Ngư dân hối hả vào vụ cá Nam

Ngư dân hối hả vào vụ cá Nam
13 giờ trướcBài gốc
Ngư dân thị trấn Cửa Việt được mùa cá cơm - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Tàu cá của ông Nguyễn Văn Anh ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh làm nghề pha xúc, vụ cá Nam hàng năm ông đều trúng nhiều mẻ cá nục, cá cơm, cá trích... Vụ cá Nam năm nay, ông cùng với 5 bạn thuyền tích cực vươn khơi bám biển.
Theo ông Anh, mới vào vụ cá Nam năm nay mà thời tiết biển khá thuận lợi cho việc đánh bắt nên các tàu đều tranh thủ bám biển dài ngày. Bình quân mỗi chuyến ra khơi (4 ngày), tàu của ông Anh thu nhập được vài chục triệu đồng. Không chỉ sản lượng đánh bắt khá mà giá cá trên thị trường có cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá dầu hạ nên ngư dân rất phấn khởi. Để chuẩn bị cho vụ cá Nam, ngay từ cuối năm ngoái, ông Anh đã đầu tư kinh phí để tu sửa máy móc, mua thêm ngư lưới cụ để đánh bắt hiệu quả hơn.
Mới bắt đầu vụ cá Nam nhưng Cảng cá Cửa Việt bình quân mỗi ngày tiếp nhận từ 10 - 15 tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản và tiếp nhiên liệu, thực phẩm, ngư lưới cụ. Hải sản năm nay các tàu đánh bắt được khá phong phú như: cá cơm, cá nục, cá ngừ, cá thu, mực... mang lại thu nhập khá cho các chủ tàu và lao động biển. Các cảng cá cũng tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân tối đa như: duy trì lực lượng túc trực 24/24 giờ để sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng; bố trí địa điểm cho các phương tiện vận chuyển đến bốc dỡ hải sản thuận lợi; thực hiện nghiêm túc và phục vụ tận tình việc trình báo của các tàu khi mỗi chuyến ra khơi và trở về.
Đối với các tàu cá thì tranh thủ thời tiết thuận lợi nên rút ngắn thời gian lên bờ để nối dài các chuyến vươn khơi. Để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, các tàu cá đều chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện đánh bắt, các trang thiết bị hiện đại như: máy định vị, máy dò cá...
Nhờ đó, khi thời tiết ủng hộ việc ra khơi, các luồng cá nổi xuất hiện nhiều thì các tàu “tung” hết năng lực đánh bắt để thu về hiệu quả cao nhất. Nhiều chuyến biển đã mang về những mẻ cá giá trị cao, thu về lợi nhuận hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/chuyến.
Gio Linh là huyện có năng lực khai thác hải sản mạnh nhất tỉnh. Toàn huyện có 860 tàu thuyền với tổng công suất năm 2024 là 100.000 CV, trong đó, có 164 tàu cá có chiều dài trên 15 m với hơn 1.550 lao động thường xuyên tham gia đánh bắt xa bờ... Sản lượng thủy sản toàn huyện năm 2024 đạt gần 18.000 tấn, vượt 5,5% kế hoạch.
Ngư dân Gio Linh không ngừng đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ, tăng cường trang bị công nghệ định vị, giám sát hành trình để vươn khơi bám biển dài ngày. Điều đáng ghi nhận là nhận thức đánh bắt của ngư dân huyện Gio Linh đã được nâng lên một bước, họ đã ý thức rõ việc chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo IUU.
Hiện tại, hầu hết tàu cá công suất lớn trên địa bàn huyện đã vươn khơi tới các ngư trường lớn. Các tàu thuyền nhỏ cũng tích cực hoạt động ở vùng lộng. Huyện Gio Linh đã chỉ đạo các địa phương ven biển củng cố tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, khuyến khích ngư dân bảo dưỡng tàu thuyền, nâng cấp máy móc, bổ sung ngư lưới cụ và máy dò cá. Yêu cầu ngư dân ký cam kết về chống khai thác IUU, ghi nhật ký khai thác, không vượt ranh giới biển...
Vụ cá Nam là vụ khai thác thủy sản chính của năm có sản lượng lớn và đóng vai trò quan trọng trong thu nhập của ngư dân, đối tượng đánh bắt đa dạng. Để khai thác có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cấp chính quyền vùng biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tổ chức sản xuất trên biển theo đoàn, tổ, đội, đặc biệt là ở ngư trường vùng biển xa.
Hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân duy tu, bảo dưỡng tàu thuyền, trang bị các thiết bị khai thác hiện đại; ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản trong bảo quản. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển...
Ngư dân được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ khai thác nguồn lợi thủy sản một phần cũng nhờ sự chia sẻ lợi ích từ các đơn vị thu mua sản phẩm và các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tất cả tạo thành một chuỗi liên kết sản xuất mà ở đó mỗi mắc xích trong sản xuất đều hỗ trợ nhau tối đa để tạo ra giá trị sản xuất nghề cá cao nhất và ngư dân khẳng định tinh thần bám biển không chỉ sản xuất kinh tế mà còn góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trần Cát Linh
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/ngu-dan-hoi-ha-vao-vu-ca-nam-193329.htm