Ngôi đền cổ ở Ninh Bình thờ vị quốc sư nổi tiếng, lưu giữ nhiều báu vật

Ngôi đền cổ ở Ninh Bình thờ vị quốc sư nổi tiếng, lưu giữ nhiều báu vật
7 giờ trướcBài gốc
Đền Thánh Nguyễn nằm ở làng Điềm, xưa kia có tên là Đàm Gia Loan, sau đổi thành Đàm Xá, thuộc phủ Tràng An (nay là xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).
Đền thờ thiền sư Nguyễn Minh Không (1065–1141), quốc sư triều Lý. Ông sinh ra tại vùng đất này. Nhân dân tôn kính gọi ông là Đức thánh Nguyễn Minh Không.
Nguyễn Minh Không, tên thật là Nguyễn Chí Thành, được vua Lý Thần Tông phong làm quốc sư. Ông cũng được tôn vinh là ông tổ của nghề đúc đồng ở Việt Nam.
Đền Thánh Nguyễn ở xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn. Ảnh: T.N
Đền Thánh Nguyễn được xây dựng trên nền ngôi chùa Viên Quang do thiền sư Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121.
Người dân tin rằng chùa được dựng trên nền nhà cũ của thiền sư. Nên khi ông mất, họ đã dời chùa sang phía tây và dành nền nhà cũ để lập đền thờ ông.
Đền Thánh Nguyễn nằm trên khu đất dài khoảng 100m, được xây dựng theo kiểu nội công - ngoại quốc (bên trong hình chữ công, bên ngoài hình chữ quốc).
Trong khuôn viên đền, công trình đầu tiên là Vọng Lâu. Tương truyền đây là nhà cũ của thiền sư. Bên đầu hồi phải có một cây đèn đá cao hơn 1m.
Tương truyền, Vọng Lâu là nhà cũ của Đức thánh Nguyễn Minh Không. Ảnh: T.N
Đền chính (chính điện) xây dựng kiểu chữ công, gồm 3 tòa tiền bái, ống muống và chính tẩm. Công trình có giá trị về mặt kiến trúc và điêu khắc.
Theo văn bia còn lại ở đền, công trình này được trùng tu vào thế kỷ XVII. Đến năm thứ 3 thời vua Bảo Đại (năm 1928), đền tiếp tục được tu sửa.
Năm gian tiền đường làm theo kiểu chồng rường, hồi có mái đại, trụ non xà đuôi chuột, các cặp xà dọc, xà ngang, bám vào cột chắc khỏe phân bổ ở các vị trí khác nhau.
Gian giữa trên cao ở phía ngoài có cuốn thư chạm khắc bốn chữ Hán “Thiên khái thánh sinh” (trời sinh ra thánh).
Gác chuông 2 tầng, 8 mái, làm bằng gỗ lim và lợp mái ngói đỏ. Ảnh: T.N
Trong cùng là chính tẩm gồm 5 gian, thờ Đức thánh Nguyễn Minh Không và cha mẹ ông.
Phía sau chính tẩm là gác chuông 2 tầng, 8 mái, làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Gác treo một quả chuông nặng hơn 1 tấn, cao 1,6m.
Hiện nay tại đền đang lưu giữ những hiện vật cổ như đèn đá có từ thế kỷ X-XI, cột kinh, các văn bia đá cổ thời Lê, Nguyễn, sóc đá, gạch trang trí hoa văn thời Hậu Lê, chân tảng bằng đá thời Lý-Trần,...
Dưới đây là một số hình ảnh tại đền cổ Thánh Nguyễn.
Bia đá cổ thời Lê, Nguyễn trong khuôn viên đền. Ảnh: T.N
Cây đèn đá có niên đại khoảng thế kỷ thứ X-XI và cây sách cổ (ảnh phải). Ảnh: T.N
Nhiều bức vẽ nghệ thuật độc đáo trên cửa gỗ của ngôi đền. Ảnh: T.N
Đôi sóc đá cổ trước đền chính có từ thời Hậu Lê. Ảnh: T.N
Đường nét kiến trúc nghệ thuật xưa vẫn được bảo tồn. Ảnh: T.N
Trong tòa tiền bái có 5 bức cửa võng, đều được sơn son thếp vàng, chạm lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh rất sinh động. Ảnh: T.N
Quả chuông nặng hơn 1 tấn, cao 1,6m treo trên gác chuông. Ảnh: T.N
Trần Nghị
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ngoi-den-co-o-ninh-binh-tho-vi-quoc-su-noi-tieng-luu-giu-nhieu-bau-vat-2392707.html