Chùa Bổ Đà có tên gọi chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự, gọi tắt là chùa Bổ Đà hay Tứ Ân Tự. Chùa tọa lạc ở vị trí phong thủy đắc địa, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng.
Chùa Bổ Đà là 1 trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Ảnh: Trần Việt Đức
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ XI), được tu bổ, tôn tạo lớn vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) và các giai đoạn sau này.
Qua nhiều thế kỷ, chùa Bổ Đà đã được trùng tu nhiều lần, song cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau, trải dài từ thế kỷ XVIII đến nay.
Hiện quần thể di tích chùa Bổ Đà bao gồm nhiều công trình lớn nhỏ, trong đó có 4 hạng mục nổi bật nhất là chùa Cao, am Tam Đức, chùa Tứ Ân và vườn tháp.
Xung quanh chùa được bao bọc bởi những rặng tre xanh tốt và hệ thống tường đất như một chiến lũy bảo vệ vững chắc, tạo nên vẻ thanh tịnh, linh thiêng cho điểm đến này.
So với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc, chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt hơn, được thiết kế theo lối ‘‘nội thông, ngoại bế”.
Chùa được xây dựng bằng các vật liệu tự nhiên như gạch nung, ngói, tiểu sành… Trong đó, tường bao được làm bằng đất, các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường.
Mỗi hạng mục kiến trúc trong quần thể di tích đều được chạm khắc tinh xảo, thể hiện nhiều đề tài phong phú như hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý…
Nhiều du khách từng hành hương tới chùa Bổ Đà nhận xét, vườn tháp là 1 trong những hạng mục gây ấn tượng nhất. Nơi đây hiện có 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau, đều được xây bằng đá, gạch chỉ và bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía cùng bột giấy bản.
Đây cũng là nơi yên nghỉ của các nhà sư dòng thiền Lâm Tế từng tu hành tại chùa qua các thời kỳ lịch sử.
Với diện tích gần 8.000m2, 110 ngôi tháp và mộ, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất trong số những ngôi cổ tự ở Việt Nam
Trong khuôn viên chùa hiện còn lưu giữ nhiều bia đá, chuông đồng, hoành phi và 39 pho tượng gỗ thời Lê Trung Hưng, mang đậm giá trị lịch sử lẫn mỹ thuật xưa.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, chùa Bổ Đà cũng được ví như bảo tàng di sản Hán Nôm trên nhiều loại hình. Đặc biệt, không thể không nhắc đến bộ ván kinh Phật - một trong những bộ kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam với hơn 2.000 mộc bản.
Chùa Bổ Đà được công nhận là ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam
Với giá trị tiêu biểu, độc đáo trên nhiều bình diện, năm 1992, chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích quốc gia. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng chùa Bổ Đà là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Ngoài ra, cây vối và cây đa trong khu vườn chùa Bổ Đà cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Tháng 3/2017, Lễ hội Bổ Đà được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 12/2017, Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia.
Hàng năm, lễ hội chùa Bổ Đà được tổ chức từ ngày 15-18/2 âm lịch, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, góp phần lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Bổ Đà và của tỉnh Bắc Giang tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Thảo Trinh