Ngoài xe xăng dầu, ô nhiễm không khí Hà Nội còn đến từ những nguồn nào?

Ngoài xe xăng dầu, ô nhiễm không khí Hà Nội còn đến từ những nguồn nào?
6 giờ trướcBài gốc
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang là vấn đề nhức nhối. Ảnh minh họa
Các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội” diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đã chỉ ra nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô.
Theo đó, về ô nhiễm không khí: số ngày trong năm có nồng độ PM2.5 trong không khí xung quanh cao hơn quy chuẩn cho phép (QCVN 05) ở các quận nội thành và một số huyện ngoại thành ngày càng nhiều, đặc biệt là vào các tháng mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3-4 năm sau).
Một số nguồn thải chính đã được chỉ ra trong khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, các nguồn thải này chưa được kiểm soát tốt mặc dù đã có nhiều giải pháp biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh ô nhiễm không khí là vấn đề “nóng” của Hà Nội với chỉ số nồng độ trung bình PM2.5 cao, vượt quá quy chuẩn cho phép (QCVN 05:2023) gấp 1,5-2 lần trong nhiều ngày. Số ngày AQI năm 2023 với mức độ Tốt chỉ chiếm 15% , Trung bình 50%, Kém và Xấu là 34%. Đáng chú ý có sự phân bố không đều về mức độ ô nhiễm giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành Hà Nội.
Cũng theo chuyên gia này, chất lượng không khí của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ bị ảnh hưởng bởi yếu tố khí hậu thời tiết: gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm). Đặc biệt ô nhiễm trong những tháng mùa đông từ tháng 10 năm trước đến tháng 3-4 năm sau.
Bên cạnh đó, chất lượng không khí Hà Nội bị ảnh hưởng nhiều từ các tỉnh lân cận: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình…
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội do các nguồn thải từ giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, đốt phụ phẩm nông nghiệp và từ các tỉnh lân cận.
Các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội bao gồm: hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động dân sinh, đốt nhiên liệu hóa thạch và các yếu tố thời tiết, khí hậu.
Với hàng triệu phương tiện lưu thông mỗi ngày, chất lượng không khí của Hà Nội là đáng báo động. Ảnh minh họa
Cụ thể hơn:
Giao thông vận tải:
Lượng lớn xe máy và ô tô cá nhân, đặc biệt là xe cũ chạy xăng dầu, thải ra khí thải độc hại, đóng góp đáng kể vào ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho thấy, 56,1% ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ khoảng 7 triệu xe máy chưa được kiểm soát khí thải, 800.000 ô tô chạy bằng xăng dầu, cùng với bụi đường do ma sát từ lốp xe.
Sản xuất công nghiệp:
Các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, sắt thép, thường xuyên xả khí thải chứa nhiều chất ô nhiễm như CO2, CO, SO2, NOx, và bụi mịn. Nguồn phát thải từ công nghiệp cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (22,2%), tập trung ở các khu công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất sử dụng than nhưng chưa có thiết bị xử lý khí thải đạt chuẩn.
Xây dựng:
Hoạt động xây dựng, phá dỡ công trình, vận chuyển vật liệu xây dựng tạo ra nhiều bụi, góp phần làm ô nhiễm không khí.
Hoạt động dân sinh:
Việc sử dụng nhiên liệu không sạch như than, củi trong sinh hoạt, đốt rác thải, hút thuốc lá, đốt vàng mã, và hoạt động của các làng nghề truyền thống cũng là nguồn gây ô nhiễm.
Đốt nhiên liệu hóa thạch:
Các hoạt động đốt than, củi, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, đốt rác thải, và sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và sản xuất đều thải ra các chất ô nhiễm.
Thời tiết và khí hậu:
Các yếu tố như gió yếu, ít mưa, nghịch nhiệt, và sương mù trong mùa đông ở miền Bắc làm hạn chế khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, khiến chúng tích tụ và gây ô nhiễm không khí.
Hà Nội đã làm gì để cải thiện chất lượng không khí?
Từ thực trạng trên, việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để xử lý các vấn đề môi trường cấp bách là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, được Trung ương và lãnh đạo Thành phố quan tâm hàng đầu. Điều này được thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương, Thành phố và đã được tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Theo đó, Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường như xử lý ô nhiễm không khí, xử lý nước thải, làm sạch các dòng sông; hiện đại hóa công tác thu gom rác thải…
Về xử lý ô nhiễm không khí, Hà Nội đang thực hiện các giải pháp giảm phương tiện xe cá nhân, tăng cường đầu tư, đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi giao thông xanh, xóa bỏ tình trạng đốt than tổ ong, tăng cường rửa đường, giám sát vệ sinh môi trường các công trình xây dựng…
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội đang gia tăng và luôn ở mức báo động, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội cho rằng, cần một quyết tâm chính trị rất lớn và sự phối hợp đa ngành, đa vùng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 đã nêu cụ thể một số nhiệm vụ cần triển khai về xác định vùng phát thải thấp. Tại Quy hoạch Thủ đô, vấn đề môi trường được đặt lên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong số các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần giải quyết của Thủ đô trong giai đoạn 2025 - 2030. Thực hiện chủ trương đó, thành phố Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường như: Xử lý ô nhiễm không khí; xử lý nước thải, làm sạch các dòng sông; hiện đại hóa công tác thu gom rác thải, thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 5 quận nội thành…
Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. “Khoa học công nghệ đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết vấn đề. Hiện nay có rất nhiều công nghệ tiên tiến như ứng dụng AI, quan trắc, các mô hình xử lý nước thải, chất thải tiên tiến thì cần phải được áp dụng cho Hà Nội. Có rất nhiều nghiên cứu nhưng để áp dụng được nó thì đòi hỏi phải có sự chia sẻ, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học với các nhà quản lý của Hà Nội và cả các địa phương lân cận" - GS Châu Văn Minh cho biết.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng nhấn mạnh: “Môi trường không thể là cái giá cho tăng trưởng, và càng không thể là lực cản của phát triển bền vững”. Lời cảnh báo đó không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn là lời hiệu triệu hành động cho toàn xã hội, trong đó có Hà Nội.
Các chuyên gia cũng kiến nghị những giải pháp như: Trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm, bệnh viện ra ngoài khu vực nội đô; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm. Ngoài ra, để triển khai nhiều biện pháp đạt hiệu quả nhất, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong việc ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí, đồng thời, huy động sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của những tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, hạn chế tối đa ô nhiễm.
Với quy mô dân số hơn 8 triệu người, mật độ 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với trung bình cả nước, số phương tiện giao thông đặc biệt lớn (1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy), tháng 7/2021 thành phố đã ban hành kế hoạch đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Thành phố cũng đã thông qua đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.
Hà Nội cũng đang thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, hạn chế hoặc cấm ôtô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.
Mới đây, ngày 12/7/2025, trong Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1, sau đó triển khai dần tới Vành đai 3.
Minh Thành
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/ngoai-xe-xang-dau-o-nhiem-khong-khi-ha-noi-con-den-tu-nhung-nguon-nao-100326.html