Ngoại giao lượng tử: Cuộc chơi mới thời công nghệ cao

Ngoại giao lượng tử: Cuộc chơi mới thời công nghệ cao
7 giờ trướcBài gốc
Nhà vật lý đoạt giải Nobel Anne L'Huillier phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm Ngày lượng tử thế giới 2025 tại Paris, ngày 14/4. (Nguồn: UNESCO)
Việc chọn năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt. Đây vừa là dịp kỷ niệm 100 năm phát triển, vừa đánh dấu giai đoạn chuyển mình quan trọng của ngành này. Nếu như 100 năm trước, công nghệ lượng tử chỉ tồn tại trong các phòng thí nghiệm và lý thuyết khoa học, thì nay công nghệ lượng tử đã bước vào đời sống thực tế với những ứng dụng cụ thể.
Làn sóng lượng tử đầu tiên với những công nghệ như bóng bán dẫn, laser, GPS đưa nhân loại bước vào thời đại thông tin. Giờ đây, cuộc cách mạng lượng tử thứ hai (Quantum 2.0) đang mở ra những khả năng mới thông qua ba lĩnh vực chính: Điện toán lượng tử, truyền thông lượng tử và cảm biến lượng tử.
IYQ 2025 thể hiện xu hướng dịch chuyển của công nghệ lượng tử từ lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu thành chủ đề quan trọng của quản trị khoa học công nghệ toàn cầu. Liên hợp quốc xác nhận rằng nghiên cứu khoa học lượng tử đóng góp quan trọng vào việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), từ năng lượng sạch đến chăm sóc sức khỏe và giám sát môi trường.
Khác với những cuộc cạnh tranh công nghệ truyền thống, lĩnh vực lượng tử đòi hỏi sự hợp tác sâu rộng do tính phức tạp và yêu cầu nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, quốc gia nào làm chủ được công nghệ lượng tử sẽ bước lên một nấc thang mới về sức mạnh. Điều này khiến cho công nghệ lượng tử đã trở thành một chủ đề chiến lược, liên quan đến lợi ích quốc gia và đặt ra những nhiệm vụ mới cho công tác ngoại giao phục vụ phát triển.
Ba xu hướng mới
Trong bối cảnh công nghệ lượng tử đang là một trong những nhân tố quan trọng có thể thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, chính sách đối ngoại của các nước không thể bỏ qua mục tiêu cạnh tranh thu hút nguồn lực lượng tử. Dựa trên tiềm năng khác nhau, các nhóm quốc gia đang theo đuổi những cách tiếp cận riêng biệt, tạo nên ba xu hướng đáng chú ý.
Thứ nhất, ngoại giao nhằm kiểm soát công nghệ và giành vị thế dẫn đầu
Dẫn đầu cuộc đua công nghệ lượng tử chính là Mỹ và Trung Quốc. Hai cường quốc đang không chỉ đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu mà còn sử dụng ngoại giao làm công cụ kiểm soát công nghệ và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Mỹ tiên phong thể chế hóa phát triển lượng tử thông qua Đạo luật Sáng kiến lượng tử quốc gia (2018). Washington xác định công nghệ lượng tử sẽ là “cấu phần thiết yếu của chính sách đối ngoại Mỹ” trong thập kỷ tới. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sớm nhìn nhận công nghệ lượng tử như một trụ cột chiến lược quốc gia và công cụ nâng cao ảnh hưởng quốc tế.
Từ năm 2017, Trung Quốc đã thành lập viện nghiên cứu lượng tử có quy mô lớn nhất thế giới và đưa lĩnh vực này vào trọng tâm quy hoạch phát triển quốc gia. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn quản trị toàn cầu Mc Kinsey, cho đến năm 2023, với tổng mức đầu tư của Trung Quốc lên tới 15 tỷ USD, vượt xa con số 3,8 tỷ USD của Mỹ, Trung Quốc hiện dẫn đầu trong lĩnh vực truyền thông lượng tử, nổi bật là dự án vệ tinh “Mặc Tử”.
Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong lĩnh vực công nghệ lượng tử không chỉ giới hạn trong đầu tư và nghiên cứu, mà đang mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kiểm soát công nghệ. Washington áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với thiết bị, phần mềm và nhân lực liên quan đến lượng tử.
Thông qua các kênh ngoại giao song phương và đa phương, Mỹ tích cực vận động, gây sức ép và thiết lập cơ chế cảnh báo nhằm ngăn chặn các quốc gia, doanh nghiệp cung cấp công nghệ có thể hỗ trợ Trung Quốc trong phát triển năng lực lượng tử.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy tài nguyên chiến lược để phản ứng. Việc kiểm soát xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất thiết bị lượng tử - đang trở thành một công cụ trong các cuộc đàm phán thương mại và khoa học công nghệ.
Thứ hai, ngoại giao chuyên biệt và kiến tạo luật chơi về lượng tử
Nhóm các quốc gia công nghệ tầm trung theo đuổi chiến lược ngoại giao chuyên biệt nhằm phát huy thế mạnh chuyên môn hóa và tham gia kiến tạo các tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức.
Nhật Bản đang tập trung vào việc phát triển các hệ thống cảm biến lượng tử siêu nhạy, đồng thời đề xuất các nguyên tắc bảo mật dữ liệu lượng tử trong hợp tác đa phương. Canada định vị mình là trung tâm nghiên cứu thuật toán lượng tử và đào tạo nhân lực chuyên ngành, đồng thời khởi xướng các sáng kiến về “đạo đức lượng tử” trong khuôn khổ G7.
Anh theo đuổi mục tiêu trở thành cửa ngõ tài chính lượng tử toàn cầu thông qua phát triển các giao thức bảo mật ngân hàng lượng tử và thiết lập khung pháp lý tiên phong cho các dịch vụ mật mã lượng tử.
Australia tận dụng lợi thế về mạng lưới viễn thông để xây dựng hạ tầng truyền thông lượng tử xuyên Thái Bình Dương, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cho mạng lưới lượng tử khu vực.
Singapore định vị như một “phòng thí nghiệm” cho các ứng dụng lượng tử đô thị thông minh, từ tối ưu hóa giao thông đến quản lý năng lượng, đồng thời trở thành nơi thử nghiệm các mô hình quản trị và quy định đầu tiên cho nền kinh tế lượng tử. Thông qua việc tổ chức các diễn đàn quốc tế về “quản trị lượng tử có trách nhiệm”, Singapore đang nỗ lực trở thành nơi cung cấp các mô hình giải pháp tốt cho thế giới về công nghệ lượng tử.
Thứ ba, ngoại giao thu hút nguồn lực công nghệ lượng tử
Đáng chú ý, nhiều quốc gia đang phát triển không đứng ngoài cuộc đua này mà đang chủ động triển khai các biện pháp ngoại giao nhằm thu hút nguồn lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế để từng bước xây dựng năng lực nội sinh.
Ấn Độ triển khai Chương trình công nghệ lượng tử quốc gia với tham vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, đồng thời ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với Mỹ, EU và Australia. Brazil và Nam Phi thúc đẩy liên kết trong khuôn khổ BRICS với Trung Quốc, Nga để chia sẻ nghiên cứu và phối hợp xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Tại Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều nêu bật những thông điệp ngoại giao chào đón và dành các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về công nghệ, bao gồm lượng tử. Một số quốc gia châu Phi đã tận dụng các chương trình hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực tiếp cận và phát triển công nghệ lượng tử.
Các sáng kiến “Lượng tử vì phát triển”, “Sáng kiến lượng tử châu Phi” do các tổ chức quốc tế như UNESCO, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và UNIDO khởi xướng là minh chứng rõ nét cho nỗ lực toàn cầu trong việc phổ biến công nghệ lượng tử, thúc đẩy tính bao trùm và hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Việt Nam - Từ tầm nhìn đến hành động
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, “Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”. Việt Nam có bước tiến rõ rệt từ tầm nhìn sang hành động cụ thể.
Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1131, xác định “điện toán lượng tử và truyền thông lượng tử” là một trong ba công nghệ chiến lược thuộc nhóm “Điện toán đám mây – lượng tử - dữ liệu lớn”. Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện sự chuyển biến từ định hướng chiến lược sang ưu tiên chính sách cụ thể.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa chính sách và năng lực thực thi vẫn còn đáng kể. Việt Nam hiện chưa có chương trình quốc gia riêng về lượng tử; đầu tư cho nghiên cứu – phát triển còn hạn chế, và đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên sâu rất mỏng. Chỉ 2,2% doanh nghiệp Việt Nam đạt mức độ trưởng thành trong chuyển đổi số.
Để hội nhập hiệu quả vào cộng đồng lượng tử toàn cầu, Việt Nam cần tập trung vào năm ưu tiên: (i) Xây dựng chiến lược quốc gia về lượng tử một cách nhanh chóng và toàn diện; (ii) nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực thông qua đầu tư mạnh vào giáo dục STEM; (iii) phát triển hạ tầng đặc thù phục vụ công nghệ lượng tử, tận dụng các quan hệ đối tác chiến lược; (iv) chuẩn bị cho thách thức an ninh mạng trong thời đại lượng tử; (v) chủ động tham gia xây dựng luật chơi về công nghệ lượng tử.
Chìa khóa thành công chính là định vị cho Việt Nam một vai trò chuyên biệt, như trở thành trung tâm triển khai ứng dụng và tích hợp giải pháp lượng tử, hoặc một điểm nút trong chuỗi gia công, hoàn thiện và nội địa hóa phần mềm lượng tử.
Với năng lực kết nối, thích ứng và ứng dụng hiệu quả, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của công nghệ lượng tử, góp phần tạo dựng một vị thế bền vững trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Từ Anh Tuấn & Trần Bảo Châu
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/ngoai-giao-luong-tu-cuoc-choi-moi-thoi-cong-nghe-cao-320529-320529.html