Giá bán ra đô la Mỹ đã vượt mốc 26.000 đồng/đô la từ ngày 21-3 đến nay. Ảnh: LÊ VŨ
Tỷ giá chính thức tăng mạnh
Đầu tuần này (ngày 24-3-2025), tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục tăng mạnh 18 đồng, leo lên mức cao nhất từ trước đến nay ở 24.831 đồng/đô la. So với thời điểm cuối tháng trước, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 105 đồng, tiếp nối mức tăng vọt 401 đồng trong tháng 2. Theo đó, so với cuối năm 2024, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 496 đồng, tương đương tăng 2,04%, vượt mục tiêu 2% cho mỗi năm dù chưa kết thúc quí 1.
Trong khi đó, giá bán ra đô la Mỹ tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước đã vượt mốc 26.000 đồng/đô la từ ngày 21-3 đến nay, và tính đến đầu tuần này thì đã tăng mạnh 572 đồng, tương đương tăng 2,25%. Giá mua vào tham khảo tăng ít hơn, chỉ ở mức 240 đồng, tương đương tăng hơn 1%; nhưng điểm đáng lưu ý là từ ngày 11-2 cơ quan này cũng đã thả nổi giá mua vào linh hoạt hơn, thay vì giữ nguyên ở mốc 23.400 đồng/đô la tính từ cuối tháng 5-2023.
Trong bối cảnh tỷ giá trung tâm tăng mạnh, giá mua bán đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại cũng biến động tương tự, dù đã giảm nhiệt nhiều so với trước. Cụ thể, giá mua vào đô la Mỹ tại Vietcombank sau khi giảm mạnh 451 đồng trong tháng 1 thì tháng 2 đã đảo chiều tăng vọt trở lại 570 đồng và tính từ đầu tháng 3 đến nay tiếp tục tăng thêm 80 đồng, nâng mức tăng so với đầu năm lên 199 đồng, tương đương tăng 0,8%. Giá bán ra biến động mạnh hơn khi tăng 259 đồng, tương đương tăng hơn 1%.
Diễn biến tỷ giá trung tâm tăng mạnh có lẽ đến từ việc nhà điều hành đang muốn mở ra một dư địa rộng hơn cho biến động của tỷ giá trong giai đoạn tới, nhằm chuẩn bị ứng phó với tình huống hàng hóa Việt Nam có thể bị phía Mỹ đánh thuế. Đây cũng là kế sách mà nhiều quốc gia áp dụng, khi đồng nội tệ bị mất giá sẽ góp phần giảm bớt ảnh hưởng của các chính sách thuế quan từ phía đối tác.
Trên thị trường không chính thức, xu hướng tương tự cũng diễn ra, khi giá đô la Mỹ sau khi giảm mạnh trong tháng 1 đã tăng vọt trở lại trong tháng 2 và tiếp tục đi lên từ đầu tháng 3 đến nay, với mức tăng 80 đồng. Theo đó, so với đầu năm đã tăng 110 đồng ở chiều mua vào và tăng 100 đồng ở chiều bán ra, tương đương tăng xấp xỉ 0,4%.
Tỷ giá trong nước đi lên trở lại trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ được cho là vẫn khá cân bằng. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm nay Việt Nam vẫn ghi nhận xuất siêu hàng hóa 1,47 tỉ đô la Mỹ; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 2,95 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, do yếu tố mùa vụ, lượng kiều hối đổ về trong giai đoạn đầu năm cũng rất lớn, trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam hai tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh hơn 30% so với cùng kỳ, đạt gần bốn triệu lượt khách.
Xét ở góc độ cầu, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp tục có nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Hôm 20-3 vừa qua cơ quan này đã chào mua 300 triệu đô la Mỹ, đánh dấu đợt mua thứ 5 kể từ giữa tháng 2 đến nay. Tổng cộng qua năm phiên, KBNN dự kiến mua tổng cộng 1,1 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2024, KBNN đã thực hiện mua 1,83 tỉ đô la Mỹ từ các ngân hàng thương mại.
Áp lực từ đâu?
Đáng lưu ý, diễn biến giá đô la Mỹ trong nước đi lên trái ngược với xu hướng đô la Mỹ tiếp tục điều chỉnh trên thị trường quốc tế. Cụ thể, chỉ số USD Index đã giảm mạnh trở lại từ giữa tháng 1 đến nay, khi rớt từ đỉnh cao 110 điểm xuống tận vùng 104 điểm, tương đương giảm gần 5%. Bất chấp việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm chậm lại lộ trình cắt giảm lãi suấ khi vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản trong hai cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay, đô la Mỹ vẫn suy yếu trước lo ngại về các rủi ro của nền kinh tế Mỹ và nguy cơ chiến tranh thương mại lan rộng khi các nước khác cũng sẽ đánh thuế trả đũa Mỹ.
Vì vậy, theo giới phân tích, một trong những lý do đẩy giá đô la Mỹ tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây là từ sự biến động trên thị trường vàng. Giá kim loại quý này đã liên tục nổi sóng mạnh, với giá vàng trên thị trường thế giới duy trì vững chắc trên mốc 3.000 đô la Mỹ/ounce, khiến giá vàng trong nước có lúc chạm mốc 100 triệu đồng/lượng, trước khi giảm về quanh 97 triệu đồng/lượng như hiện tại.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 400 đô la Mỹ/ounce, tương đương tăng gần 16%, là một trong những tài sản có suất sinh lời tốt nhất. Trong khi đó, chỉ trong vòng một tháng qua, giá vàng SJC trong nước cũng đã tăng hơn 11%. Thị trường vàng tăng vọt do nhà đầu tư đổ tiền vào tài sản an toàn này vì những lo ngại về sự bất ổn định của kinh tế và chính trị toàn cầu trước các chính sách khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đáng chú ý, giá vàng nhẫn “4 số 9” hiện vẫn cao hơn giá vàng miếng SJC từ 600.000-700.000 đồng mỗi lượng tùy thương hiệu. Trong ba ngày cuối tuần trước, có thời điểm giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC tới 1,4 triệu đồng mỗi lượng. Việc giá vàng tăng mạnh và neo cao thường sẽ có những ảnh hưởng lây lan sang thị trường ngoại hối trong nước, vì sau đó có thể thúc đẩy nhu cầu gom đô la Mỹ để nhập lậu vàng nhằm hưởng chênh lệch giá, điều đã từng diễn ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là mức tăng giá của đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại lẫn trên thị trường không chính thức đều thấp hơn so với tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng từ đầu năm đến nay. Như đã phân tích, trong khi tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 2% từ đầu năm đến nay, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường không chính thức chỉ mới tăng lần lượt 0,8% và 0,4%. Diễn biến này cho thấy cầu đô la Mỹ trên thị trường trong nước hiện nay chưa có sự đột biến.
Thay vào đó, diễn biến tỷ giá trung tâm tăng mạnh có lẽ đến từ việc nhà điều hành đang muốn mở ra một dư địa rộng hơn cho biến động của tỷ giá trong giai đoạn tới, nhằm chuẩn bị ứng phó với tình huống hàng hóa Việt Nam có thể bị phía Mỹ đánh thuế. Đây cũng là kế sách mà nhiều quốc gia áp dụng, khi đồng nội tệ bị mất giá sẽ góp phần giảm bớt ảnh hưởng của các chính sách thuế quan từ phía đối tác
Cũng cần biết rằng ông Trump dự kiến sẽ đánh thuế một loạt sản phẩm của các quốc gia đang xuất khẩu hàng vào Mỹ từ đầu tháng 4-2025, đặc biệt là những nước mà Mỹ đang chịu thâm hụt thương mại cao. Việt Nam gần đây đã chủ động ký kết hợp tác thương mại với Mỹ, với tổng trị giá lên tới 90 tỉ đô la Mỹ, theo hướng Việt Nam có thể phải nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn.
Đáng chú ý, trong trường hợp Việt Nam tuy không bị Mỹ áp thuế, nhưng những đối tác thương mại lớn như Trung Quốc tiếp tục bị Mỹ nâng thuế, Trung Quốc có thể tìm cách tiếp tục phá giá tiền tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi đó, tất yếu tiền đồng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng suy giảm, vì Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, do bị Mỹ đánh thuế, một lượng hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tràn sang các quốc gia lân cận, Việt Nam có thể đối mặt với thâm hụt thương mại nặng nề hơn với Trung Quốc, khi đó tỷ giá cũng chịu áp lực là điều có thể thấy trước.
Triệu Minh