Qua nhiều năm tháng, tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của cán bộ, nhân viên Trung tâm đã dần xoa dịu những vết thương chiến tranh quái ác...
Việc kén người
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành về nhận công tác tại đơn vị sắp tròn 26 năm, từ ngày 1-6-1999. Không chỉ nói vanh vách về tình hình chung hay bao nhiêu bác bị thương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bao nhiêu bác bị thương trong thời kỳ bảo vệ, xây dựng Tổ quốc mà anh còn nhớ rõ họ tên, quê quán của nhiều bác như: Thương binh Nguyễn Mạnh Nga quê ở thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; thương binh Trần Văn Nguyên quê ở phường Sài Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội; thương binh Đinh Văn Bách quê ở xã Thái Sơn (nay là xã Sơn Hà), huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có biệt tài làm thơ, viết báo... Trước khi về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, bác sĩ Hương công tác ở một bệnh viện dân sự. Để đảm nhận được công việc, anh phải mất 2-3 tháng nghiên cứu, làm quen với cơ thể các thương binh, bệnh binh. Anh lý giải, đặc thù của các bác là tỷ lệ thương tật cao (81-100%) và có đến 90% bị thương vào cột sống, gây liệt nửa người khiến nửa người phía dưới bị teo cơ, không tự chủ được trong sinh hoạt đại tiện, tiểu tiện cá nhân; một số còn bị vết thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt; có nhiều mảnh đạn, viên bi còn nằm trong cơ thể...
Vì thế, lúc bình thường thì cơ thể các bác cũng đã khác thường so với người bình thường nên phải nắm lại cơ cấu giải phẫu từng bác cũng như sinh lý thường để chăm sóc, điều trị. Đơn giản như với người bình thường thì huyết áp tối đa là từ 90-140mmHg, tối thiểu từ 40-90mmHg, nhưng với nhiều bác thì huyết áp 170-180mmHg vẫn là bình thường, không có biểu hiện gì. Hay như ở người bình thường, huyết áp tối đa 80mmHg là huyết áp kẹt, cần cấp cứu nhưng với các bác thương binh vẫn là bình thường. Nói đến đây, bác sĩ Hương nhớ đến trường hợp thương binh Vũ Thanh Minh quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ được các bác sĩ ở bệnh viện tiến hành cấp cứu và cố gắng duy trì huyết áp 110, 120, 130mmHg nhưng vẫn hôn mê sâu, sống thực vật nên trả về để trung tâm, gia đình lo hậu sự. Được giao đi tiếp nhận, anh phát hiện ra ngay vấn đề và cho tiến hành cấp cứu hồi sức theo kinh nghiệm chăm sóc thương binh, bệnh binh. Về đến Trung tâm, bệnh nhân tỉnh táo hơn hẳn. Sau đó, anh cùng kíp trực túc trực, theo dõi, điều trị liên tục 15 ngày đêm đến khi bệnh nhân hồi phục được 70-80% mới thay ca. Thương binh Vũ Thanh Minh sau đó sống thêm 7 năm nữa.
Phút thư giãn của các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương cho biết thêm, Trung tâm được biên chế 50 cán bộ, nhân viên nhưng hiện nay mới có 47 người. Công việc chăm sóc, phục vụ các bác thương binh, bệnh binh nặng rất vất vả, đòi hỏi phải thực sự tâm huyết nhưng chế độ đãi ngộ hạn chế, chỉ có lương thuần túy nên việc tuyển người gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyển bác sĩ. Anh nhớ, từ lúc về công tác đến nay, Trung tâm thường chỉ có 3 bác sĩ, một số người đến rồi lại đi, lâu thì được 3 năm, ngắn thì chỉ một năm. Hiện tại, Trung tâm cũng chỉ có 3 bác sĩ gồm: Bác sĩ Ngô Huy Phô, bác sĩ Phạm Thị Pha lần lượt là Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Y tế, phục hồi chức năng và anh nữa.
Ngôi nhà chung
Hôm chúng tôi đến, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành vừa lo hậu sự cho 3 bác thương binh. Vậy là từ 87, nay Trung tâm chỉ còn 84 bác. Mấy năm gần đây, dù liên tục phải chứng kiến sự ra đi của các bác nhưng chị Lê Thị Thu Trang, nhân viên Phòng Hành chính, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành vẫn không khỏi hụt hẫng. Chị lấy chồng về khu phố Bãi Chè, phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) rồi về Trung tâm công tác từ năm 2012.
Công việc của chị là tiến hành giải quyết các chế độ, chính sách; lo hậu sự cho các bác... Chị Lê Thị Thu Trang chia sẻ: “Mới về công tác tôi cũng bỡ ngỡ, nhưng tiếp xúc nhiều với các bác, tôi thấy các bác rất tình cảm, quý mến như con cháu trong nhà. Vì thế, dù biết các bác tuổi cao, vết thương tái phát, biến chứng nhiều bệnh nhưng khi nghe tin các bác mất, nhất là các bác mất đột ngột, tôi rất bàng hoàng”.
Anh Phạm Công Dũng về công tác tại Phòng Y tế, phục hồi chức năng từ năm 2010, lúc mới 22 tuổi. Nhà ở khu phố Bùi, phường Ninh Xá nên từ bé anh đã quen với hình ảnh các thương binh, bệnh binh ngồi trên xe lăn di chuyển trên đường làng. Nhưng chỉ đến khi trực tiếp chăm sóc sức khỏe các bác, anh mới thấy hết khó khăn, dẫu vậy chưa bao giờ cảm thấy nản chí, hối tiếc vì quyết định của mình và luôn cố gắng làm tốt nhất.
Anh Phạm Công Dũng tâm sự: “Có bác lên cơn đau thì phóng xe ầm ầm quanh Trung tâm, có bác thì xả nước lạnh vào chỗ đau giữa thời tiết giá rét... Cũng có lúc, các bác nổi nóng do cơn đau dữ dội bởi vết thương tái phát, nhưng sau đó, các bác lại trò chuyện bình thường và mong thông cảm. Tôi rất thương các bác!”.
Thương binh hạng ¼ Trần Văn Nguyên sinh năm 1948, quê ở phường Sài Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành gần 50 năm, từ năm 1978. Ông từng là chiến sĩ của Sư đoàn 968, Quân khu 4. Năm 1973, ông bị thương do pháo nổ trong khi cùng quân và dân các tỉnh Nam Lào chiến đấu trong chiến dịch mùa khô 1972-1973 với tỷ lệ thương tật 91%, liệt cột sống không thể đi lại được. Hiện tại, vợ chồng ông ở trong căn phòng rộng chừng 30m2, kê hai chiếc giường sắt, một cái là của ông, cái còn lại của bà. Căn phòng sạch sẽ, được trang bị đầy đủ quạt, điều hòa, ti vi, tủ quần áo và bàn ăn. Thương binh Trần Văn Nguyên cho biết: “Hằng ngày, tôi và các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm đều được đội ngũ y sĩ, bác sĩ chăm lo đời sống, sức khỏe tận tình, chu đáo.
Những dịp lễ, tết, Trung tâm đều bố trí xe đưa đón vợ chồng tôi về thăm gia đình cũng như người thân. Điều này làm tôi cảm thấy rất phấn khởi và vơi bớt nỗi nhớ nhà”. Ngồi cạnh giường, bà Trần Thị Viến tiếp lời chồng: “Bị thương nặng, lại cao tuổi nên hầu hết thương binh, bệnh binh ở đây đều rất khó tính. Nhờ các cô chú ở đây vừa biết chiều, biết dỗ, tận tình chăm sóc nên chồng tôi và mọi người mới khỏe mạnh được đến ngày hôm nay. Chúng tôi luôn coi Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành là ngôi nhà thứ hai để gắn bó, gửi gắm những năm tháng còn lại của cuộc đời”.
Bài và ảnh: LƯU TRANG - TUẤN CAO