Ngôi trường mang tên liệt sĩ Đặng Thành Công

Ngôi trường mang tên liệt sĩ Đặng Thành Công
7 giờ trướcBài gốc
Chân dung liệt sĩ Đặng Thành Công
Cán bộ cách mạng kiên trung
Tại Trường Tiểu học Đặng Thành Công, tiểu sử và chân dung của liệt sĩ Đặng Thành Công được đặt tại phòng truyền thống. Phòng mở cửa thường xuyên cho học sinh đến đọc và tìm hiểu về người cán bộ cách mạng mà trường vinh dự được mang tên.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Thành Công - thầy Trần Quang Vinh cho biết: “Liệt sĩ Đặng Thành Công là người địa phương nên cán bộ, giáo viên nhà trường cảm thấy khá gần gũi. Chúng tôi vẫn gọi ông là bác Tư. Nhà trường vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với gia đình liệt sĩ. Hàng năm, cứ đến các dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày giỗ của bác Tư (ngày 29-5 Âm lịch), nhà trường đều tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà gia đình bác để thể hiện tấm lòng tri ân”.
Liệt sĩ Đặng Thành Công có tên thường dùng là Tư Vinh, bí danh là Thành Công, Tư Khoai. Ông sinh năm 1920 tại ấp Bình An, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành. Năm 1945, ông vào đội du kích xã, tham gia 2 lần tập kích vào thị xã Tân An cũng như trận đánh Pháp ở Tỉnh lộ 21 thuộc địa phận xã Hòa Phú. Một năm sau, ông được cử tham gia Ủy ban Kháng chiến Hành chánh với nhiệm vụ kinh tế tài chánh xã Hòa Phú.
Đến năm 27 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó, được đề bạt chức vụ Kiểm soát hành chính khu vực 2, chịu trách nhiệm 5 xã vùng trên về mặt hành chánh.
Cuối năm 1950, Đặng Thành Công bị địch bắt. Mặc dù bị chúng tra tấn hết sức dã man nhưng ông vẫn quyết tâm không khai báo. 4 năm sau, ông được trả tự do và tiếp tục tham gia cách mạng, là Phó Bí thư Chi bộ xã Hòa Phú. Năm 1958, ông là Bí thư Chi bộ xã, Huyện ủy viên phụ trách các xã vùng trên của huyện.
Khoảng đầu năm 1960, Tỉnh ủy Long An họp hội nghị mở rộng, phát động một cao trào quần chúng đấu tranh mạnh mẽ kết hợp với lực lượng vũ trang phá thế bao vây, kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ về tay nhân dân. Từ đó, phong trào quần chúng tại các xã: Hòa Phú, Hiệp Thạnh, Vĩnh Công, Bình Quới nhanh chóng phát triển, gây hoang mang cho địch.
Khi đó, ông Đặng Thành Công được phân công làm Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Huyện đội trưởng Huyện đội Châu Thành, được giao nhiệm vụ thành lập đội du kích xã vùng trên, bao gồm: An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Hòa Phú, Bình Quới, Vĩnh Công để cùng đội du kích vùng giữa, vùng dưới thành lập đội cơ động của huyện Châu Thành.
Tháng 7/1962, trong lúc đang họp cùng 12 đồng chí khác tại xã Phú Ngãi Trị thì địa điểm họp bị lộ do có gián điệp khai báo. Địch tập kích bất ngờ, ông Đặng Thành Công hy sinh cùng những cán bộ cách mạng khác.
Tiếp bước người đi trước
Liệt sĩ Đặng Thành Công là tấm gương về lòng yêu nước, trung thành với Đảng, Nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của đồng bào, dân tộc. Quyết định để trường tiểu học của xã mang tên liệt sĩ thể hiện sự tri ân và nhắc nhở truyền thống cho thế hệ sau.
Theo thầy Trần Quang Vinh, để học sinh của trường hiểu rõ truyền thống, tự hào về quê hương cũng như vun bồi thêm tình yêu nước, đầu mỗi năm học mới, Trường Tiểu học Đặng Thành Công đều tổ chức cho học sinh tìm hiểu về lịch sử địa phương và tiểu sử liệt sĩ Đặng Thành Công. Song song đó, các buổi sinh hoạt dưới cờ trong năm học cũng được lồng ghép nội dung này.
Học sinh Trường Tiểu học Đặng Thành Công (huyện Châu Thành) thường tìm hiểu về tiểu sử liệt sĩ Đặng Thành Công
Tiếp nối truyền thống người đi trước, thầy và trò Trường Tiểu học Đặng Thành Công không ngừng phấn đấu dạy tốt, học tốt, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2023-2024, trường có 1 giáo viên đoạt giải Ba Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 giáo viên đoạt giải Khuyến khích về Thiết kế giáo án Elearning. Học sinh nỗ lực học tập tốt, cuối năm học, có khoảng 30% học sinh của mỗi lớp được nhận khen thưởng. Ngoài ra, học sinh còn tham gia các hoạt động phong trào như thi cờ vua, phụ trách sao giỏi, an toàn giao thông, vẽ tranh,...
Đầu năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Đặng Thành Công có 10 lớp và tổ chức cho học sinh học bán trú tại trường. Hàng ngày, dưới mái trường mang tên người liệt sĩ, các em vẫn miệt mài học tập. Tiếng đọc bài vang vọng khắp sân trường như một lời tri ân gửi đến thế hệ cha anh đã vì độc lập của quê hương mà ngã xuống./.
Quế Lâm
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/ngoi-truong-mang-ten-liet-si-dang-thanh-cong-a184088.html