LỜI TÒA SOẠN
Ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước. Thời gian thực hiện phong trào từ tháng 4/2024 đến năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trong cả nước.
Theo báo cáo cập nhật của Bộ LĐ-TBXH, đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn hộ; cả nước còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.
Với quyết tâm thực hiện thông điệp của Thủ tướng về "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", vào dịp Tết sắp đến Xuân cận kề, hàng chục nghìn hộ nghèo trên cả nước đã được sum vầy trong những ngôi nhà mới…
Quảng Nam là tỉnh có nhiều vùng khó khăn, số lượng hộ nghèo, cận nghèo còn cao, đối tượng chính sách lớn, nên đời sống của nhiều hộ dân còn khó khăn, trong đó có vấn đề nhà ở.
Theo thống kê của Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam, đến tháng 6/2024, trên địa bàn còn hơn 10.400 hộ gia đình đang sinh sống trong những ngôi nhà xuống cấp, dột nát, không đảm bảo an toàn. Đây là nỗi trăn trở lớn của chính quyền tỉnh này.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái và hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng phát động với thông điệp "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 đặt ra mục tiêu quyết tâm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cũng có thư kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân,… cùng chung tay thực hiện mục tiêu ý nghĩa này.
Quảng Nam quyết tâm hoàn thành xóa 10.400 ngôi nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025. Ảnh: Hà Nam
"Về đích" sớm nhờ những cách làm đột phá
Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Nam dành hơn 242 tỷ đồng hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 10.945 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo.
Tính đến nay, tỉnh này đã phân bổ 152 tỷ đồng, hoàn thành xây mới và sửa chữa 5.953 nhà, đạt gần 54,4% kế hoạch.
Để công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát phát huy hiệu quả, thời gian qua, các địa phương ở Quảng Nam đã và đang vào cuộc, sáng tạo nhiều cách làm đột phá mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, trong năm 2024, hàng nghìn ngôi nhà đã được khởi công xây dựng, bàn giao, góp phần an cư, ổn định cuộc sống người dân.
Tại huyện Duy Xuyên, giai đoạn 2023 - 2025, huyện này có 154 nhà được phê duyệt xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó xây mới 36 nhà và sửa chữa 118 nhà.
Gia đình ông Võ Lạc được huyện Duy Xuyên hỗ trợ 130 triệu đồng để xây nhà mới có gác lửng đúc bê tông. Ảnh: Hà Nam
Đặc biệt, theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam, mức hỗ trợ 60 triệu đồng đối với nhà xây mới, 30 triệu đồng đối với nhà sửa chữa. Tuy nhiên, qua đánh giá, với mức hỗ trợ này, những gia đình thực sự khó khăn khi làm nhà thì chất lượng công trình sẽ không cao, dễ xuống cấp.
Do đó, huyện Duy Xuyên đã linh động trích ngân sách và lồng ghép các nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ mỗi nhà xây mới không dưới 100 triệu đồng và nhà sửa chữa không dưới 40 triệu đồng.
Ngôi nhà cũ của ông Võ Lạc. Ảnh: Duy Xuyên
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “Đến nay, huyện đã xây mới, sửa chữa 112/154 căn nhà tạm, dột nát. Ngoài nguồn hỗ trợ thêm, huyện còn chỉ đạo xã, thôn vận động nhân công, vật liệu,… và các gia đình góp thêm kinh phí để làm sao phải xây dựng nhà vững chắc, chất lượng lâu bền”.
Là địa phương đầu tiên của Quảng Nam hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, huyện Hiệp Đức đã xây xong 152 căn nhà tặng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách chi theo Nghị quyết 13 là hơn 1,5 tỷ đồng, còn lại địa phương huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức Huỳnh Hữu Cường chia sẻ, song song với việc vận động kinh phí hỗ trợ thêm cho các hộ xóa nhà tạm, để đảm bảo tiến độ, chính quyền cũng đã khảo sát từng hộ gia đình, thiết kế các mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, phong tục tập quán của người dân. Nhờ cách làm chặt chẽ, công tác thi công vừa đảm bảo tiến độ về đích an toàn, vừa đáp ứng chất lượng bền vững…
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông ALăng Nóc (48 tuổi, trú huyện Đông Giang) đã hoàn thành được ngôi nhà kiên cố. Ảnh: Hà Nam
Ông ALăng Nóc phấn khởi vì năm nay gia đình được đón Tết trong căn nhà mới. Ảnh: Hà Nam
Còn tại huyện Đông Giang, công tác xóa nhà tạm cũng được chính quyền tập trung triển khai hiệu quả. Năm 2024, địa phương này đã xóa 571 nhà tạm, nhà dột nát (chỉ tiêu là 563 nhà), đạt 101,4% kế hoạch.
Giữa mùa đông giá rét, thấy khách đến chơi, anh ALăng Liên (31 tuổi, trú thôn Blô Bền, xã Sông Kôn) hồ hỏi mời đi thăm quan một vòng căn nhà sắp hoàn thiện của mình.
Gia đình anh Liên thuộc diện hộ nghèo, thường ngày anh và vợ làm rẫy thuê để nuôi 2 con ăn học. Đến bây giờ, anh vẫn chưa tin được rằng mình sắp có một căn nhà hơn 100m2 đẹp như vậy.
Ngôi nhà của anh ALăng Liên đang được gấp rút hoàn thành để kịp đón Tết. Ảnh: Hà Nam
Tháng 5/2024, khi được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu, vợ chồng anh quyết định bỏ thêm hơn 200 triệu đồng nữa để xây lại căn nhà mới khang trang. Tuy phải vay mượn thêm, song đây là động lực giúp gia đình anh ổn định cuộc sống và sẽ cố gắng làm ăn để trả nợ.
"Nhờ sự quan tâm của chính quyền mà tôi có được căn nhà khang trang. Từ nay gia đình tôi không còn lo lắng, khổ sở khi mùa mưa về. Không còn bận tâm về việc an cư, vợ chồng tôi sẽ nỗ lực làm việc hơn nữa để ổn định cuộc sống", anh Liên phấn khởi.
Anh ALăng Liên khoe với khách căn nhà mới sắp hoàn thành của mình. Ảnh: Hà Nam
Người nghèo vui như Tết
Hơn một tháng nay, ngày nào ông Võ Lạc (83 tuổi, trú thôn Đông Bình, xã Duy Vinh) cũng vui như Tết bởi gia đình vừa được hỗ trợ xây nhà mới khang trang.
Thuộc diện hộ nghèo thâm niên, bản thân già yếu, vợ lại bị tai biến nằm liệt giường nên dù ngôi nhà cũ xây năm 1978 đã mục nát từ lâu nhưng ông Lạc cũng đành phó mặt cho trời. Khổ nhất là mỗi mùa mưa bão, ông phải tất tả cõng vợ sang nhà hàng xóm xin trú ẩn.
Sau khi được hỗ trợ 130 triệu đồng, cùng sự đóng góp thêm của con cháu, ngôi nhà mới diện tích 50 mét vuông của ông Lạc đã được hoàn thành vào cuối năm 2024.
Ông Võ Lạc vui mừng vì năm nay được đón Tết trong ngôi nhà mới kiên cố. Ảnh: Hà Nam
"Ở đây năm nào cũng bị ngập lụt khiến tôi luôn sống trong bất an. Nay được chính quyền hỗ trợ xây nhà mới, có gác lửng bằng bê tông vững chắc để yên tâm tránh trú bão, vợ chồng tôi mừng tới nỗi không ngủ được", ông Lạc chia sẻ.
Vừa nhận căn nhà cấp 4 đảm bảo đủ 3 tiêu chí mái cứng, móng cứng, tường cứng, chị Hồ Thị Hạnh, người dân tộc Ca Dong ở thôn Gia Cao (xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) không giấu nổi niềm vui.
Chị rưng rưng nói: "Nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, cả đời tôi cũng không nghĩ sẽ làm được ngôi nhà kiên cố như thế này…".
Chính quyền xã Phước Gia bàn giao nhà cho chị Hồ Thị Hạnh. Ảnh: Nguyễn Thủy
Sau khi ly hôn, người phụ nữ neo đơn nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nhiều năm nay, mẹ con chị Hạnh phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, chênh vênh bên sườn núi. Mỗi khi mưa bão, cả nhà dìu dắt nhau tới UBND xã trú tránh.
Được Nhà nước hỗ trợ tiền, cùng sự giúp sức ngày công của đoàn thanh niên, hội phụ nữ và bà con làng xóm, chị vay mượn thêm để làm được căn nhà mong ước bấy lâu.
Chị Hạnh vui mừng vì được hỗ trợ xây dựng nhà mới khang trang.
"Năm nay được đón Tết trong ngôi nhà kiên cố, mẹ con tôi hạnh phúc lắm. Cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều", chị Hạnh bộc bạch.
Cùng niềm vui như gia đình ông Lạc, anh Liên, chị Hạnh, hàng nghìn hộ nghèo ở Quảng Nam được sum vầy trong những ngôi nhà mới mà họ mơ ước ngay trong dịp Tết này.
Hà Nam
Nguyễn Hiền