Ngoài thuế quan, Trung Quốc còn những 'vũ khí' nào để đáp trả Mỹ?

Ngoài thuế quan, Trung Quốc còn những 'vũ khí' nào để đáp trả Mỹ?
4 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Các cảng của Mỹ đang bắt đầu chứng kiến các chuyến hàng từ Trung Quốc giảm dần do hậu quả của mức thuế 145% mà Tổng thống Trump áp đối với hàng hóa Trung Quốc. Cảng Los Angeles, cảng lớn nhất đối với hàng hóa Trung Quốc tại Mỹ, dự đoán các chuyến hàng theo lịch trình vào đầu tháng 5 sẽ thấp hơn khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng tàu cập cảng chở hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm có khả năng sẽ sớm ảnh hưởng đến các kệ hàng siêu thị Mỹ, trong khi Bắc Kinh cho thấy họ không có ý định lùi bước trước một cuộc chiến thương mại với Washington.
Theo trang Asia Times, mặc dù thuế quan dường như là vũ khí chính trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc có thể có nhiều chiến thuật hơn để đáp trả Tổng thống Trump và nền kinh tế Mỹ. Câu hỏi đặt ra là chúng có thể là gì?
Vài tuần trước, có vẻ như Washington sẵn sàng trừng phạt việc Trung Quốc không chịu đàm phán bằng nhiều mức thuế quan hơn, nhưng giờ thì rõ ràng là Tổng thống Trump sẵn sàng đạt được một thỏa thuận và đang cố gắng đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán. Ông Trump hiện đang ngụ ý rằng thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc có thể giảm đáng kể. Và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã gọi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là "không bền vững".
Tận dụng nông nghiệp và năng lượng
Trung Quốc đã giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản của Mỹ kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Đây là tin xấu đối với Washington vì nông nghiệp là một trong số ít các ngành ở Mỹ thực sự có thặng dư thương mại lớn với Trung Quốc. Mức thuế trả đũa 125% sẽ gây tổn hại đến lợi nhuận của ngành.
Nhưng mức thuế trả đũa của Trung Quốc không phải là vấn đề duy nhất mà nông dân Mỹ phải đối mặt. Khi chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc đã sử dụng các rào cản hành chính để hạn chế các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào nước này và xem như một công cụ đàm phán tiềm năng. Ví dụ, Trung Quốc đã trì hoãn việc gia hạn giấy phép cho những người chăn nuôi lợn ở Mỹ xuất khẩu hàng hóa vào nước này với lý do "an toàn cho sức khỏe"...
Đánh vào kinh tế của các “tiểu bang đỏ”
Các hành động của Bắc Kinh có thể được thiết kế để đặc biệt tác động đến nền kinh tế ở các tiểu bang ủng hộ Trump. Một phần lớn cơ sở của Trump và đảng Cộng hòa nằm ở các "tiểu bang đỏ", chẳng hạn như Nebraska, Iowa và Kansas, tất cả đều có cộng đồng nông dân đáng kể. Tập trung vào các vấn đề nông nghiệp là một chiến thuật mà Bắc Kinh nhận ra sẽ gây ấn tượng với những người bỏ phiếu cho ông Trump.
Trong số 444 quận được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ định là phụ thuộc vào nông nghiệp, 77,7% đã bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Vì vậy, bất kỳ khó khăn nào mà ngành nông nghiệp phải đối mặt do chính hành động của ông đều có khả năng khiến ông mất đi sự ủng hộ từ một nhóm chính trị lớn. Và với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2026, Tổng thống Mỹ sẽ phải hành động thận trọng khi gây hấn với Bắc Kinh.
Một nhóm ủng hộ khác mà Bắc Kinh có thể tìm cách tác động là những nhóm liên quan đến lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Trong quá khứ, Mỹ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã không nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Mỹ kể từ đầu tháng 2/2025 và đã tìm kiếm khí đốt tự nhiên từ Australia, Indonesia và Brunei. Khi cuộc chiến thương mại tiếp diễn, Mỹ khó có thể bán khí đốt tự nhiên của mình cho Trung Quốc trong thời gian tới và điều này sẽ tác động đến ngành năng lượng - một trong những nhóm ủng hộ chính trị lớn của ông Trump.
Hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược sang Mỹ
Một vấn đề nghiêm trọng khác mà Mỹ đang phải đối mặt xuất phát từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản chiến lược, trong đó có 7 loại nguyên tố đất hiếm bao gồm: samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium. Dù các nguyên liệu này được sử dụng trong ngành năng lượng sạch và công nghiệp ô tô, nhưng mối lo ngại lớn nhất lại đến từ lĩnh vực quốc phòng của Mỹ.
Những khoáng sản chiến lược này là nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tên lửa và hệ thống radar. Trung Quốc hiện đang gần như độc quyền trong việc khai thác và chế biến đất hiếm, trong khi Mỹ không có đủ năng lực để tự chủ. Điều này đồng nghĩa với việc các hạn chế xuất khẩu từ Trung Quốc có thể tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, trong khi Bắc Kinh lại đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí và công nghệ quân sự.
Nhà Trắng có lẽ đã lường trước khả năng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược. Bởi trước đây, Bắc Kinh từng cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 vì tranh chấp liên quan đến tàu đánh cá, và cũng từng ngừng xuất khẩu các kim loại lưỡng dụng – có thể dùng trong cả công nghệ dân sự và quân sự – như gallium, germanium và tungsten.
Tiếp theo sẽ là gì?
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã phải chật vật đối phó với một nền kinh tế trì trệ hơn, mà nguyên nhân chủ yếu là do khủng hoảng bất động sản. Ông Trump có lẽ từng kỳ vọng Trung Quốc sẽ phải khuất phục trước áp lực và quay lại bàn đàm phán. Dù sao thì, Bắc Kinh cũng cần nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, bởi từ lâu, chính quyền Trung Quốc luôn xem tăng trưởng kinh tế là minh chứng cho tính đúng đắn và hiệu quả của các chính sách điều hành.
Hiện tại, cuộc đấu "ăn miếng trả miếng" vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến ngày 11/4, thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã lên đến 145%, trong khi Trung Quốc cũng đáp trả bằng mức thuế cao chưa từng có – lên tới 125% với hàng hóa Mỹ.
Dù Trung Quốc rõ ràng đang phản công, nhưng nước này vẫn có thể tiến xa hơn nữa – ví dụ như bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, từ đó đẩy lãi suất và chi phí đi vay của Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, không giống như Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình thường có chiến lược dài hơi. Rốt cuộc thì, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump cũng sẽ kết thúc trong chưa đầy 4 năm nữa, trong khi Chủ tịch Trung Quốc thì không bị giới hạn nhiệm kỳ. Điều duy nhất ông Tập Cận Bình cần làm là kiên nhẫn – bởi biết đâu, một vị tổng thống Mỹ "dễ chịu hơn" sẽ xuất hiện sau đó.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ngoai-thue-quan-trung-quoc-con-nhung-vu-khi-nao-de-dap-tra-my-20250505180302546.htm