Doanh số kênh bancassurance đang sụt giảm
Theo tổng giám đốc một công ty bảo hiểm đang phân phối sản phẩm qua ngân hàng đối tác, Điều 15 - Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định “cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức” chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu không thống nhất, gây khó khăn cho các công ty bảo hiểm. Nhiều chi nhánh của ngân hàng đối tác đã dừng bán sản phẩm bảo hiểm khiến khách hàng bị thiệt thòi do không được bảo vệ, còn công ty bảo hiểm không có doanh thu.
Tương tự, lãnh đạo một công ty bảo hiểm có thị phần kênh bancassurance trong tốp đầu thị trường cho hay, do chưa tường minh việc “gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”, nhiều ngân hàng với quan điểm thận trọng đã tạm ngừng hoạt động phân phối bảo hiểm, khiến doanh số kênh này sụt giảm nghiêm trọng.
“Dù đã nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt chú trọng vào quyền lợi, giá trị cốt lõi của từng sản phẩm bảo hiểm... để khách hàng có cái nhìn rõ ràng, chính xác nhất về các sản phẩm bảo hiểm, từ đó góp phần khôi phục niềm tin vào bảo hiểm, nhưng kết quả kinh doanh qua kênh bancassurance của công ty vẫn chưa thể tăng trưởng trở lại như giai đoạn trước”, vị này nói.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, vấn đề mấu chốt ở đây là trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng chưa có cách hiểu thống nhất về quy định cấm gắn sản phẩm bảo hiểm với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thì Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết Điều 5, Khoản 15 của luật này.
Do đó, ông Phạm Văn Đức - Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhất là liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, góp phần phát triển thị trường bảo hiểm bền vững hơn.
Ông Đức cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó sẽ bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nếu sai phạm trong tư vấn bảo hiểm sẽ bị phạt nặng.
Các công ty bảo hiểm cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế xử lý nghiêm minh và kịp thời những tổ chức, tư vấn viên kinh doanh bảo hiểm thiếu chuẩn mực. Những đơn vị kinh doanh đàng hoàng, đúng pháp luật cần được bảo vệ, khuyến khích phát triển và ngược lại, đơn vị làm ăn gian dối, mập mờ, tư vấn viên yếu kém phải bị xử lý thích đáng.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Hồng Nguyên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các công ty bảo hiểm cần nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp của tư vấn viên - những người trực tiếp tư vấn cho khách hàng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần sâu sát hơn để cùng doanh nghiệp thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, bền vững.
Hiện tại, cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm đều đang mong sớm có nghị định, thông tư hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm cũng như làm rõ quy định cấm ngân hàng gắn kèm sản phẩm bảo hiểm với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ để có cơ sở pháp lý triển khai, thực hiện.
“Cần có thông tư hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng được phép cung cấp một gói tài chính cho khu vực tam nông, gồm sản phẩm ngân hàng kết hợp sản phẩm bảo hiểm rủi ro (bắt buộc theo Luật hoặc bắt buộc theo quy định của ngân hàng để bảo vệ vốn vay). Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng coi hợp đồng bảo hiểm rủi ro (đặc biệt là các rủi ro thiên tai, thảm họa) là một điều kiện bổ sung bảo đảm để đủ điều kiện vay vốn và được nâng cao hạn mức vay vốn giá rẻ từ ngân hàng thương mại, đồng thời phí bảo hiểm cũng được ngân hàng cho vay theo thời hạn vay vốn…”, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) đề xuất.
Kim Lan