng họ luôn tự bào chữa rằng đang làm việc có ích cho xã hội, tìm hiểu thông tin, đem lại lợi ích từ việc sử dụng mạng xã hội.
Đặc biệt, những người có dấu hiệu rối loạn tâm thần do nghiện mạng xã hội có biểu hiện cáu gắt, dễ nổi giận trong vài phút đến vài chục phút, sau đó trở về trạng thái bình thường.
Theo BS Huy, tình trạng rối loạn tâm thần do nghiện mạng xã hội nếu không điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề. Đối với người trẻ, họ không quan tâm đến sở thích trước đây như thể thao, hội họa, phim ảnh… và bỏ bê công việc học tập, chỉ tập trung cho việc sử dụng MXH, hành động theo ảo giác, ảo thanh mà căn bệnh gây ra.
Bên cạnh đó, người nghiện MXH thường ngủ ít, thức khuya, hoặc thức thâu đêm, ăn uống thất thường, bỏ ăn hoặc ăn cho có lệ, không còn cảm giác ngon. Từ đó, các hoạt động đều trong trạng thái chậm chạp, lờ đờ khi ra ngoài đời thực. Họ suy nghĩ, phản ứng một cách khó khăn, thiếu dứt khoát, khó trả lời, giao tiếp.
“Việc sử dụng mạng xã hội không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần. Tuy không phải bệnh nan y nhưng rất khó để điều chỉnh, cần sự phối hợp, điều trị của bác sĩ và gia đình, bạn bè và toàn xã hội”, BS Huy lưu ý.
Bên trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Sử dụng MXH thế nào cho hợp lý?
Việc một số người livestream quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến bản thân của họ mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Anh H.T.L. (34 tuổi, quê Bến Tre) bày tỏ nỗi lo lắng: “Bà con xóm tôi ngày nào cũng hóng talkshow của một doanh nhân, bỏ bê công việc, chỉ chờ lên mạng “hóng” xem ai sẽ bị điểm mặt gọi tên rồi thi nhau bình luận, tương tác”.
Anh L. cho rằng cần có biện pháp chấn chỉnh những hoạt động này để không ảnh hưởng xấu đến người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Thực tế, ngoài việc sử dụng MXH ở mức độ vừa phải, có kiểm soát thì trên không gian mạng, mỗi người cần hoạt động tuân thủ pháp luật.
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng, việc cá nhân viết các nội dung bình luận (comment) chia sẻ quan điểm, thông tin vào các bài viết trên mạng xã hội, cũng sẽ bị xử phạt như hành vi viết bài, đăng tải bài viết có nội dung chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...
Tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là tổ chức và bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cá nhân. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Minh Hùng, sử dụng MXH cần có hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
“Tóm lại, cần sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh”, luật sư Minh Hùng nhấn mạnh.
“Để lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, người dân cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi sử dụng không gian mạng. Đối với các phiên livestream có nội dung công kích người khác, đề nghị người dân không tham gia ủng hộ, bình luận. Cần lên án đối với các hành vi sai trái đồng thời thông báo đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật”. Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó Trưởng phòng Tham mưu - Công an TPHCM
Lâm Ngọc
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nghien-livestream-nghien-mang-xa-hoi-hau-qua-khon-luong-post710139.html