"Greenland không có tham vọng thành một bang của Mỹ"
“Chúng tôi ghi nhận người dân Greenland có tham vọng riêng. Nếu họ có thể hiện thực hóa tham vọng đó, Greenland có thể độc lập. Song, họ không có tham vọng trở thành một bang của nước Mỹ”, hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen không tin vào khả năng Greenland trở thành một phần của Mỹ (Ảnh: Reuters).
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho rằng tình hình hiện nay không phải khủng hoảng về chính sách ngoại giao nhưng Đan Mạch để ngỏ khả năng đối thoại về cách thức hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo có thể đạt được tham vọng của Mỹ.
Cùng ngày, lãnh đạo đảo Greenland có cuộc gặp Quốc vương Đan Mạch Frederik tại thủ đô Copenhagen.
Về phía châu Âu, trước tuyên bố của ông Trump, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố châu Âu sẽ không cho phép các quốc gia khác tấn công vào chủ quyền biên giới.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ bất ngờ trước bình luận của ông Trump về tham vọng sáp nhập đảo Greenland và Canada vào lãnh thổ Mỹ.
Ông Scholz nhấn mạnh các quốc gia châu Âu sẽ nhất loạt bảo vệ biên giới bất khả xâm phạm trong khu vực.
Sự kiện diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhấn mạnh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực và các biện pháp kinh tế để kiểm soát Greenland, hòn đảo giàu tài nguyên khoáng sản và có vị trí địa lý chiến lược của Đan Mạch.
Đối với Mỹ, Greenland có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược quân sự, đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo bởi hòn đảo này là con đường ngắn nhất nối liền châu Âu và Bắc Mỹ thông qua Bắc Cực.
Sau tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phản bác, cho rằng Mỹ khó có thể can thiệp quân sự để giành lấy đảo Greenland dù tiềm lực quân sự của Đan Mạch bị giới hạn chỉ với 4 tàu tuần tra, một máy bay trinh sát Challenger và một đội tuần tra sử dụng chó kéo xe.
Liên quan đến lời đe dọa của ông Trump về việc áp thuế với hàng hóa Đan Mạch khiến các công ty của nước này chịu thiệt hại nghiêm trọng, bà Frederiksen cho rằng nếu xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ thì đó không phải là điều tốt đẹp cho cả hai quốc gia.
Quan hệ rạn nứt, Greenland có thể rời khỏi Đan Mạch?
Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, thuộc quyền kiểm soát của Đan Mạch từ hơn 600 năm qua dù 57.000 người dân trên hòn đảo này có quyền tự quyết về các vấn đề đối nội.
Song, chính quyền Greenland do lãnh đạo đảo Mute Egede đứng đầu có tham vọng giành quyền độc lập. Điều này xuất phát từ thực tế, thời gian gần đây, quan hệ giữa Đan Mạch và Greenland đã rạn nứt khi người dân Greenland cáo buộc Đan Mạch phân biệt đối xử.
Thủ tướng Greenland Mute Egede đang nỗ lực thúc đẩy khả năng hòn đảo này tách khỏi Đan Mạch (Ảnh: Reuters).
Sau tuyên bố của ông Trump, lãnh đạo đảo nhấn mạnh hòn đảo này “không phải để bán” nhưng trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, ông cho biết đang nỗ lực thúc đẩy quyền được độc lập. Chính quyền Đan Mạch khẳng định số phận của Greenland chỉ có thể được định đoạt bởi người dân trên đảo.
Cùng chung quan điểm với ông Egede, Bộ trưởng Tài chính Greenland Erik Jensen nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó sẽ được độc lập. Nhưng tham vọng của chúng tôi không phải là chuyển từ việc bị quản lý bởi một quốc gia này sang một quốc gia khác”.
Mặc dù nhiều người dân Greenland muốn được độc lập khỏi Đan Mạch nhưng Quốc vương Frederik vẫn rất được lòng người dân.
Ông thường dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trên đảo. Tháng trước, Hoàng gia Đan Mạch đã sửa đổi quốc huy với hình gấu Bắc Cực đại diện cho đảo Greenland được thiết kế to hơn.
“Quốc vương Frederik rất nổi tiếng ở Greenland. Chính vì thế, ông sẽ đóng vai trò hữu ích trong mối quan hệ giữa Đan Mạch và Greenland”, ông Damien Degeorges chuyên gia về Greenland đánh giá.
Khánh An