"Tổng thống Joe Biden cam kết đảm bảo số tiền chúng ta có sẽ được sử dụng hết từ nay cho đến ngày 20/1/2025, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Các nước NATO đang nỗ lực "đảm bảo Ukraine có tiền, đạn dược và lực lượng huy động để chiến đấu hiệu quả trong năm 2025 hoặc đàm phán hòa bình từ vị thế mạnh hơn".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Reuters)
Ngoài việc cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Joe Biden còn nỗ lực mở rộng NATO và tập hợp nhiều quốc gia trên khắp thế giới để cô lập Nga sau cuộc xung đột quân sự bắt đầu vào tháng 2/2022.
Ông Blinken thông tin thêm Mỹ sẽ "thích nghi và điều chỉnh" bằng những thiết bị mới nhất mà nước này gửi đi, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đưa Ukraine vào vị thế vững mạnh nhất có thể, bằng cách tăng cường viện trợ từ bây giờ cho đến khi chính quyền Biden hết nhiệm kỳ. Chúng tôi còn phối hợp với nhiều đối tác trên toàn thế giới để đảm bảo họ sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống bất ổn",Reuters dẫn nguồn quan chức Mỹ cho biết.
Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn New America và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Anne-Marie Slaughter nói: "Công việc quan trọng nhất mà chính quyền Biden có thể làm lúc này là chuyển giao càng nhiều nhiệm vụ cho người châu Âu càng tốt".
Hôm 13/10, Nga tấn công thủ đô Kiev của Ukraine bằng sự kết hợp tinh vi giữa tên lửa và máy bay không người lái.
Trong khi đó, Ukraine cũng đang nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của Nga vào khu vực Donetsk phía đông.
Chính sách của Mỹ đối với Ukraine dưới thời ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xung đột Nga - Ukraine. Viện trợ quân sự của Mỹ được đánh giá rất quan trọng đối với Ukraine, nhưng có những chỉ dấu cho thấy ông Donald Trump không muốn tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Kông Anh (Nguồn: ABC News)