'Ngôn ngữ mềm' lay động ý thức

'Ngôn ngữ mềm' lay động ý thức
7 giờ trướcBài gốc
Không chỉ triển lãm trong không gian nghệ thuật, những chiến dịch vẽ tranh tường tại các khu dân cư ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam… cũng góp phần lan tỏa thông điệp xanh – vừa làm đẹp cảnh quan, vừa truyền thông về hành vi thân thiện với môi trường như tiết kiệm nước, phân loại rác, giảm dùng túi nilon.
Các tác phẩm nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân. Ảnh: P. Sỹ
Đặc biệt, nhiều dự án nghệ thuật công cộng đã trực tiếp biến những không gian từng bị bỏ quên, ô nhiễm hoặc bị xem là "xấu xí" trở thành điểm nhấn văn hóa và môi trường. Một trong những ví dụ khá tiêu biểu là dự án nghệ thuật tại Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển.
Trước đây, khu xóm bờ sông Phúc Tân từng là một khu vực khá phức tạp về môi trường. Sau khi nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng từ phía người dân, nhóm nghệ sĩ đã biến một khu vực đầy rác thải thành một con đường nghệ thuật dài gần 1 km. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được khắc họa, gắn liền với những ký ức như "Thuyền gương" – gợi nhớ về những lần chạy lũ trên sông Hồng, "Nhà nổi" – tái hiện cuộc sống của những người sống trên sông, hay "Thuyền" - với hình ảnh con thuyền, sóng nước được tạo nên từ 10.000 chai nhựa cũ.
Một dự án nổi bật khác là con đường gốm sứ ven sông Hồng, kéo dài gần 4 km, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, từng đạt kỷ lục Guinness thế giới cho bức tranh gốm dài nhất. Công trình này không chỉ làm đẹp cho thành phố mà còn thay đổi diện mạo khu vực bờ sông Hồng, trước đây được coi là "không gian xám" và nhếch nhác. Giờ đây, con đường gốm sứ trở thành điểm du lịch thu hút cả người dân Hà Nội và du khách quốc tế. Công trình này không chỉ nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa và tái tạo không gian đô thị.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, nghệ thuật công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã và đang đóng một vai trò quan trọng, không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn là một giải pháp mềm nhưng hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần hình thành lối sống bền vững, nâng cao nhận thức về không gian sinh thái – văn hóa đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng, góp phần giáo dục thẩm mỹ, truyền cảm hứng và kiến tạo bản sắc đô thị.
“Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghệ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng lối sống thân thiện”- ông Hoàn nói.
Nói về ý nghĩa của nghệ thuật trong việc bảo vệ môi trường, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy – tác giả ý tưởng, khởi xướng và tổ chức thực hiện "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" cho rằng, nếu coi thành phố như ngôi nhà của mình thì các không gian công cộng được ví như một phòng khách. Khi đến các phòng khách này được trang hoàng đẹp bằng nghệ thuật công cộng rõ ràng có nhiều giá trị, ý nghĩa. Từ đó có thể thấy, nghệ thuật góp phần rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường.
Mặc dù các dự án nghệ thuật vì môi trường mang lại nhiều giá trị, nhưng còn rất nhiều khó khăn để nhân rộng, trong đó là vấn đề thiếu kinh phí, khi hầu hết các dự án phi lợi nhuận hoặc chỉ nhận tài trợ hạn chế, khiến nghệ sĩ phải tự xoay xở. Thủ tục hành chính phức tạp khi để sử dụng không gian công cộng, nghệ sĩ phải xin phép qua nhiều cấp quản lý. Thêm vào đó, sự thiếu đồng thuận từ cộng đồng và việc bảo vệ các công trình sau khi hoàn thành cũng tạo ra khó khăn lớn, khi không ít bức tranh tường bị hư hại hoặc phá hoại.
Đây cũng là điều mà họa sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy hết sức trăn trở, bởi cũng chính công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng" sau nhiều năm đến nay đã bị xuống cấp, nhiều chỗ bị hư hỏng do nhiều yếu tố, trong đó có có cả ý thức của một số người dân chưa tốt trong việc gìn giữ và bảo vệ.
Để nghệ thuật tham gia cùng chung tay bảo vệ môi trường và phát huy được, theo bà Thủy, cần có chính sách để khuyến khích và hỗ trợ nghệ thuật. Không chỉ tạo thuận lợi cho việc xin phép và thực hiện mà việc duy tu bảo dưỡng cũng cần sự chung tay của người dân. Coi thành phố như ngôi nhà của mình, gìn giữ, bảo vệ tác phẩm chứ.
PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng – cho rằng nghệ thuật không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà còn góp phần vào công tác giáo dục môi trường. Nghệ thuật có thể đồng hành, hỗ trợ những giải pháp trong việc cải tạo và bảo vệ môi trường sống. Các nghệ sĩ cần đặt mục tiêu bảo vệ môi trường làm định hướng xuyên suốt trong hành trình sáng tạo của mình. Đặc biệt, những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng trong xã hội.
Phạm Sỹ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ngon-ngu-mem-lay-dong-y-thuc-10303744.html