Ngồi nghỉ chốc lát, cụ bà nhập viện vì bỏng
Theo VTC News dẫn nguồn từ Hubei Daily, trưa ngày 7/7 tại thành phố Tương Dương, nhiệt độ ngoài trời lên tới 38°C. Sau khi làm vườn, bà Vương (72 tuổi) quyết định ngồi nghỉ trên một tảng đá. Người bà lúc đó đang đổ mồ hôi đầm đìa, mệt mỏi và nóng bức.
Chỉ vài giây sau khi tiếp xúc với mặt đá, bà cảm thấy đau rát dữ dội nhưng không thể đứng dậy kịp vì tuổi cao, cơ thể chậm chạp. Hàng xóm phải chạy tới đỡ bà đứng lên. Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra trong khoảng 10 giây.
Đêm hôm đó, bà bắt đầu đau dữ dội ở vùng mông, có dấu hiệu đỏ và sưng tấy. Sáng hôm sau, bà được đưa tới Bệnh viện Nhân dân Số 6 Tương Dương. Tại đây, bác sĩ Qian Ben, Giám đốc khoa Bỏng, chẩn đoán bà bị bỏng độ 3 do tổn thương áp lực nhiệt, với nhiều mảng da đóng vảy, mỗi mảng to bằng lòng bàn tay.
Sau khi xử lý mô hoại tử và thay băng hàng ngày, bà Vương đang dần hồi phục và dự kiến sẽ được phẫu thuật ghép da trong tuần tới.
Ngồi nghỉ trên tảng đá giữa trưa nắng, cụ bà phải nhập viện và cấy ghép da. (Ảnh: Sohu)
Một vụ việc tương tự từng xảy ra vào tháng 5/2019 tại Tây An, Thiểm Tây. Một bé trai 1 tuổi bị bỏng độ 2 khi chơi cầu trượt kim loại trong công viên dù nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 30°C.
Mẹ của bé cho biết con trai gào khóc vì đau đớn. Khi đưa tới Bệnh viện Tây An số 521, da mông bé đã bị bong tróc, mưng mủ. Các bác sĩ tiêm phòng uốn ván và kháng sinh để ngăn nhiễm trùng, đồng thời cảnh báo sự nguy hiểm tiềm ẩn của các thiết bị công cộng dưới trời nắng.
Sau vụ việc, công viên đã lập tức rào chắn khu vực cầu trượt và cam kết sẽ gỡ bỏ thiết bị để tránh tái diễn sự cố.
Cảnh báo từ chuyên gia và cách sơ cứu bỏng
Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ bề mặt vật thể ngoài trời vượt quá 50°C, da có thể bị phồng rộp chỉ sau 1 phút. Nếu trên 70°C, chỉ 1 giây tiếp xúc cũng có thể gây bỏng nông độ 2, sau 3 giây là bỏng sâu và hơn 5 giây có thể gây bỏng độ 3.
Những vật dụng như cầu trượt, ghế đá, tay nắm kim loại hay thậm chí là tảng đá cũng có thể tích tụ nhiệt cực cao. Trẻ em và người cao tuổi, với làn da mỏng và nhạy cảm, đặc biệt dễ bị tổn thương.
Trong trường hợp bị bỏng, cần áp dụng “công thức 5 chữ”:
Xả: Xả nước lạnh trực tiếp vào vùng bỏng trong 15–30 phút.
Cởi: Cẩn thận tháo bỏ quần áo tại vùng bị bỏng, tránh làm rách da.
Ngâm: Với vết bỏng nhỏ, có thể ngâm vào nước lạnh.
Phủ: Che vết thương bằng gạc vô trùng hoặc khăn sạch.
Đi: Đến cơ sở y tế ngay nếu vết bỏng nghiêm trọng.
Nếu vùng bỏng lớn hơn lòng bàn tay hoặc ở các khu vực nhạy cảm như mặt, khớp, cơ quan sinh dục, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức.
NB (T/h)