Nằm bình yên trên triền núi Lớn, ngôi chùa Tam Bảo không chỉ là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân và du khách, mà còn đặc biệt bởi đây nơi cư trú của hàng trăm con khỉ đuôi dài. Giữa không gian tĩnh lặng và xanh mát, đàn khỉ sống chan hòa, nương nhờ vào nhà chùa và sự thân thiện từ khách thập phương.
Chùa Tam Bảo được Hòa thượng Thích Giới Nghiêm khai sơn từ đầu những năm 1970 với kiến trúc ban đầu mộc mạc, đơn sơ. Sau khi Hòa thượng viên tịch vào năm 1984, các thế hệ tăng ni và chư vị trụ trì kế tiếp tiếp tục gìn giữ, trùng tu và xây dựng ngôi chùa ngày càng khang trang. Nơi đây trở thành điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân và du khách khi đến vùng đất Vũng Tàu.
Từ lâu, trên triền núi Lớn đã xuất hiện một đàn khỉ hoang. Không biết từ khi nào, chùa Tam Bảo trở thành chốn dừng chân bình yên, là “ngôi nhà” mới của đàn khỉ.
Mỗi ngày, đông đảo người dân và du khách tìm đến chùa Tam Bảo không chỉ để vãn cảnh, lễ Phật mà còn mang theo trái cây cho khỉ ăn. Thức ăn chủ yếu là chuối, chôm chôm, nhưng đôi khi đàn khỉ còn được “thiết đãi” cả bánh ngọt, nước ngọt từ tay du khách.
Trong khuôn viên chùa Tam Bảo - nơi được xem là chốn bình yên nhất trên núi Lớn, đàn khỉ vô tư rượt đuổi, đùa giỡn, tạo nên khung cảnh sống động giữa thiên nhiên và cửa thiền.
Đây chính là “vùng an toàn” hiếm hoi mà chúng tìm thấy sau hành trình mưu sinh gian khó giữa núi rừng.
Theo người dân địa phương, vào thời điểm giãn cách xã hội do dịch COVID-19, khi không còn du khách ghé thăm, đàn khỉ không thường xuyên được ăn no nên kéo xuống trung tâm TP Vũng Tàu cũ, lang thang tìm kiếm thức ăn. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã mang trái cây lên núi để dẫn dụ chúng trở lại chùa Tam Bảo. Sau đó, việc bỏ thức ăn hằng ngày được duy trì để đàn khỉ không bị đói và tiếp tục sinh sống ổn định tại khu vực chùa.
Sở hữu vị trí đắc địa trên triền núi Lớn, chùa Tam Bảo hướng tầm nhìn ra biển cả mênh mông, nơi tàu thuyền qua lại tấp nập suốt ngày đêm. Khung cảnh ấy tạo nên một bức tranh vừa thanh tịnh vừa sống động, nơi giao hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên, đời sống mưu sinh và không gian linh thiêng nơi cửa Phật.