Ngư dân tỉnh Phú Yên được mùa cá cơm

Ngư dân tỉnh Phú Yên được mùa cá cơm
2 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thời điểm này đang là mùa khai thác cá cơm của ngư dân tỉnh Phú Yên. Năm nay cá cơm được mùa, việc tiêu thụ lại dễ dàng nên người dân ở các làng biển phấn khởi.
Cá cơm ở Phú Yên được khai thác ở vùng lộng và thường bắt đầu từ tháng Giêng và kết thúc vào tháng 4 Âm lịch. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên nhiều tàu khai thác đạt sản lượng cao.
Vừa trở về sau một đêm đánh bắt cá cơm, ngư dân Nguyễn Văn Sơn (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa) phấn khởi khi ông cùng 5 ngư dân khai thác được khoảng 3 tấn cá.
Cá sau khi đánh bắt về được thương lái thu mua với giá từ 160.000-200.000 đồng/giỏ (mỗi giỏ 20kg). Trừ phí tổn, mỗi ngư dân thu về hơn 1 triệu đồng sau chuyến biển.
Theo ngư dân địa phương, cá cơm xuất hiện nhiều ở khu vực cách bờ biển từ 2-5 hải lý. Ngư dân thường đi khai thác từ đêm tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Sản lượng bình quân từ 2 đến 3 tấn/tàu, một số tàu công suất lớn hơn có thể khai thác được 5 đến 7 tấn cá sau một đêm.
Cá cơm là loại cá thơm, ngon nên được ưa chuộng trên thị trường. Nhiều thương lái còn sử dụng tàu thuyền để mua trực tiếp của ngư dân trên biển. Nhờ vậy, ngư dân có thể khai thác dài ngày mà tốn ít chi phí bảo quản.
Là thương lái thu mua cá cơm từ nhiều năm nay, chị Lê Thị Hoa (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa) cho biết, cá cơm rất dễ bán trên thị trường. Những người thu mua cá thường có mặt tại các bãi biển từ sáng sớm để mua cá của ngư dân ngay khi các tàu cập bến. Năm nay, cá cơm trúng mùa, giá mua bán giao động từ 7.000-10.000 đồng/kg.
Không chỉ bán cá tươi, ngư dân Phú Yên còn chế biến cá cơm thành sản phẩm xuất khẩu hoặc phơi làm cá khô, ủ làm nước mắm. Từ đó, giá trị sản phẩm cá cơm được nâng lên, người dân vùng biển có thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập.
Xưởng chế biến của chị Đinh Thị Bích Phương (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) luôn đỏ lửa và nhộn nhịp người để hấp cá. Chị Phương cho biết gia đình chị làm nghề chế biến cá cơm đã hơn 20 năm.
Chị mua cá cơm của ngư dân, sau đó thuê người hấp cá, phơi qua một nắng rồi phân loại. Cá cơm nhỏ nhất hay còn gọi là cá cơm ngần là loại có giá trị, sau khi thành phẩm sẽ được bán cho các công ty xuất khẩu với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/1kg.
Theo báo cáo của huyện Tuy An, trên địa bàn huyện hiện có 7 cơ sở chế biến cá cơm khô xuất khẩu tập trung, quy mô lớn và chủ yếu tập trung tại 2 xã An Chấn và An Hòa Hải. Từ đầu năm đến nay, cá cơm khô xuất khẩu vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đạt hơn 300 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài việc chế biến để xuất khẩu, cá cơm còn là nguồn nguyên liệu chính để các làng biển ở Phú Yên làm nước mắm. Những làng nghề nước mắm truyền thống như Mỹ Quang (huyện Tuy An), Long Thủy (thành phố Tuy Hòa), Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu)... từ lâu đã “nức tiếng” gần xa. Nhiều hộ xây dựng thành các sản phẩm OCOP để phát triển sản phẩm và có "chỗ đứng" trên thị trường.
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hồng Gia Phúc (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa) của chị Nguyễn Thị Hương xuất bán trên thị trường khoảng 300 lít nước mắm.
Từ tháng Giêng đến nay, nguồn cá cơm dồi dào nên chị mua khoảng 70 tấn cá để ủ muối làm nước mắm. Cá cơm ở vùng biển Tuy Hòa, Tuy An đặc biệt thơm ngon nên rất phù hợp làm nước mắm truyền thống, được nhiều khách hàng lựa chọn…
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay thời tiết thuận lợi cho ngư dân tỉnh Phú Yên đi khai thác cá cơm.
Ngư dân chủ yếu đi khai thác trong thời gian ngắn ở vùng lộng và cập bến tại địa phương để xuất bán cá. Nhờ sản lượng cao, việc tiêu thụ lại dễ dàng nên ngư dân có thu nhập cao./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/ngu-dan-tinh-phu-yen-duoc-mua-ca-com-post1027687.vnp