Ngõ trong lòng phố

Ngõ trong lòng phố
5 giờ trướcBài gốc
1. Nhiều người lại thích gọi Hàng Hành là “phố” thay vì ngõ, bởi nó cũng giống một con phố điển hình ở khu phố cổ. Và cũng bởi “ngõ cô đơn” này không có phố Hàng Hành “chống lưng” như các cặp phố - ngõ Cầu Gỗ, Tràng Tiền, Đồng Xuân.
Bản thân chốn này vốn là một con ngõ. Ngõ Hàng Hành là tên gọi từ xưa, nhưng ai nấy đều coi đây là “phố Hàng”, tương đương như 36 phố phường cổ kính. Lan man chuyện phường phố với nhiều bậc cao niên nơi đây, tôi hiểu tại sao con ngõ nhỏ này lại có vị thế “ngang với phố” như thế. Là bởi tuy nhỏ, nhưng ngõ Hàng Hành đã xuất hiện từ lâu đời với những người dân làm nghề tiện gỗ đến từ xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Họ mang theo nghề gia truyền đến đây lập thôn làng. Sản phẩm của họ vô cùng đa dạng, nào chân đèn nến, nào ống hương, nào con tiện, con quay… Vì thế, ngõ cũng là nơi in dấu một dòng người gia nhập Hà Nội thời đó.
Không chỉ vậy, ngõ Hàng Hành xưa nhanh chóng hòa nhập, giao thương với người trong phố cổ, với các khu vực sầm uất trong nội thành. Họ còn dựng đền thờ ông Đoàn Tài, người xã Nhị Khê là ông tổ của nghề tiện gỗ. Còn vì sao phố này là Hàng Hành lại do những vườn hành tươi tốt của người dân trồng vào thời ấy đã cung cấp hành cho các chợ đầu mối của Hà Nội. Tuy nhiên, đó là chuyện của ký ức, còn bây giờ thỉnh thoảng dân phố Hàng Hành lại đùa “đổi cái tên Hàng Hành cho phố Cao Thắng thì đúng hơn!”.
Ngõ Hàng Hành, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Nói về nghề truyền thống của con ngõ dài chỉ 180m, Hàng Hành có đến hai nghề là tiện gỗ và đóng giày da, có liên quan mật thiết đến phường thợ ở phố Tố Tịch và phố Hàng Giày. Tay nghề thợ tiện của người dân ngõ Hàng Hành rất cao, vì thế họ được mời tham gia dựng lễ đài Ba Đình vào tháng 9/1945 lịch sử.
2. Hàng Hành ngay gần Hồ Gươm. Sau khi dạo chán chê phố đi bộ, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn, tôi ghé Hàng Hành chỉ để nhâm nhi cà phê cùng không khí cuộc sống thường nhật của Hà thành. Ngõ nhỏ nhưng đầy đủ cả thanh âm cuộc sống. Thật lạ, tôi có thể tìm thấy ở đây nhiều cảnh đời thường nhật cùng những cuộc mưu sinh hối hả chốn Hà thành.
Chỉ một ngõ nhỏ mà nhịp sống từ sáng sớm đến chiều tối vô cùng sôi động, bởi đây là đường đi tắt từ phố Lương Văn Can ra đến ngõ Bảo Khánh. Nhiều người nói họ cảm thấy tràn đầy hứng khởi khi chọn một quán nhỏ trong phố nhỏ này ngồi làm việc. Ngồi ở đó chợt cảm thấy mình hòa vào nhịp sống sôi động - thứ nhịp điệu buộc người ta phải gắng sức, phải năng động để không tụt hậu và chìm nghỉm giữa dòng đời. Vài bước chân là từ đầu ngõ đã đến cuối ngõ, thời gian rất ngắn nhưng cũng là một cuốc rao của chị em bán rong quà bánh, là mấy vòng dạo qua lại của đội quân đánh giày... Họ có thể kiếm đủ một bữa ăn nếu gặp may có vài khách.
Tôi đem chuyện về Hàng Hành kể với bà nội, bà được dịp trải lòng về con phố trong ký ức thẳm sâu ấy. Người ta thích gọi là phố bởi sự sôi động của người dân qua lại thời “xe kéo”. Khi ấy xe kéo là một nghề mưu sinh mà rất đông người làm. Các phu xe hay đi qua con ngõ nhỏ này, hay kể chuyện với nhau, đến nỗi nhiều văn nhân, thi sĩ cũng chọn viết về cuộc sống của phu xe. Sau này xe kéo không còn nữa, con phố lại là nơi nhiều xe ba gác đi qua. Xe ba gác chở mọi thứ trên đời, từ thực phẩm ra chợ đầu mối cho đến chở đồ đạc, chở người. Họ đi tắt qua Hàng Hành, vẫy tay chào nhau coi đó là niềm vui trong cuộc mưu sinh đẫm mồ hôi. Giờ thì ba gác không còn, xích lô có nhưng ít và chỉ phục vụ du lịch. Nhưng bậc cao niên thì vẫn nhớ những kỷ niệm xưa cũ ấy.
Một lý do quan trọng khiến ngõ nhỏ như Hàng Hành trở thành một phần không thể thiếu của 36 phố phường chính là cảm xúc còn đọng lại từ bao năm nay. Điều ấy lý giải vì sao nhiều người khi đến Bờ Hồ lại chọn đi qua Hàng Hành. Ngày nay thì người ta có cớ đi dạo qua đây để thưởng thức cà phê Hàng Hành, nhưng khi chưa có các quán cà phê thì đơn giản là người ta muốn lắng nghe tiếng kính coong của chuông xích lô. Cũng không phải là một quá khứ quá xa mà vào tầm ba chục năm trước khi còn nhỏ, chính tôi cũng cảm nhận rõ ràng sự hòa trộn giữa hai cảm xúc sôi động và buồn bã khi những chiếc xích lô ghé vào Hàng Hành lúc chiều muộn. Thêm vào đó là tiếng lao xao trò chuyện của người bán hàng rong với dân ở đó rằng hôm nay làm được gì, chạy được bao nhiêu, kiếm ăn thế nào… Toàn chuyện cơm áo gạo tiền thường nhật đúng kiểu “chạy ăn” từng bữa. Nghe sao mà bâng khuâng quá!
3. Giờ đây, kỷ niệm của tôi về phố Hàng Hành ngày càng đầy thêm sau hơn hai chục năm làm nghề viết. Thỉnh thoảng cuối tuần, tôi lại ghé con phố nhỏ này để tìm kiếm một nỗi thân thương, một sự yên tĩnh giữa sôi động cuộc sống thường nhật. Các cặp đôi trẻ trung, các du khách nước ngoài hay mấy người ra đây làm thêm việc vào ngày nghỉ… tất cả tạo nên một hơi thở phố nhỏ đặc biệt, đan chút không gian phố xưa lẫn trong sôi động phố nay. Sáng sớm, các bậc cha chú đầu điểm khói sương thư thái ngay bên lề phố pha chè, uống cà phê, chuyện trò rôm rả, cứ như tạo khởi đầu một ngày mới không giống nhau cho mỗi người.
Dân ngõ Hàng Hành được coi là những người “sành điệu” trong thú thưởng trà và cà phê. Những quán cà phê ở ngõ Hàng Hành cũng là người mở đầu trong trào lưu thưởng thức trà và cà phê đầu những năm 2000 với không gian và cách pha chế đồ uống mới mẻ. Nơi đây cũng là địa điểm mở những quán cà phê internet đầu tiên ở Hà Nội. Du lịch phát triển, phố Hàng Hành bé nhỏ ngày nay lại trở thành con phố ẩm thực và giải khát có tiếng, hằng ngày đón tiếp nhiều du khách ghé chân, nhất là người thích đi chơi đêm. Ngõ chưa tới 50 số nhà nhưng bày bán nhiều món ăn nổi tiếng của Thủ đô như bún thang, xôi gà, miến lươn, bún mọc… Nhưng sự nổi tiếng của Hàng Hành phần lớn đến từ giải khát, bởi cà phê ở các quán trên Hàng Hành được nhiều người nhận xét là ngon, thơm và làm cho khách thấy muốn quay lại.
Dẫu thời gian có trải qua hàng chục năm hay cả thế kỷ thì mỗi con phố, dù nhỏ như Hàng Hành vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong bản hòa ca phố của Hà thành nghìn năm văn hiến.
Đinh Thành Trung
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ngo-trong-long-pho.704959.html