Ngủ trong ô tô thế nào cho an toàn, sai lầm nhiều người mắc phải?

Ngủ trong ô tô thế nào cho an toàn, sai lầm nhiều người mắc phải?
6 giờ trướcBài gốc
Mới đây, một người đàn ông đã tử vong khi ngủ trong ô tô đỗ bên lề đường. Sau khi dừng xe, người này đã nằm bên ghế lái và ngủ, nhưng khi người dân phát hiện, sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Điều này khiến không ít người lo ngại việc ngủ trong ô tô thế nào cho an toàn. Đặc biệt, những tài xế chạy taxi, thường xuyên phải ngủ trong xe khi chờ khách hoặc chạy đường dài là những trường hợp bất khả kháng.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở những người ngủ trong ô tô là ngộ độc khí carbon monoxide (CO). Được biết, CO là một loại khí không màu, không mùi, xuất hiện khi có nhiên liệu bị đốt cháy. Khí CO sẽ tích tụ ở những không gian không có luồng khí được lưu thông khi các cánh cửa xe đóng kín cửa.
Khi CO tích tụ lại, người trong ô tô hít phải CO sẽ ngăn các tế bào máu mang đủ oxy đi khắp cơ thể, từ đó dẫn đến sốc hoặc thậm chí đột tử. Đặc biệt, nhiều tài xế mắc phải sai lầm đóng kín cửa khi ngủ dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ngủ trong ô tô là trường hợp bất khả kháng.
Việc ngủ trong ô tô sử dụng động cơ đốt trong là nguy hiểm khi khí CO xuất hiện trong quá trình đốt cháy nhiên liệu. Trong khi đó, nếu sử dụng xe điện, khí CO sẽ không được sản xuất vì xe sử dụng pin, không cần động cơ hoạt động để cung cấp điện cho điều hòa và không sản sinh khí CO.
Trong trường hợp tài xế muốn ngủ trong ô tô cần phải thực hiện các thao tác sau để đảm bảo an toàn theo khuyến cáo của các chuyên gia.
Theo đó, lái xe cần phải hé cửa khoảng 5 - 10 cm để luồng khí trong cabin xe được lưu thông. Việc này sẽ khiến điều hòa phải làm việc vất vả hơn, nhưng chỉ có hé cửa mới giúp người bên trong xe không bị ngạt khí CO hay những loại khí khác mà ô tô có thể sản sinh.
Khi ngủ quá say, cơ thể sẽ không phản ứng được với những thay đổi ở không gian cabin xe. Do đó, tài xế cần bật báo thức cách nhau khoảng 20 phút trong quá trình ngủ để thức giấc kiểm tra xe liệu còn đủ an toàn không.
Ngoài ra, lái xe cần tránh bật điều hòa quá lạnh bởi khi ngủ, nhiệt độ cơ thể xuống thấp hơn. Việc này sẽ khiến cho lái xe dễ bị rơi vào tình trạng lạnh dẫn đến đột quỵ.
Tóm lại, việc ngủ trên ô tô tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng sẽ có những trường hợp bất khả kháng mà lái xe phải chấp nhận. Tuy nhiên, trang bị kiến thức để có giấc ngủ an toàn trên ô tô là việc làm cần thiết để tránh những tình trạng đột quỵ, ngạt khí đáng tiếc xảy ra.
Khải Phạm
Nguồn GTVT : https://tapchigiaothong.vn/ngu-trong-o-to-the-nao-cho-an-toan-sai-lam-nhieu-nguoi-mac-phai-183250204210954378.htm