Ngư dân Phú Yên mang rác từ biển vào bờ

Ngư dân Phú Yên mang rác từ biển vào bờ
4 giờ trướcBài gốc
Tỉnh Phú Yên hiện có hơn 2.380 tàu cá đăng ký hoạt động khai thác trên biển, trong đó hơn 660 tàu hoạt động khai thác xa bờ. Từ tháng 5/2024, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với các các sở Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên triển khai mô hình "Vận động ngư dân mang rác vào bờ".
Ngư dân gom rác đưa vào bờ
Ngư dân Võ Quang Lực, chủ tàu cá PY 91287 ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, trước đây, đa số ngư dân có thói quen vứt rác xuống biển, nghĩ rằng biển sẽ phân hủy toàn bộ. Nhưng từ khi tham gia mô hình này, ông Lực và các ngư dân trên tàu đều nhận thấy tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển. Ngoài dụng cụ là túi lưới đựng rác được cấp phát, tàu ông đã thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt, ngư cụ bị rách, hư hỏng trên tàu đưa vào bờ xử lý. Bình quân mỗi chuyến biển, tàu cá của ông mang vào bờ từ 15-20kg rác thải các loại, trong đó hơn một nửa là rác thải nhựa như chai nước, túi ni lông, lưới rách...
“Chúng ta giữ sạch cho môi trường, những vỏ lon vứt xuống đáy đại dương là không nên. Mình đem rác vô bờ thì một chuyến tàu đem vô nhiều lắm. Mấy năm về trước, vỏ chai, bong bóng, rác rưới… mình vứt dưới biển hết, nay mình đem vô bờ”, ông Võ Quang Lực cho biết.
Rác thải làm ô nhiễm môi trường biển ở tỉnh Phú Yên
Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân mang theo một lượng lớn lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, lon nước ngọt, nhu yếu phẩm…để sử dụng dài ngày trên biển. Sau khi sử dụng, nếu rác thải không được thu gom mà vứt trực tiếp xuống biển sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa.
Ngư dân Phú Yên gom rác thải trên biển đưa vào bờ
Tất cả cán bộ, nhân viên làm việc tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Phú Yên đều xem việc tuyên truyền, vận động ngư dân mang rác từ biển vào bờ là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên. Nhờ vậy, ý thức của ngư dân được nâng cao. Hiện nay, 100% tàu cá tham gia mô hình đều thực hiện thu gom, mang rác vào bờ. Ngư dân Võ Quốc Nhiên, chủ tàu cá PY 90479 cho hay, ngư dân đã hiểu tác hại của rác thải đối với môi trường biển. Vì vậy khi khai thác thủy sản trên biển, ngư dân đều chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ môi trường biển trong sạch.
“Hồi trước rác thải có bao nhiêu ngư dân thải xuống biển hết. Giờ đây, ngư dân có bao nhiêu đem vô bờ chứ không thải xuống biển nữa. Mình giữ môi trường để sạch biển”, ngư dân Võ Quốc Nhiên nói.
Ngư dân đưa rác vào Cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để xử lý
Từ khi triển khai mô hình "Vận động ngư dân mang rác vào bờ" đến nay, tại 4 cảng lớn trên địa bàn tỉnh Phú Yên là: Tiên Châu, Dân Phước, Đông Tác và Phú Lạc đã tiếp nhận hơn 4 tấn rác do ngư dân mang từ biển vào bờ, trong đó khoảng 2,5 tấn rác có thể tái chế.
Ngư dân đã ý thức rõ tác hại của rác thải nhựa
Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cho biết, hiện nay các khu vực biển ven bờ trên địa bàn đã tiếp nhận một khối lượng rác thải đáng kể, đặc biệt là rác thải nhựa từ hoạt động du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Hàng năm, tại 4 cảng cá trên địa bàn tỉnh tiếp nhận khoảng 13.500-14.500 lượt tàu cá ra vào cảng. Các hoạt động tại cảng đã phát sinh khoảng 24 tấn chất thải rắn mỗi năm.
Thùng rác tại Cảng cá Đông Tác ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Ông Hà Viên cho biết thêm, Ban Quản lý cảng cá đã phân công nhân viên tiếp nhận rác thải từ các tàu cá và phân loại để xử lý: “Thông qua công tác tuyên truyền, bà con cũng thấy được tác hại của rác thải, nghĩa vụ, trách nhiệm của các thuyền trưởng cũng như thuyền viên trong quá trình đánh bắt trên biển có sử dụng rác thải, bao gồm rác thải nhựa, rác thải tái chế và rác thải không thể tái chế. Họ gom mang vào bờ để họ tham gia vào việc góp một phần công sức của mình vào quá trình hạn chế rác thải ra môi trường, giảm thiểu rác thải xuống đại dương”.
Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ khoảng 10-15% được thu gom cho tái chế. Mô hình "Vận động ngư dân mang rác vào bờ" góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ môi trường biển.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ngu-dan-phu-yen-mang-rac-tu-bien-vao-bo-post1137092.vov