Ngôi miếu đặt tên theo tư thế của loài rắn, người dân cúng thịt lợn sống mỗi năm

Ngôi miếu đặt tên theo tư thế của loài rắn, người dân cúng thịt lợn sống mỗi năm
3 giờ trướcBài gốc
Miếu Bà Khoanh nằm khuất sau con hẻm nhỏ của phường An Hòa, TP Biên Hòa. Ảnh: Hà Nguyễn
Miếu “Bà Khoanh”
Sâu trong con hẻm nhỏ của phường An Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai), ngôi miếu nhỏ có hình hài ngôi nhà cấp 4 được nhiều người dân tìm đến thắp hương, dâng hoa trái để cầu bình an, tài lộc.
Ngôi miếu được chia làm 2 với một bên có ban thờ Thần Nông. Bên còn lại là chánh điện thờ Bà Chúa Xứ, Phật bà và 5 mẹ ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Phía trước chánh điện có bảng đề tên "Miếu Bà Khoanh".
Người dân địa phương khẳng định, miếu nằm gần sông Bến Gỗ. Đây là ngôi miếu có tuổi đời ngoài trăm năm. Đặc biệt, tên gọi của miếu được đặt dựa theo chuyện kể bí ẩn về “bà rắn”.
Trông từ xa, miếu như được chia làm 2 với bên trái có án thờ Thần Nông, bên phải là chánh điện. Ảnh: Hà Nguyễn
Bà Mai Thị Tòng (79 tuổi, người quản lý miếu Bà Khoanh) cho biết: “Tôi đến đất này từ năm 19 tuổi và đã nghe ông bà kể những câu chuyện bí ẩn về gốc tích của miếu Bà Khoanh.
Người xưa kể rằng, trước kia nơi đây có 'bà rắn' kích thước lớn, đầu có mào đỏ tươi. Mỗi khi trong miếu có lễ cúng, 'bà rắn' lại bò vào, nằm khoanh tròn dưới điện thờ.
Khi dân làng cúng xong, 'bà rắn' bò đi. Từ đó, dân làng gọi miếu là miếu Bà Khoanh. Từ khoanh ở đây không phải là tên riêng của một ai đó, mà chỉ hành động nằm khoanh tròn của 'bà rắn' khi đến miếu”.
Tác phẩm Thông chí xã An Hòa của học giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Lý Việt Dũng cũng ghi lại truyền thuyết trên. Sách viết: “Xưa kia có một con rắn cái to bằng bắp chân người lớn, đầu có mào đỏ chót hay về nằm khoanh tròn trên bờ sông.
Chánh điện hiện có kiến trúc bên ngoài như một căn nhà cấp 4. Ảnh: Hà Nguyễn
Nhân dân làng Bến Gỗ cho là điềm lành, có đấng thần linh về phù hộ mùa màng tươi tốt, bội thu nên xây một ngôi miếu bằng tre lá để thờ nữ thần rắn.
Sau này, dòng họ Mai ở xóm Chài (Bến Gỗ) đã phát tâm xây dựng và trùng tu ngôi miếu to đẹp hơn bằng gạch, đá, gỗ vào các năm 1930, 1954...
Hằng năm, miếu Bà Khoanh cúng giỗ lớn vào Rằm tháng 3 âm lịch, đặc biệt ở đây còn duy trì tục cúng thịt lợn sống”.
Chánh điện thờ Bà Chúa Xứ, Phật bà và 5 mẹ ngũ hành. Ảnh: Hà Nguyễn
Linh thiêng
Bà Tòng cho biết, miếu Bà Khoanh nhỏ, nằm sâu trong hẻm nhưng nổi tiếng linh thiêng, được nhiều người biết đến.
Cho đến ngày nay, người dân không chỉ ghi nhớ câu chuyện về gốc tích của ngôi miếu, mà còn truyền tai nhau câu chuyện nhuốm màu liêu trai về việc “bà rắn” xuất hiện trong ngày miếu tổ chức cúng lễ.
Chuyện kể rằng, mỗi khi miếu tổ chức lễ cúng, lúc nửa đêm người dân sẽ nghe thấy tiếng nhạc ngựa vang vang từ hướng sông Bến Gỗ vọng về phía ngôi miếu.
Không thể giải thích âm thanh lạ, người xưa tin rằng đó là “bà Rắn Khoanh” ở dưới lòng sông Bến Gỗ cưỡi ngựa lên dự lễ, nhận vật cúng của người dân.
Bà Tòng cho biết, miếu có tên gọi là Bà Khoanh dựa trên truyền thuyết có rắn bà đến khoanh tròn bên trong. Ảnh: Hà Nguyễn
Trong khi đó, bà Tòng khẳng định, trước kia người dân địa phương nhiều lần bắt gặp những dấu tích về sự hiện diện của “bà rắn” trong khuôn viên miếu Bà Khoanh.
Bà kể: “Trước đây, gần miếu có hai cây dầu cổ thụ. Tán cây rậm rạp, phủ bóng mát cả một khoảng đất rộng. Mùa lá rụng, lá cây phủ kín lối đi.
Mỗi khi đi ngang miếu, người ta lại nghe như tiếng rắn lớn bò lạo xạo trên lá khô. Có người còn nhìn thấy da rắn với những cái vảy to tướng vương bên gốc cây, lẫn trong đám lá.
Bà Tòng khẳng định miếu được nhiều người dân tin tưởng, đến thắp hương cầu an, may mắn. Ảnh: Hà Nguyễn
Từ đó, ai cũng tin miếu có sự hiện diện của 'bà rắn' và có niềm tin tâm linh vào ngôi miếu nhỏ. Hằng ngày, miếu có người trong, ngoài địa phương đem nhang đèn, hoa trái đến cúng tạ lễ”.
Cũng theo bà Tòng, Rằm tháng 3 hàng năm, miếu tổ chức lễ cúng lớn với nhiều hoạt động như: Hát bóng rỗi, múa lân… Vào đêm mùng 1 Tết, miếu mở cửa đón người dân đến thắp hương cầu may.
Không có hoạt động mê tín dị đoan
Ông Đào Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Về mặt quản lý Nhà nước, miếu Bà Khoanh nằm trên địa bàn phường từ hàng trăm năm trước.
Về gốc tích, sự hiện diện của con rắn lớn ở trong miếu, chúng tôi cũng chỉ nghe lại từ những chuyện kể của dân gian.
Hằng năm, vào những thời gian nhất định, miếu tổ chức cúng lễ, cho người dân đến thắp hương. Tại miếu không có các hoạt động mê tín dị đoan”.
Hà Nguyễn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ngoi-mieu-dat-ten-theo-tu-the-cua-loai-ran-nguoi-dan-cung-thit-heo-song-moi-nam-2367092.html