Một lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt ngọn lửa khi đám cháy Eaton Fire bùng cháy ở Pasadena, California, Mỹ ngày 8/1. Ảnh: Reuters.
Hơn 100.000 người đã được lệnh sơ tán trong hôm 8/1 (giờ địa phương) do gió mạnh, thời tiết khô hạn đã cản trở các hoạt động chữa cháy và làm lan rộng các đám cháy. Các khu vực khô cằn khiến cho ngọn lửa gần như không thể được ngăn chặn kể từ khi chúng bùng phát trong hôm 7/1.
“Cơn bão lửa này rất lớn”, Thị trưởng Los Angeles Karen Bass phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi vội vã quay trở lại thành phố, cắt ngắn chuyến đi chính thức tới Ghana.
Ngọn lửa bốc lên từ một ngôi nhà bên bờ biển dọc đường đến Malibu khi gió mạnh gây ra cháy rừng tàn khốc ở khu vực Los Angeles, California, Mỹ ngày 8/1. Ảnh: Reuters.
Một đám cháy mới bùng phát ở Hollywood Hills trong tối 8/1, Trưởng phòng Cứu hỏa Kristin Crowley nói trong một cuộc họp báo, khiến chính quyền thành phố buộc phải sơ tán thêm nhiều người và nâng tổng số vụ cháy rừng bùng phát ở Hạt Los Angeles lên con số 6.
Theo các quan chức tiểu bang, 4 đám cháy trong số đó chưa được ngăn chặn một chút nào. Hai đám cháy lớn ở sườn phía đông và phía tây của thành phố tiếp tục bùng phát dữ dội khi màn đêm buông xuống trong hôm 8/1.
Ngọn lửa bốc lên từ một ngôi nhà trong đám cháy Eaton ở Altadena, California ngày 8/1. Ảnh: Reuters.
Ở khu vực trung tâm thành phố, thứ được mọi người mô tả là “Ngọn lửa Hoàng hôn ở Hollywood Hills” đã thiêu rụi 50 mẫu Anh (20 ha) trong hôm 8/1, Sở cứu hỏa California cho biết. Nhiều trực thăng cứu hỏa đã được điều động trong nỗ lực dập tắt ngọn lửa bằng phương pháp thả nước, dường như đã cản trở được bước tiến nhanh chóng của nó.
Sở cứu hỏa Los angeles đã ban hành lệnh sơ tán người dân tại khu vực nằm trong Đại lộ Hollywood ở phía nam, Mulholland Drive ở phía bắc, Xa lộ 101 ở phía đông và Đại lộ Laurel Canyon ở phía tây - tất cả đều là những địa chỉ mang tính biểu tượng cho những người làm trong ngành giải trí.
Lính cứu hỏa dập lửa tại một ngôi nhà đang cháy ở khu hạng sang Malibu, California ngày 8/1. Ảnh: Reuters.
Trong khu vực đó là Nhà hát Dolby, nơi tổ chức giải Oscar. Các nhà tổ chức cho biết thông báo đề cử Oscar vào tuần tới đã bị hoãn lại 2 ngày vì hỏa hoạn.
Mặc dù tương đối nhỏ so với những đám cháy khác, “Ngọn lửa Hoàng hôn” vẫn cháy ngay phía trên Đại lộ Hollywood và Đại lộ Danh vọng. Nếu băng qua Xa lộ 101, ngọn lửa này có thể thiêu rụi cả biển hiệu Hollywood và Đài thiên văn Griffith ở xa hơn trên những ngọn đồi.
Mặt trời lặn, trong khi khói bốc lên dọc bãi biển trên đường đến Malibu. Ảnh: Reuters.
Tàn tích âm ỉ
Ở phía tây Los Angeles, đám cháy rừng mang tên “Ngọn lửa Palisades” đã thiêu rụi 15.832 mẫu Anh (6.406 ha) và hàng trăm công trình kiến trúc trên những ngọn đồi nằm giữa Santa Monica và Malibu, chạy dọc theo hẻm núi Topanga cho đến tận Thái Bình Dương trong hôm 7/1.
Lửa nhấn chìm một tòa nhà ở khu Pacific Palisades phía tây Los Angeles. Ảnh: Reuters.
Video quay từ trên không của đài truyền hình KTLA cho thấy hết dãy nhà này đến dãy nhà khác đang cháy âm ỉ, màn khói dày đặc thỉnh thoảng xen lẫn với ngọn lửa màu cam của một ngôi nhà khác vẫn đang bốc cháy.
Nhà chức trách cho biết, ở phía đông, dưới chân đồi của Dãy núi San Gabriel, trận cháy Eaton đã tàn phá thêm 10.600 mẫu Anh (4.289 ha), 1.000 công trình khác và giết chết ít nhất 5 người.
Phần còn lại của một tòa nhà bị cháy ở Pacific Palisades. Ảnh: Reuters.
Hãng dự báo tư nhân AccuWeather ước tính thiệt hại ban đầu và thiệt hại kinh tế lên tới hơn 50 tỷ USD.
“Chúng ta đang đối mặt với một thảm họa thiên nhiên lịch sử. Và tôi nghĩ điều đó không thể diễn tả đủ”, Kevin McGowan, Giám đốc quản lý tình trạng khẩn cấp của Hạt Los Angeles, phát biểu trong một cuộc họp báo.
Mọi người tìm đến Hiệp hội Nhân đạo Pasadena để tìm nơi trú ẩn cho động vật của họ sau trận cháy rừng ở Pasadena, California. Ảnh: Reuters.
Mặc dù các nhà dự báo cho biết gió sẽ dịu đi trong thời gian ngắn vào tối 8/1, nhưng tình trạng báo động đỏ dự kiến sẽ duy trì cho đến ngày 10/1.
Theo PowerOutage.us, gần 300.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở Hạt Los Angeles đã bị mất điện, giảm so với gần 1 triệu ngôi nhà vào hôm 8/1. Trường học đã bị đóng cửa trên toàn Hạt Los Angeles ít nhất cho đến ngày 9/1, Giám đốc Học khu Alberto Carvalho cho biết.
Một ngôi nhà bốc cháy dữ dội ở Los Angeles. Ảnh: Reuters.
Frances Colella, một người về hưu 71 tuổi, nói với Reuters tại một trung tâm sơ tán ở Pasadena, đang ngồi trên xe lăn cùng với hàng chục người khác: “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trận hỏa hoạn trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ xảy ra trường hợp như thế này. Đây là việc thực sự đáng buồn và tôi không thể nhớ bất cứ trận cháy nào tương tự như hiện nay".
Quốc kỳ Mỹ tung bay khi ngọn lửa nhấn chìm một công trình ở phía tây Los Angeles, California. Ảnh: Reuters.
Nguồn nước cạn kiệt
Quy mô và sự lan rộng nhanh chóng của các đám cháy đã khiến các đội cứu hỏa kiệt sức, vượt quá khả năng của họ.
Lính cứu hỏa từ 6 bang khác đang được điều động đến California, trong có thêm 250 công ty sản xuất động cơ với 1.000 nhân viên đang được điều động từ Bắc California đến Nam California, Giám đốc Sở cứu hỏa Hạt Los Angeles Anthony Marrone cho biết trong một cuộc họp báo.
Một người dân đứng chụp ảnh trận cháy tàn khốc ở Altadena, California. Ảnh: Reuters.
Các quan chức cho biết tình trạng thiếu nước đã khiến một số vòi phun nước ở khu Pacific Palisades cạn kiệt.
Janisse Quinones, giám đốc điều hành của Sở Nước và Điện Los Angeles, phát biểu trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã đẩy hệ thống đến mức tối đa. Chúng tôi đang phải chống lại đám cháy rừng bằng hệ thống nước đô thị”.
Bà cho biết, khu Pacific Palisades chỉ dựa vào 3 bể chứa với khoảng 1 triệu gallon (3,78 triệu lít) mỗi bể và nhu cầu về nước để chữa cháy ở các khu vực thấp hơn đang gây khó khăn cho việc đổ đầy các bể chứa nước ở khu vực cao hơn.
Một lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt ngọn lửa khi đám cháy Eaton Fire bùng cháy ở Pasadena, California, Mỹ ngày 8/1. Ảnh: Reuters.
Đến chiều 8/1, cả 3 bể chứa đó và tất cả 114 hồ chứa trên toàn thành phố đã được đổ đầy lại, bà Quinones cho biết trong một cuộc họp báo sau đó.
Các đám cháy xảy ra vào thời điểm đặc biệt dễ bị ảnh hưởng ở Nam California, nơi không có lượng mưa đáng kể trong suốt nhiều tháng.
Sau đó, những cơn gió mạnh ở Santa Ana kéo đến, mang theo không khí sa mạc khô từ phía đông về phía những ngọn núi ven biển, thổi bùng những đám cháy rừng đồng thời thổi qua các đỉnh đồi và xuống các hẻm núi.
Video cho thấy khu Pacific Palisades trước và sau khi bị đám cháy tàn phá
Các nhà khoa học cho biết các đám cháy này bùng phát ngoài mùa cháy rừng truyền thống ở Mỹ, cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng diễn biến khó lường hơn nữa khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng trong những thập kỷ tới.
Tổng thống Joe Biden, người đã tuyên bố vụ hỏa hoạn là một thảm họa lớn, đã cùng Thống đốc California Gavin Newsom đến trạm cứu hỏa Santa Monica để nghe thông tin tóm tắt về các nỗ lực chữa cháy.
Nhà Trắng cho biết, trong những ngày cuối cùng trên cương vị Tổng thống trước khi chuyển giao cho Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1, ông Biden đã hủy chuyến đi sắp tới tới Italy để tập trung chỉ đạo phản ứng của liên bang đối với các vụ hỏa hoạn.
“Chúng tôi đang làm bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ, miễn là có thể ngăn chặn những đám cháy này…để đảm bảo bạn sẽ trở lại cuộc sống bình thường”, ông Biden nói tại trạm cứu hỏa. "Sẽ là một chặng đường dài. Sẽ mất thời gian".