Ngoại trưởng Mỹ thăm Hàn Quốc giữa lúc khủng hoảng chính trị

Ngoại trưởng Mỹ thăm Hàn Quốc giữa lúc khủng hoảng chính trị
2 ngày trướcBài gốc
Chuyến công du cuối cùng
Dự kiến, ông Blinken sẽ hội đàm với người đồng cấp Cho Tae-yul vào ngày 6.1, trong bối cảnh Văn phòng Chống tham nhũng đối với các quan chức cấp cao (CIO) đang tìm cách bắt giữ Tổng thống bị đình chỉ Yoon Suk Yeol trước khi lệnh bắt giữ hết hạn vào ngày 6.1.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Photo: AP
Seoul là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du có thể là cuối cùng của ông Blinken với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ khi ông tìm cách nhấn mạnh thành tích của Tổng thống Joe Biden trong việc tập hợp các đồng minh dân chủ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20.1.
Sau đó, ông Blinken sẽ tới Nhật Bản, một đồng minh của Hoa Kỳ và cũng là nơi đồn trú của hàng nghìn quân nhân Mỹ.
Yoon Suk Yeol từng là vị Tổng thống được chính quyền Biden yêu mến nhờ những động thái táo bạo nhằm chấm dứt căng thẳng với Nhật Bản và mong muốn Hàn Quốc có vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.
Ông Yoon đã cùng các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh ba bên mang tính bước ngoặt. Ông cũng đã được chọn để lãnh đạo một hội nghị thượng đỉnh dân chủ toàn cầu, một sáng kiến đặc trưng của chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm.
Tiến hành chuyến thăm lần này trong bối cảnh Hàn Quốc đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và Tổng thống trước nguy cơ bị phế truất, Ngoại trưởng Blinken có thể phải đối mặt với một số chỉ trích từ phe cánh tả Hàn Quốc. Tuy nhiên, động thái này được kỳ vọng có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị, Sydney Seiler, cựu sĩ quan tình báo Hoa Kỳ chuyên về Hàn Quốc hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định. Ông cho rằng, Blinken có uy tín đủ cao để không vướng vào rắc rối và có thể tập trung vào những thách thức như Trung Quốc và Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập trực tiếp đến cuộc khủng hoảng chính trị nhưng cho biết ông Blinken sẽ tìm cách duy trì hợp tác ba bên với Nhật Bản, bao gồm cả việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên.
Sự thay đổi ở cả Mỹ và Hàn Quốc
Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra vào thời điểm có sự thay đổi ở cả hai nước, với việc ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào ngày 20.1.
Nghịch lý thay, trong khi Biden làm việc chặt chẽ với Yoon theo đường lối bảo thủ, Trump trong nhiệm kỳ đầu lại có mối quan hệ nồng ấm với tổng thống theo đường lối tiến bộ khi đó là Moon Jae-in, người khuyến khích chính sách ngoại giao cá nhân mang tính đột phá của tổng thống Hoa Kỳ với Triều Tiên với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vào năm 2019.
Kể từ cuộc khủng hoảng, chính quyền Biden đã nhấn mạnh rằng họ đang tiếp cận các chính trị gia Hàn Quốc, trong bối cảnh vẫn chưa có gì chắc chắn về việc ai sẽ lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung, người cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi cuộc bầu cử trong một vụ kiện, cũng ủng hộ biện pháp ngoại giao với Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Lee cũng có lập trường khác với cả Biden và Trump. Ông Lee đã chỉ trích việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ sản xuất ở quốc gia này, hệ thống mà Washington khẳng định là nhằm giúp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên, nhưng lại khiến Trung Quốc lo ngại.
Phe cánh tả Hàn Quốc từ lâu đã ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Nhật Bản. Vì vậy tam giác quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn cũng là mối quan tâm của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du lần này.
Quỳnh Vũ
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ngoai-truong-my-tham-han-quoc-giua-luc-khung-hoang-chinh-tri-post401144.html