Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn lao động khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương xảy ra tại Công ty CP gạch men Phương Nam – chi nhánh Đồng Nai (đóng tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu).
Kẻ sát nhân thầm lặng
Rạng sáng 26/5, trong lúc công nhân đang làm ca đêm, có 5 người không may bị ngộ độc khí CO. Trong đó 2 trường hợp là anh N.L.S và anh N.H.Q.L đã tử vong, 3 trường hợp còn lại bị ngạt khí nhẹ được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Ngay sau khi xảy ra sự việc 5 công nhân của Công ty Gạch men Phương Nam - chi nhánh Đồng Nai nghi bị ngộ độc khí CO, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, lực lượng Công an tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu đã xuống hiện trường nắm bắt tình hình, nguyên nhân vụ việc.
Các cơ quan chức năng tại hiện trường vụ việc.
BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng cho biết, khí CO là một khí không màu, không mùi, không vị và rất độc hại, được mệnh danh là “kẻ sát nhân thầm lặng” do đặc tính khó nhận biết bằng giác quan thông thường. CO chủ yếu sinh ra từ quá trình cháy không hoàn toàn các vật liệu chứa carbon như than, củi, xăng, dầu và khí đốt trong điều kiện thiếu oxy. Ngộ độc CO có thể xảy ra nhanh chóng, gây bất tỉnh và tử vong trong vài phút. Trong môi trường lao động, đặc biệt các ngành công nghiệp nặng như sản xuất vật liệu xây dựng (lò gạch, nhà máy gạch men) và các xưởng công nghiệp, nguy cơ phơi nhiễm CO rất cao. Do đó, việc hiểu rõ cơ chế độc, nhận diện sớm, xử trí kịp thời và áp dụng biện pháp phòng ngừa là yếu tố then chốt bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm gánh nặng y tế và kinh tế xã hội. Trong đời sống, CO sinh ra từ đốt cháy không hoàn toàn than, củi, xăng, dầu, khí đốt trong bếp lò, lò sưởi, đèn lồng, bếp gas, máy phát điện, động cơ xe, đặc biệt trong phòng kín hoặc thông gió kém. Khói thuốc lá cũng là nguồn CO, tuy nhỏ nhưng đáng kể. Trong công nghiệp, CO phát sinh từ lò nung, lò đốt, nhà máy điện than, xưởng cơ khí, nhà máy hóa chất, lọc dầu, thép, bia, các không gian kín, máy phát điện di động, động cơ xăng dầu, máy rửa áp lực, xe nâng... CO không chỉ chiếm chỗ oxy mà còn làm oxy còn lại khó giải phóng mô, đồng thời độc trực tiếp tế bào, đặc biệt ở não và tim. Thiếu oxy cấp tính não và tim gây mất ý thức nhanh, tử vong do suy hô hấp trung ương hoặc ngừng tim. Thời gian bán thải COHb là 4 giờ trong không khí phòng, giảm còn 80 phút với oxy đẳng áp, 23 phút với oxy cao áp, giải thích hiệu quả của liệu pháp oxy cao áp trong điều trị.
Triệu chứng ngộ độc khí CO theo nồng độ COHb trong máu
Nếu nồng độ COHb 10-20%, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, yếu cơ, khó tập trung và có thể có rối loạn hành vi nhẹ. Đây là giai đoạn đầu, triệu chứng thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm với cảm cúm hoặc nhiễm virus. Nồng độ COHb > 20%, bệnh nhân nhân cảm thấy chóng mặt rõ hơn, mệt mỏi nặng, khó tập trung, giảm khả năng đánh giá tình huống. Có thể bắt đầu thấy khó thở khi gắng sức, đau tức ngực (đặc biệt ở người có bệnh tim mạch), và cảm giác lẫn lộn, rối loạn tinh thần. Nồng độ COHb > 30%, người bệnh xuất hiện các triệu chứng nặng hơn với khó thở rõ rệt, đau ngực, mệt mỏi nhiều, rối loạn ý thức, mờ mắt, khó vận động. Có thể xuất hiện các dấu hiệu tổn thương não, tổn thương tim và cơ, đặc biệt ở người già, người có bệnh mạn tính hoặc phụ nữ mang thai. Người bệnh có thể có da và niêm mạc đỏ anh đào (dấu hiệu đặc trưng nhưng không phổ biến). Nồng độ COHb > 40-50%, lúc này bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như ngất xỉu, co giật, mất phương hướng, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, tím môi và các đầu chi. Có thể có tổn thương cơ tim cấp, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nồng độ COHb > 60%, đây là tình trạng rất nguy kịch, có thể gây hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, co giật, và tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị hỗ trợ oxy và cấp cứu kịp thời. Theo BS Hoàng, khi cấp cứu ban đầu bệnh nhân ngộ độc khí CO cần ưu tiên an toàn cho người cấp cứu, không vào vùng nhiễm độc nếu không có thiết bị bảo hộ hô hấp. Đồng thời cần hành động nhanh chóng, thời gian quyết định sống còn và giảm di chứng. Các bước sơ cứu tại hiện trường: Đảm bảo an toàn, mở cửa thông gió, tắt nguồn phát sinh CO nếu an toàn; Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành; Gọi cấp cứu khẩn cấp ngay lập tức. Hỗ trợ hô hấp và tư thế an toàn: Hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân ngừng thở. Đặt nạn nhân nằm nghiêng nếu bất tỉnh còn thở để giữ đường thở thông thoáng. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn đến khi cấp cứu đến. Để phòng tránh ngộ độc Khí CO trong môi trường lao động, đối với người lao động, cần nâng cao nhận thức về CO, triệu chứng ngộ độc, tránh chủ quan; tuân thủ quy trình an toàn, sử dụng đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân, đặc biệt thiết bị bảo vệ hô hấp; báo cáo kịp thời các dấu hiệu bất thường, vấn đề thông gió; Tránh sử dụng động cơ xăng/dầu trong không gian kín, tránh gắng sức khi nghi ngờ ngộ độc. Đối với doanh nghiệp cần đánh giá và kiểm soát nguồn phát sinh CO, ưu tiên thiết bị chạy điện, pin thay cho nhiên liệu hóa thạch; Lắp đặt hệ thống thông gió hiệu quả, giám sát nồng độ CO định kỳ, sử dụng máy dò CO cá nhân và cố định có báo động (báo động khi > 200 ppm); Bảo trì định kỳ thiết bị đốt nhiên liệu, vệ sinh ống khói, áp dụng công nghệ giảm phát thải CO; Đào tạo an toàn lao động, xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp, thực hành định kỳ; Tuân thủ tiêu chuẩn OSHA, NIOSH về giới hạn phơi nhiễm CO (giới hạn phơi nhiễm cá nhân PEL 50 ppm).
Hải Ninh