Nằm cách TP Hà Nội hơn 100km, chùa Keo (ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là 1 trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất miền Bắc.
Ngôi chùa thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh tới chiêm bái, vãn cảnh hàng năm, đặc biệt vào thời điểm sau tết Nguyên đán, khi lễ hội chùa Keo được tổ chức.
Chùa Keo là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Thái Bình Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Năm nay, lễ hội chùa Keo mùa xuân diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 1/2 đến 5/2 (mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.
Ngoài lễ khai bút được quan tâm nhất, du khách tới chùa Keo dịp này còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động đầy sôi nổi như trống hội, múa rối hầu thánh, du thuyền hát hội, thi kéo lửa thổi cơm…
Du khách xếp hàng xin chữ đầu năm tại lễ khai bút đầu xuân. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Nhiều lần tới chùa Keo du xuân, anh Nguyễn Trọng Cung (nhiếp ảnh gia địa phương) cho biết, đây là một trong những công trình kiến trúc tâm linh tiêu biểu và lâu đời của tỉnh Thái Bình nói riêng và miền Bắc nói chung.
Cảnh quan ở chùa rất đẹp. Không chỉ dịp Tết mà ngày thường, nơi đây cũng hút khách ghé thăm bởi không gian yên tĩnh, thanh bình, mang lại cảm giác thư thái.
Khung cảnh yên bình ở chùa Keo những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Theo tài liệu lưu trữ, chùa Keo được khởi công xây dựng từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632 với diện tích toàn khu khoảng 58.000m2, gồm nhiều cụm kiến trúc khác nhau.
Trải qua hàng trăm năm xây dựng, chùa Keo đến nay vẫn còn bảo tồn gần như nguyên vẹn phong cách kiến trúc Việt tiêu biểu của thời Lê với những mái đình uốn cong mềm mại, các cột gỗ lim, bộ cánh cửa được chạm rồng tinh xảo.
Năm 2012, quần thể chùa Keo được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Tuyên Parafu
Toàn bộ kiến trúc chùa hiện tại bao gồm 17 công trình với 128 gian xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trong đó, nổi bật là tòa gác chuông cao 11m, có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau.
Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ, liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói với 12 đao loan.
Khu gác chuông là điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu ở chùa Keo. Ảnh: Tuyên Parafu
Không chỉ gây ấn tượng bởi nét kiến trúc độc đáo, chùa Keo còn là nơi lưu giữ 197 di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của chùa từ thế kỷ 17 đến nay. Trong đó, không thể không kể đến 2 bảo vật quốc gia độc bản: Hai cánh cửa chạm rồng và Hương án.
Đầu năm, nếu có dịp tới chùa Keo, du khách có thể kết hợp ghé thăm một số địa điểm tâm linh khác ở Thái Bình như: Chùa Am Vô (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng); đền Trần (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà); đền Tiên La (thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà); đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ)…
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên thưởng thức các món ăn, đặc sản trứ danh của địa phương như canh cá Quỳnh Côi, bún bung, gỏi nhệch, nộm sứa Thái Thụy, bánh gai Đại Đồng…
Thảo Trinh