Ngôi chùa ở Bắc Ninh có nhục thân thiền sư hơn 300 năm không phân hủy

Ngôi chùa ở Bắc Ninh có nhục thân thiền sư hơn 300 năm không phân hủy
7 giờ trướcBài gốc
Chùa Tiêu hay Thiên Tâm tự, Tiêu Sơn tự, có lịch sử hàng nghìn năm, nổi tiếng gần xa với những giai thoại về Thiền sư Vạn Hạnh, lai lịch, công trạng của vua Lý Công Uẩn.
Đặc biệt, ngôi chùa cũng là nơi lưu giữ nhục thân (toàn thân xá lợi) của Thiền sư Như Trí - một trong những pho tượng thiền táng hiếm hoi của Việt Nam, đã tồn tại gần 300 năm qua mà không phân hủy.
Vẻ đẹp thanh bình của chùa Tiêu. Video: Đức Yên - Linh Trang
Ngôi chùa nghìn năm tuổi
Trong cuốn "Lịch triều hiến chương loại chí" do Phan Huy Chú biên soạn có ghi chép về chùa Tiêu và vua Lý Công Uẩn như sau: "Tiêu Sơn ở xã Tiêu Sơn, trên núi có chùa Trường Liêu là chỗ trụ trì của sư Vạn Hạnh… Lý Thái Tổ đầu thai ở đây”.
Chùa Tiêu được cho là nơi Vua Lý Công Uẩn đầu thai và được Quốc sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng, giáo dục trưởng thành, sau trở thành bậc minh vương, có công khởi lập vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt.
Theo sử sách, ngôi chùa này có từ thời Tiền Lê.
Thời Lý, đây là một trong những trung tâm Phật giáo lớn. Khi ấy chùa bao gồm chùa Thiên Tâm trên núi Tiêu, nơi hành đạo của nhà sư và chùa Trường Liêu ở dưới núi, nơi ở của các nhà sư.
Chùa Tiêu từng là trung tâm Phật giáo
Thời Lê Trung Hưng, chùa Tiêu được trùng tu mở rộng với quy mô lớn, có viện Cảm Tuyền, lầu Tiên Lĩnh, tòa Thượng điện. Đến thời Nguyễn, dưới triều Vua Bảo Đại, chùa tiếp tục được trùng tu.
Ngôi chùa bị hủy hoại nghiêm trọng trong chiến tranh, đặc biệt là vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. "Năm 1967, khi tôi về đây, chùa hoang tàn, đổ nát. Nơi thờ tự cũng không còn", Ni trưởng Thích Đàm Chính (97 tuổi, trụ trì chùa Tiêu) nhớ lại.
Sau này, chùa được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Ni trưởng Thích Đàm Chính đã góp công lớn trong việc tu bổ chùa, tạo nên cảnh quan chùa Tiêu như hiện tại.
Tòa tam bảo làm theo lối kẻ truyền trụ giá chiêng, được dựng bằng bộ khung gỗ lim, chạm khắc đơn giản. Trước tam bảo là 2 cây ngọc lan cổ thụ, thường nở hoa thơm ngát mỗi dịp đầu năm
Tam bảo và hệ thống tượng thờ tại chùa hiện nay chủ yếu được tạc theo lối mỹ thuật, điêu khắc thời Nguyễn
Ngôi chùa ngày nay có tam bảo, nhà Tổ, nhà khách, gác chuông, vườn tháp và các công trình phụ trợ. Quy mô chùa không bề thế mà tựa lưng vào núi Tiêu, hòa mình giản dị với thiên nhiên, cảnh quan xung quanh.
Chùa giữ gìn được nét kiến trúc cổ kính, hòa quyện tinh tế giữa phong cách Phật giáo thời Lý với nét mộc mạc, tĩnh lặng đậm chất thiền của miền Kinh Bắc.
Vườn tháp cổ kính nằm dưới bóng những cây cổ thụ
Xung quanh chùa được đặt nhiều bảng nội quy, với nội dung: Không cúng rượu thịt, vàng mã; không tự tiện thắp hương; không vứt giấy, rác…
Điều đặc biệt, suốt nhiều năm nay, ngôi chùa không đặt hòm công đức. Ni trưởng Thích Đàm Chính còn yêu cầu các ni sư để ý và nhắc nhở du khách đừng vì chùa không có hòm công đức mà đặt tiền tùy ý lên tay Phật, ban thờ. Nhờ vậy, không gian lễ chùa tại đây trở nên thanh tịnh, trang nghiêm.
Ni trưởng Thích Đàm Chính, trụ trì chùa Tiêu
Chùa Tiêu đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1991.
Những "báu vật" của ngôi chùa ngàn năm
Tại nhà Tổ của chùa Tiêu ngày nay có pho tượng cổ Thiền sư Vạn Hạnh bằng đồng nguyên khối. Bức tượng khắc họa hình ảnh thiền sư ngồi kiết già trên tòa sen, nét mặt hiền từ nhưng đầy uy nghiêm.
Trụ trì Thích Đàm Chính cho biết, từ khi về chùa đã thấy có bức tượng đồng này. Tuy nhiên, phải tới năm 1970, khi GS Trần Quốc Vượng về thăm chùa và nói về những thông tin nghiên cứu liên quan tới lịch sử ngôi chùa, trụ trì mới biết đây là tượng Thiền sư Vạn Hạnh.
Từ đó, vị trụ trì đã đặt bức tượng lên bàn thờ trang nghiêm. Sau này, tượng được tu bổ, sơn như hiện trạng.
Pho tượng Thiền sư Vạn Hạnh bằng đồng nguyên khối
Theo thông tin tại chùa, Thiền sư Vạn Hạnh (938-1018) gắn bó mật thiết với chùa Tiêu, là một trong những bậc cao tăng lỗi lạc nhất của Phật giáo Việt Nam.
Dưới thời Tiền Lê, ông hết lòng cố vấn, giúp vua Lê Đại Hành trị vì đất nước và bảo vệ biên cương lãnh thổ. Thiền sư cũng là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành và phát triển triều đại nhà Lý.
Thiền sư là người đã khơi dậy lý tưởng "chuyển vận cơ trời” để khuyến khích Lý Công Uẩn lên ngôi, mở đầu cho giai đoạn độc lập - tự chủ - phát triển rực rỡ của Đại Việt.
Thiền sư cũng được cho là người đã chỉ dẫn việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, góp phần định hình trung tâm chính trị, văn hóa lâu dài của đất nước.
Mặc dù được triều đình phong làm quốc sư nhưng Thiền sư Vạn Hạnh coi thường công danh, phú quý. Ngài coi mái chùa chốn thiền môn là nơi cư trú, cơm rau đạm bạc bình dị qua ngày.
Thiền sư đã chọn chùa Tiêu làm chốn tu hành và hóa độ chúng sinh trong những năm cuối đời. Chính vì vậy, tượng ngài được đặt tại đây không chỉ để tưởng niệm một bậc chân tu, mà còn là sự nhắc nhở về nguồn cội và sự hình thành của triều Lý.
Hàng năm, ngày giỗ Thiền sư Vạn Hạnh (15 tháng Giêng âm lịch) là dịp lễ hội quan trọng thu hút đông đảo tăng ni, phật tử và du khách thập phương về hành hương.
Trên đỉnh núi Tiêu có pho tượng Thiền sư Vạn Hạnh cao 5m
Một "báu vật" khác của ngôi chùa là bia đá có tên "Lý gia linh thạch” ghi chép lai lịch và công trạng của Vua Lý Công Uẩn, những nhân vật và sự kiện tiêu biểu của triều đại nhà Lý.
Trụ trì Thích Đàm Chính kể lại, khoảng năm 1980, khi sửa chữa ngôi chùa, những người thợ phát hiện tấm bia bị che lấp. Trông thấy thấp thoáng chữ Hán ở các mặt, trụ trì cho rằng đây là tấm bia quý nên đưa xuống sân nhà Tổ.
Tấm bia được khắc năm 1793, dưới thời Tây Sơn. Các sử gia coi đây như một trong những cứ liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử nhà Lý.
Nơi đặt bia đá "Lý gia linh thạch”
Đặc biệt, chùa Tiêu còn bảo lưu được 15 tháp cổ - nơi yên nghỉ của các vị sư tổ. Hệ thống tháp cho thấy đây từng là một trung tâm Phật giáo lớn mà rất nhiều cao tăng đã đến tu hành, trong đó có tháp Viên Tuệ, nơi xưa kia thờ nhục thân Thiền sư Thích Như Trí.
Những ngọn tháp vẫn còn khá nguyên vẹn
Những truyền thuyết về nhục thân Thiền sư Như Trí được vị trụ trì 97 tuổi kể lại từng câu từng chữ.
Bí ẩn về nhục thân thiền sư Thích Như Trí
Suốt gần 3 thế kỷ, tháp Viên Tuệ của chùa Tiêu âm thầm cất giữ một "bí mật": Nhục thân của Thiền sư Như Trí. Cho đến một ngày năm 2004, cánh cửa tháp được mở ra trước sự chứng kiến của các nhà nghiên cứu, các vị cao tăng, trong sự nghẹn ngào của Ni trưởng Thích Đàm Chính.
Trụ trì Thích Đàm Chính kể lại, năm 17 tuổi, bà từng về chùa Tiêu cùng sư phụ. Khi đó, bà thấy các vị sư đang xem một thứ gì đó trong bảo tháp.
"Tôi cũng tò mò vào xem thử và nhìn thấy một người đã viên tịch ngồi bên trong tháp ở tư thế thiền, bên mắt trái có một vệt giống vết máu khô. Ngày đó, không ai biết người viên tịch trong đó là ai. Sau ít ngày, các sư cho bịt kín cửa bảo tháp".
Năm 1971, trong lúc dọn dẹp tháp Viên Tuệ, trụ trì Thích Đàm Chính tình cờ phát hiện một viên gạch có khắc dòng chữ: "Hòa thượng Như Trí, viên tịch năm 1723". Lúc này vị trụ trì mới biết bên trong tháp chính là nhục thân của Thiền sư Như Trí.
Hình ảnh nhục thân Thiền sư Như Trí khi đưa ra khỏi tháp
Theo tư liệu ghi lại tại chùa Tiêu, đầu năm 2003, khi Hòa thượng Thích Thanh Từ - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt và Tì kheo Thích Kiến Nguyệt - Tổng thư ký Thiền viện Trúc Lâm tới thăm chùa Tiêu, Ni trưởng Đàm Chính đã đề nghị hai vị giúp đỡ xây dựng dự án tu bổ và bảo quản nhục thân Thiền sư Như Trí.
Năm 2004, nhục thân thiền sư được đưa ra khỏi tháp. Người ta nhìn thấy bên trong hình hài người ngồi thiền, dáng ngay ngắn, tay kiết ấn Tam Muội, ánh sáng mờ nhạt hắt vào làm rõ từng đường nét khuôn mặt thanh thản, bình an như đang say giấc trong niết bàn.
"Khi rước nhục thân Thiền sư Như Trí ra, toàn thân ngài bị ướt. Chúng tôi phải thắp hai ngọn nến và đèn pha trong tháp từ 8-15h để chiếu cho ngài khô", trụ trì Thích Đàm Chính nhớ lại.
Trụ trì Thích Đàm Chính cho biết, ngày đó chùa Tiêu Sơn rất hiếm nước, khách tham quan lại đông nên việc bảo quản, tu bổ được chuyển về thực hiện tại chùa Duệ Khánh (thuộc xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Theo thông tin ghi lại tại chùa, dự án tu bổ và bảo quản nhục thân Thiền sư Như Trí được cố PGS.TS Nguyễn Lân Cường, họa sỹ sơn mài Đào Ngọc Hân và một số thợ chuyên môn thực hiện trong 4 tháng.
Dự án còn có sự tham gia của Viện 69 Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Khoa X-quang bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là đơn vị giám sát thi công.
Các nhà khoa học đã tiến hành diệt vi khuẩn, nấm mốc và côn trùng. Nhờ nghiên cứu di cốt, dự án của cố PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã rút ra kết luận rằng Thiền sư Như Trí là một người đàn ông, cao xấp xỉ 1m65. Ngài viên tịch trong độ tuổi 45-50.
Trong quá trình tu bổ, PGS.TS Nguyễn Lân Cường phát hiện trong bụng nhục thân có một khối vật chất bằng quả bưởi. Phân tích cho thấy đó là phần nội tạng còn lại của thiền sư.
Để bảo đảm độ bền vững cho nhục thân Thiền sư Như Trí, PGS.TS Nguyễn Lân Cường và đồng nghiệp đã thếp bạc trên toàn bộ pho tượng. Ngày 27/9/2004, Thiền viện Trúc Lâm đã tổ chức lễ cầu nguyện cho Thiền sư Như Trí tại chùa Duệ Khánh và làm lễ rước nhục thân về chùa Tiêu Sơn.
Nhục thân Thiền sư Như Trí hiện nay được thờ trong nhà Tổ của chùa Tiêu
"Sau khi rước nhục thân sư Như Trí vào lồng kính được 3-4 tháng thì kính mờ, lau không sạch. Tôi báo tình hình lên trên. Sau đó, đội ngũ tu sửa về sửa chữa ngay trong ngày.
Họ làm việc từ sáng đến tối, lắp hệ thống thổi khí ni-tơ, khắc phục được tình trạng kính mờ. Cho đến nay, trải qua 21 năm, nhục thân sư Như Trí vẫn nguyên vẹn ở vị trí nhà thờ Tổ của chùa Tiêu", vị trụ trì 97 tuổi cho biết.
Một pho tượng đúc bằng composite sao y nhục thân Thiền sư Như Trí được đặt trở lại trong tháp Viên Tuệ để người dân lễ bái
Trong tiếng chuông chùa vang vọng núi Tiêu, người đời vẫn lặng lẽ cúi đầu, bày tỏ lòng thành kính với các vị thiền sư với một tấm lòng hướng về Phật giáo.
Theo các tài liệu còn lưu lại ở chùa, Thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của Thiền sư Chân Nguyên – trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử, cùng nhau phục hưng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài có công khắc in bộ "Thiền Uyển Tập Anh”, bộ sử thiền giá trị của Phật giáo nước nhà.
Linh Trang
Tú Linh
Đức Anh
Nguyễn Đức
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ngoi-chua-o-bac-ninh-co-nhuc-than-thien-su-hon-300-nam-khong-phan-huy-2397331.html