Theo đánh giá năm nay thưởng Tết khả quan hơn năm ngoái. Ảnh: L.H.
Mức thưởng khả quan hơn
Theo đó, mức thưởng Tết Ất Tỵ 2025. TPHCM hiện dẫn đầu về mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất, lên đến hơn 1,9 tỷ đồng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, tổng hợp báo cáo thưởng tết từ 1.570 doanh nghiệp với 310.444 lao động tại thành phố, cho thấy, mức thưởng cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng tại một doanh nghiệp FDI, giảm so với Tết năm ngoái (2,078 tỉ đồng). Còn mức thưởng thấp nhất là 5,9 triệu đồng, cao hơn năm ngoái.
Theo Sở LĐTBXH TPHCM các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm và thương mại duy trì mức thưởng cao nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ hoặc sử dụng lao động giản đơn thường có mức thưởng thấp hơn.
Là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Bình Dương cũng ghi nhận mức thưởng Tết lớn từ các doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thông tin, dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất là 840 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp FDI, đó là Công ty cổ phần Sao Hỏa Toàn Quốc (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Dự kiến mức lương thưởng Tết Âm lịch bình quân của Bình Dương là 9,16 triệu đồng.
Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với 311 triệu đồng/người; mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người. Mức thưởng bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người.
Vĩnh Phúc cũng là địa phương ghi nhận thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng cho lao động từ doanh nghiệp FDI. Sở LĐTBXH của tỉnh này cho biết, 147 doanh nghiệp sử dụng 51.465 lao động báo cáo đã có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho người lao động. Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân khoảng 6 triệu đồng/người. Đáng chú ý, con số thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất tại Vĩnh Phúc lên đến 400 triệu đồng/người, thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp.
Đáng chú ý, theo Sở LĐTBXH Vĩnh Phúc, bên cạnh thưởng Tết, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp còn có các chính sách, chế độ phúc lợi khác dành cho người lao động. Cụ thể, có 115 doanh nghiệp dự kiến tặng quà Tết cho người lao động (mức thấp nhất là 100.000 đồng/phần quà, mức cao nhất là 1.000.000 đồng/phần quà); 121 doanh nghiệp dự kiến tổ chức tiệc tất niên; 65 doanh nghiệp dự kiến tổ chức khen thưởng lao động xuất sắc năm 2024; 25 doanh nghiệp dự kiến hỗ trợ người lao động ở xa một phần kinh phí về quê ăn Tết; 33 doanh nghiệp dự kiến hỗ trợ cho người lao động khó khăn.
Còn theo Sở LĐTBXH Đà Nẵng, các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 17 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng. Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 220 triệu đồng, thấp nhất 1 triệu đồng.
Đưa ra dự báo về các vị trí việc làm sẽ được thưởng Tết cao trong năm 2025, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, thưởng Tết nằm trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, được thiết kế từ đầu năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh cuối năm để điều chỉnh khoản thưởng này. Qua khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, cũng có mức thưởng cá biệt lên đến hàng trăm triệu đồng thuộc về nhóm lao động kỹ thuật cao. Đặc biệt, một số nhóm doanh nghiệp như dệt may, da giày, dịch vụ, logistics... sẽ có thưởng Tết khá cao. Bên cạnh tiền mặt, nhiều công ty sẽ dành quà tặng hiện vật gửi đến người lao động.
Lương, phúc lợi - yếu tố then chốt giữ chân lao động
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, năm 2024, kinh tế sáng hơn, xuất khẩu nhiều đơn hàng, tăng lương tối thiểu, nên thưởng Tết tăng; cùng với đó, các cơ quan quản lý, công đoàn cũng tích cực vào cuộc hướng dẫn doanh nghiệp có những thỏa ước lao động nhằm cải thiện tiền lương, thưởng của người lao động.
Cũng theo ông Huân, dù không phải quy định bắt buộc nhưng thưởng Tết đã trở thành “văn hóa” là nhân tố quan trọng để doanh nghiệp giữ chân người lao động. Thực tế khảo sát lương năm 2025 mà Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, lương và phúc lợi vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự hài lòng của người lao động. 46% người được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của gói đãi ngộ cạnh tranh. 77% người được hỏi nhấn mạnh vai trò của chế độ thưởng trong việc quyết định mức độ hài lòng của họ với công việc. Đặc biệt, yếu tố tài chính và sự ghi nhận đóng vai trò then chốt trong việc giữ chân và thu hút nhân tài.
Khảo sát cho thấy người lao động ngày càng chú trọng đến những giá trị phi vật chất trong văn hóa doanh nghiệp. Đồng nghiệp truyền cảm hứng và môi trường làm việc mang tính hỗ trợ là những yếu tố thúc đẩy quan trọng đối với một nửa số người được khảo sát.
Ngoài ra, các cơ hội phát triển cá nhân và nghề nghiệp như chương trình đào tạo chuyên môn, thời gian làm việc linh hoạt, gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp ngày càng được xem là những yếu tố không thể thiếu của một chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Đáng chú ý, khảo sát còn ghi nhận xu hướng nổi bật về sự ưu ái của người lao động dành cho các doanh nghiệp nước ngoài. Có tới 99% người bày tỏ mong muốn làm việc tại các công ty quốc tế. Những lý do chính bao gồm mức lương hấp dẫn hơn, lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng và bài bản, cùng cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khảo sát lương 2025 của Robert Walters còn chỉ ra rằng, nhiều xu hướng quan trọng đang định hình cách các tổ chức tiếp cận thị trường việc làm đầy biến động. Điểm nhấn nổi bật là kế hoạch tăng lương tại nhiều doanh nghiệp, khi 82% công ty được khảo sát cho biết sẽ điều chỉnh lương, tăng lương trong năm 2025.
Lê Bảo