Ngược đời: Lòng đường cho người đi bộ, vỉa hè thành nơi đỗ xe

Ngược đời: Lòng đường cho người đi bộ, vỉa hè thành nơi đỗ xe
một ngày trướcBài gốc
Ngược đời: Lòng đường cho người đi bộ, vỉa hè thành nơi đỗ xe
Con phố Hà Trung luôn trong tình trạng xe máy đỗ kín vỉa hè, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
Hình ảnh xe cộ ngổn ngang trên vỉa hè, còn người đi bộ len lỏi dưới lòng đường đã trở nên quá đỗi quen thuộc trên các tuyến phố ở Hà Nội, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố sầm uất, nơi diễn ra nhiều hoạt động thương mại, văn hóa và du lịch.
Từ trước đến nay, Hà Nội đã nhiều lần triển khai các kế hoạch nhằm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ra quân rầm rộ nhằm "giành lại vỉa hè" cho người đi bộ, tình trạng lấn chiếm tiếp tục tái diễn. Những vỉa hè trở thành nơi đỗ xe và kinh doanh buôn bán, trong khi người đi bộ phải đi dưới lòng đường giữa dòng phương tiện đông đúc.
Theo quy định tại Điều 77 Luật Giao thông đường bộ, lòng đường được sử dụng cho mục đích giao thông, còn vỉa hè dành cho người đi bộ. Việc sử dụng tạm thời vỉa hè vào các mục đích khác phải có sự cho phép của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tuyến phố ở Hà Nội vẫn bị lấn chiếm một cách tự phát, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Người đi bộ hòa cùng dòng xe cộ đông đúc dưới lòng đường phố Phùng Hưng.
Nhiều quán cà phê mở rộng không gian bằng mái hiên và bàn ghế, chiếm trọn vỉa hè dành cho người đi bộ.
Anh Dũng (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Tuy sống ở Hà Nội nhưng tôi không thường xuyên lên phố cổ chơi; do mỗi lần đến đây đều có chung một trải nghiệm: vỉa hè gần như không dành cho người đi bộ. Chỗ thì quán xá bày bàn ghế la liệt, chỗ thì cả hàng xe máy đỗ kín vỉa hè. Muốn đi tiếp thì tôi chỉ còn cách bước xuống lòng đường, mà xe cộ thì lao vun vút ngay bên cạnh, chỉ sợ bị quệt vào người lúc nào không hay."
Khi vỉa hè không còn là nơi dành cho người đi bộ.
Hoạt động ăn uống trên vỉa hè từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống của người dân Hà Nội. Những hàng quán vỉa hè không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo kế sinh nhai cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mà còn tạo nên nét đặc trưng của ẩm thực đường phố. Không gian này mang lại cảm giác đời thường, thân thiện, gần gũi, thu hút cả khách địa phương lẫn khách du lịch. Tuy nhiên, việc sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe và kinh doanh buôn bán đã vượt khỏi tầm kiểm soát tại nhiều tuyến phố trung tâm. Trên các con phố như Phùng Hưng, Hà Trung, Lý Quốc Sư, Hàng Điếu,… không khó để bắt gặp cảnh hàng quán bày bàn ghế ra vỉa hè hoặc tận dụng vỉa hè phía trước cửa hàng để làm nơi đỗ xe cho khách, từ đó lấn chiếm toàn bộ diện tích dành cho người đi bộ.
Đỗ xe và kinh doanh buôn bán tràn lan trên vỉa hè, người đi bộ hoàn toàn không còn lối đi.
Mặc dù hoạt động kinh doanh trên vỉa hè mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều hộ gia đình, nhưng việc lấn chiếm không gian công cộng vẫn là một vấn đề nhức nhối. Sự thiếu kiểm soát trong quản lý dẫn đến tình trạng "giành lại vỉa hè" chỉ mang tính tạm thời, khi chiến dịch kết thúc, mọi thứ lại trở về như cũ.
Không chỉ tại phố cổ, nhiều khu vực dân sinh cũng chung cảnh ngộ với tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân. Dù không phải là khu vực kinh doanh sầm uất, nhưng vỉa hè ở những con phố này cũng được tận dụng để đỗ xe, làm nơi buôn bán nhỏ lẻ. Điều này buộc người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường, dù đây là những tuyến phố có lưu lượng giao thông cao.
Người đi bộ đi đi dưới lòng đường Đê La Thành đông đúc, do vỉa hè bị lấn chiếm bởi xe máy đỗ trước hàng quán.
Với đặc điểm đường phố Hà Nội đa phần nhỏ hẹp, phương tiện di chuyển dày đặc, việc người đi bộ đi dưới lòng đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt vào giờ cao điểm, khi xe cộ chật kín từng mét đường, người đi bộ càng khó khăn khi tìm cách di chuyển qua dòng phương tiện. Không ít trường hợp va chạm đã xảy ra chỉ vì không còn lối đi trên vỉa hè.
Bên cạnh đó, tình trạng này cũng làm mất đi tính đồng bộ trong quy hoạch đô thị. Vỉa hè vốn dĩ được thiết kế để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, nhưng thực tế lại bị sử dụng sai mục đích, làm giảm chất lượng sống của cư dân khu vực. Dù có các quy định về việc sử dụng vỉa hè hợp lý, nhưng việc giám sát và xử lý vi phạm vẫn chưa thực sự hiệu quả, khiến tình trạng này tiếp diễn từ năm này qua năm khác.
Dưới áp lực của quá trình đô thị hóa và nhu cầu sinh kế của người dân, việc lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội vẫn là một bài toán nan giải. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc lập lại trật tự, đồng thời nghiên cứu và triển khai mô hình cho thuê vỉa hè nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo đảm quyền lợi của người đi bộ và duy trì cảnh quan đô thị.
Thảo Vân
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoc-doi-long-duong-cho-nguoi-di-bo-via-he-thanh-noi-do-xe-172250402095453409.htm