Ngọt ngào khoai lang. Ảnh: Trung Phan
Thế rồi hậu quả của việc quên câu “Khoai đất lạ, mạ đất quen” của các bác nông dân truyền cho xảy ra ngay sau đó: Từ vụ thứ tư, ngọn rau không còn mập mạp, xanh mướt mà bắt đầu teo nhỏ, càng nhỏ càng dài ngoẵng gần như sợi cỏ chỉ, lá thì xanh lợt lạt, có khi chưa xanh đã ngả vàng! Đúng là “thất thu mùa vụ”, tuy không đau như các nhà nông cày sâu cuốc bẫm. Rồi khi mùa lũ đến, hoặc khi có dịch rầy nâu, trời nắng hạn kéo dài đã xóa sạch bao ngày “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” của bà con! Nhưng cũng đau… lưng chớ bộ! Đành bỏ chuyên canh khoai lang, chuyển sang chờ hạt giống rau càng cua, diếp cá, chua me đất… từ đâu đó cứ bình thản mọc lên đều. Chỗ nào có đất thì chúng mọc. Nhưng ăn hoài các loại rau ấy cũng ớn. Lại nhớ mùi vị khoai lang cả lá lẫn củ. Lại âm mưu tiếp tục trồng vài luống rau lang. Nhưng chỉ một mảnh đất bé tẹo, làm sao “chuyển quen thành lạ” để phỉnh cái giống rau ưa đất lạ đây? Đành tìm người nông dân chuyên canh loại rau này để hỏi kinh nghiệm. Anh ấy hỏi:
- Rứa lâu ni bác trồng rau lang mà không xới đất à?
- Có chứ răng không?
- Thì cứ xới nữa, xới kỹ, lật lên lật xuống, phơi nắng cho đất khô, cầm vồ đập cho mịn, mua phân bò khô trộn với cát mịn hoặc vỏ trú (trấu), vỏ dừa rồi đem bón lót dưới từng luống. Mà luống phải làm cao cho dễ thoát nước, vì vùng bác ở là vùng trũng, mưa một trận đã ngập. Cái giống khoai lang luôn cần nước nhưng tối kỵ ngập úng, héo úa rồi chết rụi ngay.
Ngọt ngào khoai lang. Ảnh: Trung Phan
Theo lời “nông sư”, tôi làm y như rứa. Thật hay, vụ ấy rau lên tươi tốt, vợ chồng ngày ngày hái rau luộc hoặc nấu canh tôm, tốn cơm đáo để. Nhưng lại bị ông “nông sư” một bữa đi ngang thấy tôi khai thác triệt để những ngọn rau mập tròn xanh mướt, liền hỏi:
- Bác chỉ định ăn lá thôi à?
- Ừ thì cũng chỉ như thế chứ làm sao trồng khoai lang lấy củ đươc?
“Nông sư” bước vào vườn, dùng cuốc cuốc lên vài lát, lấy tay bóp bóp, gật gù dặn thêm:
- Bác nhớ cho: Trồng rau lang, đã ăn lá thì khỏi ăn củ và ngược lại. Bác hãy dành một vồng cao nhiều đất, trồng dây khoai hơi sâu, đừng cắt ngọn. Cuối vụ, bác biết kết quả ngay.
Có thầy có khác. Cố gắng làm đúng quy trình chăm bón. Cuối vụ, cái luống rau tôi để yên theo lời thầy được xới lên. A ha! Toàn là củ khoai, củ nào củ nấy to tròn, tuy không bằng khoai lang đất màu ở quê ruột to, ngon, ngọt, bở, ăn vội dễ mắc nghẹn! Vì sao vậy nhỉ? Trồng khoai lang hãy nhớ câu “Xấu dây, tốt củ”.
Đem vài củ rửa sạch rồi luộc hoặc nướng. Trời ơi! Củ khoai vườn nhà mình cũng ngon ngọt đáo để! Bỗng dưng nhớ chuyện ngày xưa.
Chuyện thứ nhất: Ăn khoai xéo Nghệ An. Đơn vị cũ của tôi có nhiều đồng đội quê miền Bắc, giữa chiến trường thiếu gạo, thiếu đến cùng cực các thực phẩm chính như đường, thịt, gia vị chính như muối, bột ngọt. Nên đành luộc măng ăn thay cơm, lấy củ nâu thái lát mỏng dầm nước suối cho bớt chất nhựa, luộc rồi ăn cho đỡ đói. Vậy nên, khi đất nước vừa thống nhất, đơn vị cho nghỉ phép, liền thu xếp ra Hà Nội thăm một đồng đội đã bị thương, chuyển ra Bắc từ khi còn chiến tranh. Xong việc, về lại Huế, giữa đường tàu đỗ ga Vinh, sực nhớ có ông bạn thân quê Nghệ An, nhà gần đó, bèn lọ mọ hỏi thăm, quanh co mấy khúc đường thì đến nhà. Đồng đội ở chiến trường gian khổ nguy nan cùng nhau, nay gặp lại, cả hai ôm nhau chặt cứng. Rồi hắn bảo: "Ở lại nhà tao chơi một hôm, ăn chi cũng được. À, có món khoai xéo hồi trước tao hay khoe với mày đó". Khoai xéo, chưa biết ngon ra sao, nhưng nghe lời bạn cũng thấy thèm. Tối đó mình chén căng bụng. Mới phục cái tài của dân ta, càng nghèo khó càng ló cái khôn. Đường là đường mía, lấy nước mật mía đem ngào với khoai lang khô xắt lát cho thật dẻo, ăn một miếng nhớ cả đời. Nhất là buổi ấy còn ở thời bao cấp, ăn bo bo mỏi cả hai hàm răng!
Chuyện thứ hai: Khoảng năm 1977-1978 mình ra Hà Nội tập huấn nghiệp vụ, lớp có ông bạn quê Thường Tín (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) cứ rủ rê: "Về nhà tớ đãi khoai lang thái lát ngào đường, ăn một miếng nhớ cả đời!". Ừ thì về ăn khoai lang khô xắt lát ngào đường như khoai xéo Nghệ An chứ có phải ăn sâm Cao Ly giả đâu mà lo! Thời ấy còn bao cấp, tem phiếu cung cấp thực phẩm hạn chế, nhưng nhờ có mảnh ruộng quê màu mỡ nên chị vợ anh bạn xoay vần đủ cách, nhà chẳng thiếu rau, gà, lợn. Vậy mà khi nghe có bạn chồng đến thăm nhà và chồng muốn đãi bạn món khoai lang thái lát phơi khô ngào đường, chị liền nói nhỏ chi đó với chồng. Buổi trưa tạm ăn cơm độn với sắn lát. Quen gian khổ rồi nên chẳng ngại ê răng như nhai bo bo. Buổi chiều bụng bắt đầu réo mà chưa thấy bà vợ bạn mình mời ăn cơm, ráng chịu chớ biết sao, bạn cũng đã ăn mô. Lúc lâu sau, chị vợ bạn cẩn thận bê một mâm nhôm có đậy tờ báo:
- Đố bác đây là món chi?
Mới ngửi mùi thôi đã muốn nhào vô ăn liền. Nhưng mình là khách mà. Đành hít hít mũi vài lần rồi khen thực lòng:
- Thơm quá chị ơi! Nhưng món gì thì tôi chịu!
- Thưa, đây là món mứt khoai lang!
Hả? Mứt khoai lang, lần đầu nghe có món này. Liền hỏi “kỹ sư chế biến thực phẩm” quê xứ Đoài mây trắng:
- Thực lòng tôi chưa từng nghe có món ăn này, dù xứ Huế quê tôi, chị em nội trợ rất giỏi chế biến nhiều món mứt Tết như mứt gừng, mứt bí đao làng nào cũng biết, rồi mứt dừa, mứt quýt… đủ cả. Nhưng chưa có món này chị ạ!
- Em thấy bố con nó ngày nào cũng nhai đi nhai lại trệu trạo mấy lát sắn, lắt khoai, bo bo hầm… thấy thương quá, bèn nghĩ đỡ cách này. May nhà có ít đường, em thử làm mứt xem sao, ăn cũng được bác ạ! Em biết bác quê xứ Huế nổi tiếng nhiều món ngon, nhất là các món mứt Tết. Bác vui lòng nhấm thử, đừng chê nhé!
Đời nào lại phũ phàng buông lời chê, nếu chẳng may món đó quá tệ! Quyết vậy rồi, tay liền cầm đũa gắp một miếng thử coi sao. Chị vợ bạn chăm chăm nhìn mình ăn, ý chừng dò tâm trạng, đoán lời chê. Kệ, mình cứ gắp từng lát mứt khoai lang nhai chầm chậm để thấm vị ngon.
Vào thời điểm cả nước khó khăn, mình lại đang lúc đói meo, quả thực ngon nhứt mứt khoai lang!
Bác Tóp