Ngư phủ tường thuật về cuộc 'nghênh chiến' toát mồ hôi với 'thủy quái' sông Đà

Ngư phủ tường thuật về cuộc 'nghênh chiến' toát mồ hôi với 'thủy quái' sông Đà
7 giờ trướcBài gốc
“Chúa tể” Đà giang trong kí ức của người bản địa
Sông Đà là một dòng sông oai hùng nhất ở khu vực Tây Bắc. Nơi đây sinh sống nhiều loài cá lớn và quý hiếm, trong đó phải nhắc tới cá chiên – loài được coi là một trong năm loài cá quý của nguồn nước, đứng đầu trong nhóm cá da trơn và được giới sành ăn rất ưa chuộng. Loài cá này có thể nặng từ vài chục đến vài trăm cân, có hình dáng đặc biệt. Vì vậy, người dân sống quanh sông đã gọi nó là 'thủy quái' hoặc 'cá chúa tể dòng sông'.
Cá chiên là loài có hình thù lớn và bản tính hung tợn, chúng ẩn náu trong những hang động sâu và hốc đá giữa dòng nước chảy xiết. Kích thước của chúng có thể đạt gần 2 mét về chiều dài và cân nặng có thể lên tới gần 100 kg. Cá chiên thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, có miệng rất cứng, đầu to và phẳng, răng sắc nhọn giống như lưỡi dao cạo, và cơ thể mượt mà, bóng loáng.
ảnh: Dân Việt
Tâm sự với phóng viên Vietnamnet, ông Ngô Văn Tám, (ở làng chài Tân Thịnh, TP Hòa Bình), một lão ngư đã ngót 40 năm tuổi nghề chài lưới trên khắp các khe suối, con sông vùng Tây Bắc, kể: Ngày trước, khi con sông Đà chưa bị ngăn dòng làm thủy điện, nó như con ngựa bất kham, nước chảy sôi ùng ục qua trùng lớp ghềnh thác. Khi đó, chuyện bắt được các loại cá lớn như mè, chép, trôi, trắm nặng vài chục kg, rồi cá măng, cá chiên nặng gần tạ hay kể cả các loài cá quý hiếm, đặc sản như lăng, anh vũ là chuyện thường…
Trong các câu chuyện mà cánh ngư phủ sông Đà từ Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La), Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc (Hòa Bình) kể đi, kể lại giống như truyền thuyết, thì cá chiên được nhắc đến như một loài “quái vật” chuyên ăn thịt người.
Một con cá chiên được bắt tại Điện Biên vào năm 2016 (Ảnh: 24h.com)
Vào đầu những năm 70 thế kỷ trước, mùa lũ nào cũng vậy, dòng sông Đà cuồn cuộn sóng nước, cơ man vũng xoáy nên nuốt chửng đến vài chục mạng người xấu số. Có xác mắc kẹt ở chỗ nông thì người ta còn tìm vớt được, nếu mắc kẹt ở vách đá, hang hốc dưới lòng sông thì chịu. Nhiều xác bị dòng nước xiết cuốn mạnh, cứ lăn dưới đáy sông, trôi xa vài chục km mới nổi lên… Đến khi xác người chết đuối bắt đầu bị phân hủy, bốc mùi, bọn “quái vật” cá chiên đánh hơi được, chúng kéo đến hàng đàn xâu xé. Có khi cả chục con đần đẫn như cây chuối, quẫy đạp ủng oẳng biến cả một khúc sông dậy sóng, nước bắn lên cao hàng mét. Trong phút chốc, xác người xấu số hoàn toàn tan biến.
Ông Tám kể lại một lần đang đánh cá trên Chiềng San (Mường La, Sơn La), nơi dòng Nậm Chang mang hàng ngàn, hàng vạn mét khối nước tích tụ từ các cánh rừng Yên Bái hung hãn đổ vào sông Đà, ông trông thấy một con cá chiên nổi lên với cái đầu đen trùi trũi, to bè, thân dài ngoằng uốn lượn như quả ngư lôi khổng lồ tiến về phía thuyền.
Biết chắc đụng độ “quái vật”, ông Tám cầm chiếc lao đồng ba ngạnh có nối sợi dây dù với một khúc gỗ dài chuẩn bị nghênh chiến. Khi con “quái vật” chỉ còn cách thuyền chừng vài sải bơi, ông Tám dùng hết sức bình sinh phi thẳng chiếc lao vào cái lưng to lừng lững. Trúng lao, nó trồi lên, hụp xuống bơi như điên dại kéo theo hàng trăm mét dây dù cùng khúc gỗ chạy vùn vụt trên mặt nước.
Phải mất cả buổi chiều hôm đó, ông Tám cùng gần chục bạn chài đánh vật mãi mới “dìu” được “quái ngư” lên bờ. Nó nặng 94kg, dài hơn 3m, chiếc hàm được banh rộng ra có thể nhét vừa cái phích nước. Khi mổ bụng con cá này, trong dạ dày vẫn còn vài mẩu vụn quần áo chưa được tiêu hóa hết.
Trong suốt mấy chục năm làm nghề chài lưới dọc sông Đà, ông Tám nhiều lần chứng kiến cũng như nghe các bạn chài kể về chuyện nơi này, nơi kia bắt được cá nặng 70, 80kg, thậm chí có con lên đến gần hai tạ. Phần lớn chúng sống ở các vùng nước xoáy. Chỉ cần một lái đò non nớt bị lật thuyền hay một tay bơi “nghiệp dư” nào đuối nước bị lũ cuốn trôi cũng đều là miếng mồi ngon, là “bữa tiệc” thịnh soạn cho lũ “quái vật”.
Trở lại thực tại, ông Tám lắc đầu và nói giờ người ta dùng kíp điện, mìn nổ ùng oàng cả ngày, đến cá nhỏ cũng chả còn.
Cũng theo một số ngư phủ, sông Đà kể từ khi bị đắp đập, ngăn dòng chảy làm thủy điện, có những khúc giống như hồ nước mênh mang, tĩnh lặng. Các loài cá chiên, lăng vốn quen sống vùng vẫy nơi sóng xô ghềnh thác, nay phải lượn lờ trong cái “lồng” tù túng như vậy, chúng càng bị đánh bắt dễ dàng, thuận lợi hơn.
Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc.
Những lần xuất hiện gây xôn xao
Theo báo Dân trí, vào năm 2015, một nhà hàng ở Hà Nội đã mua một con cá được mệnh danh là "thủy quái" sông Đà, cân nặng lên đến 40kg và dài 1,5 mét, với giá 1 triệu đồng cho mỗi kilôgam.
Tháng 3/2017, một con cá chiên khủng nặng đến 25kg, do một người dân câu được ở vùng sông Đà. Nó là loại cá có hình thù cổ quái kì dị. Da cá có màu sắc loang đốm đen cùng màu xanh rêu, đầu cực to.
Vào cuối tháng 5 năm 2018, một con chiên được mô tả là 'thủy quái' với chiều dài khoảng 2 mét và trọng lượng gần 100kg, đã bị ngư dân bắt được.
Năm 2022, một con cá chiên với trọng lượng lên đến gần 30 kg, dài 1,2m đã được các ngư dân bắt được ở Sông Đà và đưa về Hà Nội.
Một người mua lại con cá chiên có kích thước đáng kể (ảnh: 24h.com)
Sự hiện diện của những con cá đặc biệt và lạ lùng này đã thu hút chú ý và làm nhiều người tò mò về xuất xứ của nó.
Tuy nhiên về việc săn “thủy quái” sông Đà hiện nay được nhiều ngư phủ xác định là nghề may rủi bởi độ nguy hiểm cũng như sự khan hiếm dần của các loài cá lăng, cá chiên. Người dân dọc sông Đà đã và đang chuyển dần từ đánh bắt tự do sang các mô hình nuôi cá lồng, trong đó có nuôi cá chiên lồng hoặc đánh bắt thủy sản bằng vó bè hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhật Linh (t/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/ngu-phu-tuong-thuat-ve-cuoc-nghenh-chien-toat-mo-hoi-voi-thuy-quai-song-da-6764.html