Theo nhiều ngư dân, sứa xuất hiện mùa mưa lụt là điều hiếm gặp. Những năm trước, sứa xuất hiện ở đầm nước lợ này từ sau tết Nguyên đán, đến mùa hè là hết vụ. Thế nhưng, năm nay sứa lại xuất hiện vào đầu tháng 10 âm lịch, với mật độ dày.
Ngư dân ven đầm Ô Loan ủ sứa để chuẩn bị sơ chế. Ảnh: TRÂM TRÂN
Bội thu
Hơn 1 tháng qua, ngư dân các xã ven đầm Ô Loan bơi sõng câu ra đầm đánh bắt sứa, người thì thả lưới, người dùng vợt vớt bỏ vào thùng rồi cập bờ đầy ắp sứa đầm. Ông Bùi Văn Tấn, ngư dân ở xã An Ninh Đông cho hay: Đánh bắt sứa đơn giản ít tốn kém hơn so với các nghề khác. Chỉ cần một tay lưới, một cây vợt là ra đầm đánh bắt sứa. Một buổi thả lưới bắt được vài tạ sứa.
Theo ông Tấn, năm nay mùa sứa kéo dài, lại tập trung gần bờ nhiều nên rất dễ đánh bắt. Ngư dân chỉ cần bơi sõng ra hồ nuôi tôm cách bờ khoảng 100m là đã thấy sứa nổi lập lờ trên mặt đầm, chỉ cần dùng vợt là có thể vớt sứa lên sõng. Đầu mùa thương lái thu mua ngay tại bờ với giá từ 60.000-70.000 đồng/kg tùy kích cỡ, nay sứa nhiều hạ còn 10.000-15.000 đồng/kg.
Trên bờ đầm thuộc xã An Hiệp, đưa hơn 1 tạ sứa vừa đánh bắt vào bờ cân cho thương lái xong, ông Phan Văn Long chia sẻ: Mùa sứa năm nay xuất hiện dày từ tháng 10 đến nay là hiếm gặp. Trước đây, sứa xuất hiện ở đầm nước lợ này từ sau tết Nguyên đán và đến mùa hè là hết vụ. Riêng từ tháng 10-12 là mùa mưa, năm nay trong đầm không có nước lụt tràn vào nên sứa xuất hiện nhiều, còn năm nào có lụt thì sứa sốc nước ngọt chết.
Theo ông Long, bình quân mỗi chuyến đánh bắt sõng ông vớt được vài thùng; mỗi lần đi bỏ túi từ 200.000-300.000 đồng/người. Tuy nhiên, không phải như cá, tôm, ngày nào cũng có; những ngày đứng gió, sóng êm là lúc đánh bắt được nhiều sứa nhất, còn ngày gió lớn sứa nằm rạp dưới đầm. “Theo kinh nghiệm của tôi, những ngày đứng gió, mặt đầm không có sóng nên dưới đáy thiếu ô xy, sứa trồi đầu lên mặt đầm thở nên xuất hiện nhiều”, ông Long nói.
Tại xã An Cư, những ngày qua, ngư dân cũng đang tích cực ra đầm đánh bắt sứa. Do gần bờ nên ngư dân đánh bắt cả ngày lẫn đêm, mang lại nguồn thu nhập 500.000 đồng/người, có điều kiện trang trải cuộc sống.
Sứa Ô Loan nổi tiếng giòn, ngon
Ngư dân ven đầm Ô Loan đi đánh bắt sứa. Ảnh: TRÂM TRÂN
Bà Nguyễn Thị Loan, một người chuyên thu mua sứa ở xã An Cư cho biết mỗi ngày ngư dân ven đầm đánh bắt được 7-10 tấn sứa.
Sứa sau khi thu mua được thương lái sơ chế và phân loại thành 2 phần, gồm sứa mình và sứa chân.
Chế biến sứa là một khâu rất quan trọng. Nếu không làm sạch thì chất nhầy trên cơ thể con sứa sẽ gây mùi tanh và khiến người ăn bị dị ứng. Việc sơ chế sứa được làm theo từng công đoạn tuần tự. Cụ thể, sứa được cho vào thùng xốp rồi chế nước sôi vào ủ lại (trời nắng thì đem phơi), sau đó đánh bợn bằng cách cho vào thau to rồi lấy rổ múc từ thau này đổ qua thau kia cho nhớt trôi ra. San qua sớt lại 5 lần như vậy, sứa săn lại. Cuối cùng là rửa lại bằng nước biển sạch.
Theo bà Loan, những ngày ngư dân đánh bắt nhiều, cơ sở thu mua của bà thuê 5-7 công để chế biến sứa. Đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho lao động nữ các xã ven đầm. Sứa đầm Ô Loan nổi tiếng săn, giòn, ngon, được người tiêu dùng rất ưa chuộng nên sản phẩm làm ra tiêu thụ nhanh.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy An, từ tháng 10-12 là mùa mưa lũ, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ chảy qua cầu Lò Gốm đổ về làm cho nước trong đầm Ô Loan dâng cao, đục ngầu, các loại hải sản trong đầm bị sốc nước ngọt chết, qua hết tháng mưa lụt mới rạy lại. Còn năm nay, nước mưa từ thượng nguồn đổ về ít, khiến độ mặn trong đầm không được phân giải, tạo môi trường thuận lợi cho sứa sinh trưởng muộn hiếm gặp. Bình quân mỗi ngày đêm có gần 100 ngư dân ở các xã ven đầm khai thác sứa trên đầm Ô Loan.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy An, năm nay, nước mưa từ thượng nguồn đổ về đầm Ô Loan ít, khiến độ mặn trong đầm không được phân giải, tạo môi trường thuận lợi cho sứa sinh trưởng muộn hiếm gặp. Bình quân mỗi ngày đêm có gần 100 ngư dân ở các xã ven đầm khai thác sứa trên đầm Ô Loan.
MẠNH HOÀI NAM