NGÔ VĂN TUẤN - những trang thơ với cố hương

NGÔ VĂN TUẤN - những trang thơ với cố hương
một ngày trướcBài gốc
Từ nhiều thế hệ, dân cư các vùng miền hội nhập đã tạo nên một bản sắc văn hóa phong phú và rất riêng cho vùng đất này. Trong đó ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, người xứ Quảng đã có một vị trí khá ấn tượng ở mảng văn thơ đối với lớp trẻ, dù trưởng thành nơi đất mới nhưng nỗi niềm khôn nguôi nỗi nhớ với quê hương cố xứ như bao tấm lòng cùng quê.
Xin được giới thiệu nhà thơ Ngô Văn Tuấn, sinh năm 1957, người quê Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam. Từ năm 1959 lẫm đẫm theo gia đình gồng gánh di dân đến vùng đất Dinh điền giáp Bắc Ruộng/ Huy Khiêm (thuộc quận Hoài Đức thời VNCH)…Trong hoàn cảnh chiến tranh, gia đình cùng những người dân đồng hương phải di chuyển tứ tán và gia đình anh cuối cùng trụ lại ở gò đất Phước Bình khô cằn nằm ven tỉnh lỵ Bình Tuy.
Trong 4 tập thơ Ngô Văn Tuấn đã xuất bản (Biển và Mẹ- 1994, Nợ- 2004, Tìm xưa-2011, Sông nuôi nỗi nhớ- 2020). Trong đó tập Biển và Mẹ đạt giải A lần thứ nhất năm 1997 và tập Sông nuôi nỗi nhớ đạt giải C lần thứ VI năm 2023 - giải thưởng Văn học nghệ thuật Dục Thanh (5 năm một lần). Ngô Văn Tuấn còn có nhiều thơ đăng trên các trang báo văn nghệ trung ương, tạp chí, tuyển tập văn nghệ trong nước và đối với những người yêu thơ trong tỉnh khó quên một giọng thơ chân thật, đong đầy cảm xúc, giàu tính tự sự, đặc biệt với đất quê xứ Quảng một cách thiết tha và da diết. Với khuôn khổ bài giới thiệu, chỉ xin được trích những dòng thơ từ nỗi niềm trăn trở trong anh về quê hương xứ Quảng. Lúc rời quê khi ở tuổi còn thơ trẻ nhưng trong ký ức anh đã vang vọng lời mẹ ru mang theo hình ảnh “Ôi chao nhung nhớ trong nhung nhớ/ Một lũy tre làng, một sớm mưa” (trích trong Nhớ Đại Lộc-1994). Nỗi nhớ ở anh có những phút giây phiêu lãng, thẫn thờ “Về quê nghe lại mùi quê/ Cái mùi khói bếp khét khê đợi chờ/ Mùi rơm rạ ướt sương mơ/ Có con chim nhỏ hót chờ ban mai” (Mùi quê). Ruột rà quá đỗi mới cảm nhận cái mùi quê như thế nhưng càng xa xót hơn với “cái mùi khói bếp khét khê đợi chờ” càng thêm nỗi xa khuất đau đáu. Anh đưa ngôn ngữ thơ luyến láy vào âm điệu dân dã ngọt ngào, trong trẻo. Anh từng tâm sự: “Tôi sinh ra bên bờ Vu Gia đất Quảng, nhưng lại lớn lên bên dòng sông Dinh La Gi nơi miền thùy dương cát trắng. Dòng Vu Gia với tôi là sự hoài niệm khắc khoải về nơi chôn nhau cắt rốn”. Ngô Văn Tuấn thấm đẫm chất quê nghèo khó quanh năm, để có những câu thơ chân chất mà tinh tế đến bùi ngùi: “Nơi tôi sinh ra/ Một miền quê đất Quảng/ Sông chia dòng bên “cái” bên “con”/ Mùa bão lụt qua rồi để lại/ Lớp phù sa bù đắp những tâm hồn/ Cơ cực vậy mà mấy ai bỏ xứ/ Nặng lòng quê mà máu thịt bao đời/ Tre vẫn xanh và câu hò vẫn ướt/ Giông bão qua rồi tiếp lại mùa vui” (trong Nơi tôi sinh ra). Với lối tái hiện một vùng quê qua nỗi nhớ đã gợi cho người đọc không khỏi bồi hồi “Theo em về bên ngoại/ Ghé quán nhỏ bên đường/ Ngon tình quê mì quảng/ Bát chè thơm hương gừng/ Vườn xưa trăng cổ tích/ Nghe kể chuyện Ông Bà/ Chuyện Mẹ Cha cùng vợ/ Chuyện em thời tuổi hoa/ Theo em về quê Ngoại/ Mắt lành mùa Duy Xuyên/ Bãi bồi xanh ước vọng/ Mắt em cười trao duyên” (trong Theo em về bên Ngoại - 2012). Tình quê đã thôi thúc những người con xa xứ không thể nào quên được, bởi “Mai ta lên núi ra gò Tổ/ Bên hàng bia mộ nét phôi phai/ Ở đây xương cốt người xưa gởi/ Ta đốt lòng theo sợ khói dài” (trong Mai ta khăn gói ta về xứ). Không còn là chuyện của riêng ai, tác giả đã gây nên sự liên tưởng đối với bất cứ cảnh ngộ nào với tâm trạng xa quê đến quặn thắt trong lòng khi nhớ về quê cha đất tổ.
Kể từ tuổi trưởng thành cho đến nay, Ngô Văn Tuấn trải qua thời gian học hành rồi làm việc càng có điều kiện gắn bó với người dân lao động. Đó là phường Tân An, thị xã La Gi nơi anh đang sống và ở đây cũng khá nhiều “lưu dân” đất Quảng chọn đất này mưu sinh trong các thời kỳ, càng tạo cho anh nhiều cảm xúc nao lòng để chắt chiu những trang chữ bởi nỗi nhớ khôn cùng. Trong quá trình sinh hoạt văn học nghệ thuật của Hội VHNT Thuận Hải/ Bình Thuận, đã trên 40 năm Ngô Văn Tuấn là một bút danh quen thuộc, xuất hiện đều đặn trên nhiều trang văn học của địa phương và trong nước. Điều đặc biệt ở Ngô Văn Tuấn, với quê hương có một ma lực huyền thoại lay động tâm hồn nghệ sĩ, làm nên những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cho đời.
PHAN CHÍNH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/ngo-van-tuan-nhung-trang-tho-voi-co-huong-128071.html