Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 55 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam WEF. Sự kiện có sự góp mặt của Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của WEF, ông Joo-Ok Lee, cùng hơn 60 lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu là thành viên WEF.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên Đối thoại chính sách đặc biệt tại Davos ngày 21/1. Ảnh TTXVN.
Nỗ lực nâng tầm kinh tế và đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại phiên Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu tham vọng: đạt tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay, song cũng thừa nhận nguy cơ áp thuế từ Mỹ tạo ra không ít vấn đề phải giải quyết. Trước đây, Việt Nam từng hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng do thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng tăng và mong muốn của ông Trump trong việc đưa nhiều công việc sản xuất trở lại nước Mỹ khiến Việt Nam trở thành “điểm ngắm” của các chính sách bảo hộ.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang “tìm kiếm các giải pháp” nhằm tái cân bằng thặng dư thương mại với Mỹ. Thủ tướng cũng nhắc lại cam kết mua máy bay Boeing, đồng thời bày tỏ ý định mua thêm các thiết bị công nghệ cao khác từ Mỹ. Trả lời câu hỏi liệu ông có sẵn sàng đến Mar-a-Lago (Florida) để gặp gỡ và đánh golf với Tổng thống Donald Trump hay không, Thủ tướng dí dỏm nói: “Nếu việc chơi golf giúp mang lại lợi ích cho đất nước và nhân dân, tôi có thể chơi golf cả ngày”.
Bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp thương mại với Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm qua những bước phát triển đáng kể của kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Xuất khẩu tăng mạnh ở mức hai con số, vốn đầu tư nước ngoài ổn định và ngành sản xuất sôi động đã giúp GDP quý IV/2024 tăng 7,55%, đưa tăng trưởng cả năm lên 7,09%, cao hơn hẳn mục tiêu Chính phủ đặt ra. Trong khi Quốc hội xác định mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% cho năm nay, Thủ tướng cho biết chính phủ phấn đấu năm 2025 sẽ là “năm tăng tốc,” đạt khoảng 8% tăng trưởng.
Về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kết nối các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Việt Nam đặc biệt thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn công nghệ nước ngoài cho nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thiết bị điện tử cho tới linh kiện bán dẫn cơ bản.
Tầm nhìn “Việt Nam thành trung tâm công nghệ tiên tiến”
Thủ tướng nhắc lại cam kết trước đó về việc thu hút thêm các khoản đầu tư “then chốt” vào AI. Việt Nam hướng tới mục tiêu doanh thu ngành bán dẫn vượt 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050, đồng thời đặt ra các kế hoạch tham vọng như xây dựng 3 trung tâm dữ liệu lớn và 3 trung tâm AI vào năm 2030. Ông cho biết Chính phủ đang tập trung cắt giảm chi phí logistics, nâng cấp hạ tầng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ tiên tiến toàn cầu.
Chính phủ đặt ra lộ trình hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong 10 năm, khởi công tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Trung Á và châu Âu vào năm 2025, cũng như xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm tới. Đồng thời, các dự án trọng điểm về cảng hàng không, cảng biển và đường cao tốc được thúc đẩy, phấn đấu đạt 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
Việt Nam đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), quang tử học (photonics)… Thủ tướng khẳng định đà tăng trưởng nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội hay môi trường. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Về năng lượng, Chính phủ lên kế hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu điện, nhằm duy trì nguồn cung ổn định.
Ở lĩnh vực bất động sản, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách và khung pháp lý, đồng thời cải thiện hạ tầng then chốt để mở rộng không gian cho tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác với Việt Nam trong loạt lĩnh vực ưu tiên, góp ý về thể chế, xây dựng hạ tầng, chính sách tài chính, chuyển giao công nghệ, cũng như đào tạo – thu hút nhân lực chất lượng cao.
Đại diện doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và nhận thấy những cơ hội hấp dẫn trên thị trường này. Họ cũng mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng, khí tự nhiên hóa lỏng, y tế, dầu khí, du lịch…, đồng thời kỳ vọng chính sách rõ ràng về nguồn cung điện, thủ tục dự án, tiếp cận lao động tay nghề cao, cũng như cách vượt qua các rào cản xuất khẩu tại thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp tin tưởng Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới, vượt trội cả về chất lẫn lượng. Họ cam kết duy trì hợp tác lâu dài, đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, coi đó là bước đi vững chắc trong chiến lược phát triển bền vững của mình.
Thùy Linh