Ngoại giao liên kết kép của Ấn Độ giữa Nga và Mỹ

Ngoại giao liên kết kép của Ấn Độ giữa Nga và Mỹ
3 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp ở Washington ngày 13/12/2025. Ảnh: ANI/TTXVN
Bình luận trên trang web của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI.org) có trụ sở tại Anh mới đây, Tiến sĩ Vinay Kaura, tại Khoa Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu An ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Đại học Sardar Patel (Rajasthan, Ấn Độ) cho rằng, trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang trải qua những biến động sâu sắc, Ấn Độ đang khéo léo định vị mình như một quốc gia khẳng định quyền tự chủ chiến lược, đặc biệt khi căng thẳng giữa các cường quốc ngày càng gia tăng. Từ một quốc gia vốn theo đuổi chính sách không liên kết, New Delhi đã chuyển sang một chiến lược đối ngoại linh hoạt, cân bằng tinh tế mối quan hệ với cả phương Tây và Nga.
Định vị trong bối cảnh địa chính trị biến động
Theo Tiến sĩ Vinay Kaura, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo trong trật tự quốc tế, đẩy Ấn Độ vào một cuộc thử nghiệm cam go về áp lực toàn cầu. Mỹ đã nhiều lần đưa ra mối đe dọa về thuế quan và các lệnh trừng phạt thứ cấp, điển hình là dự luật của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đề xuất mức thuế 500% đối với các quốc gia mua dầu của Nga. Lời cảnh báo từ Tổng thư ký NATO Mark Rutte về việc Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng "rất nặng nề" nếu tiếp tục giao dịch với Nga càng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của thách thức.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã vượt ra khỏi khuôn khổ không liên kết cứng nhắc trước đây để trở thành một "chiến lược xoay trục vĩ đại". Đây không chỉ là chủ nghĩa cơ hội mà là một sự điều chỉnh có mục đích, tận dụng vị trí địa lý độc đáo để giành được sự nhượng bộ và đảm bảo từ cả Washington và Moskva, nhằm định hình cấu trúc an ninh khu vực theo hướng có lợi cho mình.
Bất chấp những lời đề nghị hấp dẫn từ phương Tây, hơn 60% thiết bị quân sự của Ấn Độ vẫn có nguồn gốc từ Nga. Đây được xem là một chính sách bảo hiểm chiến lược hơn là di sản của Chiến tranh Lạnh. Các ví dụ điển hình bao gồm hệ thống phòng không S-400, liên doanh tên lửa hành trình BrahMos và việc nội địa hóa súng trường AK-203. Các hệ thống vũ khí này là lời nhắc nhở mạnh mẽ về năng lực răn đe đa dạng của Ấn Độ.
Trong cuộc chiến giữa Ấn Độ - Pakistan kéo dài 4 ngày gần đây, hệ thống tên lửa S-400 đã thể hiện hiệu quả. Đến cuối năm 2025, Ấn Độ dự kiến tiếp nhận hệ thống S-400 thứ tư trong tổng số năm hệ thống, với đơn vị cuối cùng dự kiến vào năm 2026. Thỏa thuận mua sắm này được ký kết từ năm 2018, bất chấp những tranh cãi về lệnh trừng phạt CAATSA (Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt) của Mỹ, cho thấy cam kết lâu dài của Ấn Độ đối với quyền tự chủ chiến lược. Việc tiếp tục các thương vụ này trong bối cảnh xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva, New Delhi đã nhấn mạnh sự từ chối đặt các yêu cầu an ninh quốc gia dưới áp lực bên ngoài.
Điều đáng chú ý là an ninh năng lượng của Ấn Độ hiện gắn chặt với dầu thô của Nga, chiếm hơn một phần ba lượng dầu nhập khẩu của nước này. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã vô tình làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc đó, mang lại cho Ấn Độ giá dầu thấp và một công cụ phòng ngừa biến động giá toàn cầu. Ấn Độ đã khéo léo tận dụng những rạn nứt trong chế độ trừng phạt của phương Tây để đảm bảo sự ổn định kinh tế, ngay cả khi nước này đang đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác về mua sắm quốc phòng và công nghệ với phương Tây.
Chính sách điố ngoại của Ấn Độ
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ hiện vận hành trong một mạng lưới phức tạp với những lợi ích chồng chéo và các liên minh giao dịch. New Delhi đã tăng cường vai trò trong Quad, tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ, Nhật Bản và Australia tại Vịnh Bengal. Cam kết này được nhấn mạnh khi các bộ trưởng ngoại giao của Quad gặp nhau tại Washington D.C. vào đầu tháng này trong cuộc họp gần đây nhất, củng cố tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đồng thời, thông qua sáng kiến I2U2 (nhóm mới gồm bốn quốc gia: Ấn Độ, Israel, Mỹ và UAE) và Hành lang Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu, New Delhi mở rộng phạm vi kinh tế và địa chính trị của mình về phía Tây. Tuy nhiên, trong một hành động cân bằng khéo léo, Ấn Độ duy trì tham gia mạnh mẽ vào BRICS, duy trì đối thoại trong các khuôn khổ đa phương thay thế, không phải phương Tây – như được phản ánh trong sự tham gia của Thủ tướng Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil vào ngày 6-7/7 vừa qua.
Nhưng thách thức với Ấn Độ không chỉ là phản ứng của Mỹ đối với mối quan hệ với Nga, mà còn là nguy cơ bị mắc kẹt trong một thế giằng co song phương.
Để vượt qua khó khăn này, Tiến sĩ Vinay Kaura nhận định, Ấn Độ đã phát triển một chiến lược né tránh trừng phạt tinh vi. Các công ty Ấn Độ đã tìm kiếm các cơ chế thanh toán thay thế – giao dịch bằng đồng rupee hoặc rúp, và tăng cường đầu tư vào các tài sản năng lượng của Nga để tạo ra dòng cổ tức cho các giao dịch mua sắm quốc phòng. Đây không chỉ là sự né tránh đơn thuần mà là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng nhằm duy trì quyền tự chủ trước áp lực từ bên ngoài. Đồng thời, Ấn Độ đầu tư vào các ngành công nghiệp của Mỹ, tạo ra việc làm và thiện chí, những yếu tố có thể được tận dụng để điều chỉnh các quyết định chính sách của Mỹ.
Tóm lại, trong khi các nước phương Tây hối thúc liên kết quyết liệt và nhanh chóng tách khỏi Nga, New Delhi lại hành động thận trọng. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc, từ chối chỉ trích Moskva liên quan đến xung đột ở Ukraine và duy trì quan hệ ngoại giao cấp cao với cả hai bên. Sự kiên nhẫn này là một thừa nhận rằng các mảng kiến tạo của trật tự toàn cầu vẫn đang dịch chuyển, và những cam kết vội vàng có thể ngăn cản các lựa chọn trong tương lai.
Có thể nói, chính sách đối ngoại của Ấn Độ là một phép biện chứng sống động. Đó là một sự gắn kết đang phát triển với thế giới, được định hình bởi lịch sử nhưng không bị ràng buộc bởi lịch sử. Trong một kỷ nguyên được định hình bởi các liên minh đang tan rã và các cuộc khủng hoảng chồng chất, Ấn Độ đang tìm kiếm sự tự chủ. Sự thay đổi kiến tạo của quyền lực toàn cầu không cho phép Ấn Độ tiếp tục thụ động.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ngoai-giao-lien-ket-kep-cua-an-do-giua-nga-va-my-20250727130225751.htm