Ngộ độc từ những thức ăn không rõ nguồn gốc, bán tràn lan trên hè phố

Ngộ độc từ những thức ăn không rõ nguồn gốc, bán tràn lan trên hè phố
3 giờ trướcBài gốc
Không có giấy phép vẫn hoạt động
Vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 300 người phải nhập viện tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xảy ra mới đây khiến nhiều người dân lo lắng khi tất cả số người bệnh này xuất hiện triệu chứng nghi ngộ độc sau khi bánh mì mua ở cửa hàng bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình, phường 7, TP Vũng Tàu.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu về vi sinh cho thấy, các mẫu vật phẩm đều phát hiện có vi khuẩn gây hại Salmonella spp làm 342 ca mắc với các triệu chứng là đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, sốt, mệt; 1 trường hợp tử vong nghi liên quan ngộ độc thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 3 cơ kinh doanh của tiệm bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình đều không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các lao động và chủ cơ sở không có xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm. Đồng thời, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm.
Cơm bụi bày bán ngay dưới vỉa hè gần cổng Bệnh viện Việt Đức.
Trước đó, vào tháng 4/2024, hơn 580 người sau khi ăn bánh mì ở tiệm Băng, tại khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm. Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ trên và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tại đây, có 4 người làm việc trực tiếp không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có cả những vụ có số lượng lớn người bị ngộ độc. Đã có trường hợp hoạt động trong thời gian dài mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, chỉ khi ngộ độc xảy ra mới bị phát hiện.
Chế tài xử phạt tăng, có hạn chế được vi phạm?
Ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, có 72.671 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có 39.244 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Hiện nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn bày bán thực phẩm chín trên vỉa hè đông người qua lại mà không che đậy. Người bán hàng còn dùng tay bốc thức ăn, thực phẩm chín để dưới đất; nhiều loại thực phẩm như xiên bẩn, đồ nướng trên vỉa hè không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại Bệnh viện Việt Đức, sáng sớm, các hàng ăn vỉa hè đã tập trung gần cổng bệnh viện. Đồ ăn sáng như xôi, cháo, bánh mì... để ngay dưới đường. Đến trưa, các khay nhựa đựng cơm và thức ăn cũng đặt luôn xuống dưới nền đất bán cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Phía bên kia đường Phủ Doãn, những gánh hàng rong vỉa hè bày bún đậu mắm tôm, trứng vịt lộn, cháo... được bán cho thực khách.
Theo UBND TP Hà Nội, năm 2024, TP thành lập 656 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Kết quả, tổng số cơ sở được kiểm tra, hậu kiểm là 70.809, trong đó có 63.445 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 89,6%) và phát hiện 7.364 cơ sở vi phạm. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 3.234 cơ sở với số tiền phạt là hơn 14,1 tỷ đồng.
Cùng với xử phạt hành chính, cơ quan chức năng còn tiêu hủy 199 loại sản phẩm vi phạm của 5.709 cơ sở, tiêu hủy 10.000 bánh trung thu và 14.221 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 1 cơ sở.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn hiện hữu nếu cơ sở chế biến, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn từ khâu lựa chọn nguồn gốc thực phẩm, chế biến, dụng cụ, vận chuyển, đưa ra thị trường. Vi sinh vật rất dễ xâm nhập nếu thực phẩm bị ôi thiu, quá trình chế biến dụng cụ không sạch sẽ, để gần nơi chứa rác, nhà vệ sinh, bàn tay người chế biến. Khi đưa ra thị trường không bảo quản đúng cách, bày bán ở nơi bụi bẩn, ô nhiễm, vi sinh vật dễ xâm nhập.
Từ 1/1/2025, Hà Nội áp dụng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó quy định, kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt đến 6 triệu đồng; vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, Chi cục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tập trung vào công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Ngoài tập trung kiểm tra, ông Đặng Thanh Phong cho biết, đơn vị sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm... Chế tài xử phạt vi phạm thức ăn đường phố tăng từ năm 2025, cũng sẽ giúp nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm.
Trần Hằng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/xa-hoi/ngo-doc-tu-nhung-thuc-an-khong-ro-nguon-goc-ban-tran-lan-tren-he-pho--i753553/