Một giờ học của cô và trò Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.
Có mặt tại Trung tâm vào một buổi sáng đầu tháng 5, chúng tôi chứng kiến nhiều em đã hơn 10 tuổi, nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ lên 3. Đang trong giờ học, có em tự do đi lại, hét to lên hoặc hát không kiểm soát. Các cô giáo phải ngừng giờ học, giúp các em trấn tĩnh và trở lại trạng thái tâm lý ổn định.
Không giống như trường học thông thường, mỗi tiết học ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh là sự kết hợp giữa giáo dục chuyên biệt và trị liệu tâm lý. Các cô không chỉ dạy chữ, dạy kỹ năng sống, mà còn từng bước khơi dậy khả năng tiềm ẩn trong mỗi em nhỏ, bằng cả tấm lòng và sự kiên trì đáng nể.
Các cô giáo tại Trung tâm không chỉ dạy chữ, dạy kỹ năng sống, mà còn khơi dậy khả năng tiềm ẩn trong mỗi em bằng cả tấm lòng và sự kiên trì
Cô giáo Đào Thị Thanh Phương gắn bó với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh từ những ngày đầu thành lập. Cô Phương chia sẻ: Bản thân tôi lúc đầu cũng còn có những bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian công tác được tiếp xúc với các em học sinh, với các mức độ, dạng tật khác nhau và nhiều độ tuổi thì tôi nhận thấy rằng để đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình giảng dạy thì phải hiểu về trẻ. Mỗi học sinh ở đây đều có những đặc điểm khác nhau riêng biệt, giáo viên cố gắng khai thác những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế, điểm yếu để làm sao các em phát triển tốt nhất. Có em đến đây không biết nói, không biết giao tiếp, chỉ ngồi thu mình trong một góc lớp. Thế nhưng sau vài tháng, em đã biết gọi “mẹ” và chơi cùng các bạn. Đó là những khoảnh khắc khiến tôi không thể nào quên. Ở trung tâm còn có những em biết đan, móc thành những sản phẩm rất đẹp, tôi và các cô giáo thường giúp các em bán những sản phẩm đó.
Mỗi em nhỏ tại Trung tâm là một câu chuyện riêng, một hành trình đầy thử thách. Có em ngày đầu đến trung tâm chưa thể nói, chưa thể giao tiếp hay thậm chí là chưa thể tự bước đi. Nhưng nhờ sự tận tâm và kiên trì của các cô giáo, nhiều em đã có những chuyển biến tích cực. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt lại là bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển của các em.
Mỗi em nhỏ tại Trung tâm là một câu chuyện riêng, một hành trình đầy thử thách.
Em Quàng Thị Nhã Uyên, bản Khá, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) bị chậm phát triển trí tuệ, nhưng sau hai năm học tập và rèn luyện tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, em đã có những tiến bộ rõ rệt.
Chị Quàng Thị Diên, mẹ em Quàng Thị Nhã Uyên chia sẻ: Từ ngày được các cô giáo ở Trung tâm chăm sóc, con tôi đã cứng cáp, thay đổi rất nhiều. Cháu hiểu được ý mình muốn và cảm nhận được điều bố mẹ nói. Gia đình tôi biết ơn các cô giáo rất nhiều.
Được thành lập từ năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh hiện chăm sóc và giáo dục 96 em học sinh là trẻ khuyết tật, với nhiều dạng khác nhau, như rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, thần kinh tâm thần, tăng động giảm chú ý… Trong đó, 64 em học theo phương thức giáo dục chuyên biệt và 32 em được can thiệp theo giờ.
Bà Trần Thị Đào, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Ngay từ đầu năm học chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ giáo viên xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, tài liệu, đồ dùng, đồ chơi phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của trẻ. Chỉ đạo các phòng chuyên môn hàng tháng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục đặc biệt, cập nhật những phương pháp dạy phù hợp với từng dạng tật của trẻ; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kỹ năng giao tiếp, sự kiên nhẫn khi làm việc với trẻ khuyết tật, kỹ năng quan sát và đánh giá sự tiến bộ của trẻ. Xác định đây là môi trường đặc thù nên đội ngũ giáo viên luôn tận tâm đem hết sự yêu thương dành cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm.
Tại Trung tâm, trẻ được trị liệu cá nhân phù hợp với từng mức độ khuyết tật.
Để đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng em, Trung tâm ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, kết hợp với biện pháp can thiệp sớm. Những lớp học quy mô nhỏ được thiết kế phù hợp với từng khả năng, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, kỹ năng sống. Ngoài các lớp học kỹ năng sống, giao tiếp, phục hồi chức năng, trung tâm còn triển khai các buổi trị liệu cá nhân, hoạt động nhóm... phù hợp với từng mức độ khuyết tật.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh không chỉ là nơi học tập mà còn là điểm tựa tinh thần cho nhiều gia đình. Với tâm huyết của các cô giáo thầm lặng nơi đây, đã, đang và sẽ tiếp tục là ngôi nhà của hi vọng, để những đứa trẻ đặc biệt được hòa nhập xã hội.
Thùy Trang