Ngoại trưởng Sergey Lavrov công du châu Á: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên tái định hình bàn cờ địa chính trị

Ngoại trưởng Sergey Lavrov công du châu Á: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên tái định hình bàn cờ địa chính trị
9 giờ trướcBài gốc
Nga - Triều Tiên: Quan hệ đặc biệt ngày càng sâu sắc
Từ ngày 13 đến 15/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có chuyến công du Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), dự kiến diễn ra từ ngày 30/8 đến 1/9 tại Thiên Tân. Trong thời gian lưu trú tại Bắc Kinh, ông Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Hai ngày sau, ông tham dự cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao SCO - một bước quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh cấp nguyên thủ.
Trước đó, vào ngày 12/7, ông Lavrov có chuyến thăm chính thức tới Triều Tiên và hội kiến với Chủ tịch Kim Jong-un. Tại đây, ông tái khẳng định cam kết của Moscow đối với các thỏa thuận chiến lược đã ký kết trước đó, đặc biệt là hiệp định đối tác chiến lược toàn diện năm 2024. Ông Kim mô tả chuyến thăm là “thời điểm quan trọng để nâng tầm liên minh đặc biệt và vững mạnh giữa hai quốc gia”.
Ngoại trưởng Nga cũng có cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên, bà Choi Son-hee, và nhấn mạnh tới mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, thậm chí viện dẫn sự tham gia của quân đội Triều Tiên trong trận Kursk trong Thế chiến II - một tuyên bố mang tính biểu tượng nhằm củng cố mối quan hệ “tình anh em không thể phá vỡ”. Ông Lavrov cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường hạt nhân của Bình Nhưỡng, tuyên bố rằng Moscow “hiểu lý do” khiến Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh cam kết tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ các lợi ích chung.
Ilya Dyachkov, Phó Giáo sư tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) cho rằng, quan hệ Nga - Triều Tiên đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và có chiều sâu thực chất, không chỉ dừng lại ở tuyên bố chính trị. Việc ký kết các thỏa thuận đối tác chiến lược cho thấy sự đồng thuận ở cấp cao, đồng thời mở đường cho các chương trình hợp tác cụ thể trong tương lai, có thể bao gồm các dự án kỷ niệm lịch sử trong năm 2025 - dịp 80 năm kết thúc Thế chiến II và giải phóng Triều Tiên khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản.
Một chi tiết đáng chú ý là việc Ngoại trưởng Lavrov và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng mới ở Wonsan - không chỉ mang tính biểu trưng mà còn thể hiện nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút đầu tư chiến lược từ các đối tác thân thiện như Nga.
SCO và vai trò điều phối của Trung Quốc
Cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao SCO tại Thiên Tân được coi là bước đệm chiến lược cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Theo ông Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Toàn diện HSE, với vai trò chủ tịch luân phiên, Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ chương trình hợp tác kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và an ninh. Tuy nhiên, các kết quả cụ thể thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu là các sáng kiến địa phương, chưa tạo ra đột phá lớn.
Sự chia rẽ trong nội bộ SCO cũng là một thách thức đáng kể. Cuộc đối đầu gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục cản trở khả năng đạt được đồng thuận trong các tuyên bố chung, điều đã từng xảy ra vào năm 2020 do xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Dù vậy, theo ông Kashin, SCO đã có kinh nghiệm ứng phó với các mâu thuẫn như vậy và có khả năng duy trì hoạt động ổn định.
Trong khi đó, ông Alexander Lomanov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu kinh tế và quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhận định rằng Bắc Kinh đang tận dụng chức chủ tịch SCO như một cơ hội để khẳng định vai trò điều phối viên khu vực, đặc biệt thông qua việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quy củ, có ảnh hưởng và mang tính biểu tượng. Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến khái niệm “đối thoại giữa các nền văn minh” trong SCO, với trọng tâm không phải là sự đối đầu Đông - Tây, mà là sự kết nối giữa các quốc gia thuộc Nam Bán cầu.
Theo ông Lomanov, điều này phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tái định hình trật tự khu vực và xây dựng các mạng lưới hợp tác phi phương Tây - một phần trong chiến lược dài hạn nhằm giảm ảnh hưởng của NATO và các liên minh do Mỹ dẫn dắt.
Giới phân tích nhận định, chuyến công du của Ngoại trưởng Lavrov tới Triều Tiên và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một chuỗi hoạt động ngoại giao, mà còn phản ánh rõ nét chiến lược “ngoại giao đối trọng” của Nga trong bối cảnh phương Tây gia tăng cô lập Moscow sau chiến sự ở Ukraine. Quan hệ với Triều Tiên và vai trò trong SCO là những “con bài” chiến lược giúp Nga khẳng định vị thế tại châu Á, củng cố ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết và thiết lập một trật tự địa chính trị mới dựa trên nguyên tắc đa cực.
Đối với Trung Quốc, SCO đang trở thành một “công cụ mềm” để mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á và Nam Á, đồng thời chứng minh khả năng dẫn dắt các thể chế khu vực ngoài khuôn khổ phương Tây. Tuy nhiên, mâu thuẫn nội bộ - đặc biệt giữa các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan - có thể cản trở quá trình định chế hóa và làm giảm hiệu quả thực tiễn của tổ chức.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/ngoai-truong-sergey-lavrov-cong-du-chau-a-nga-trung-quoc-trieu-tien-tai-dinh-hinh-ban-co-dia-chinh-tri-254815.htm