Ngược dòng Thác Ma

Ngược dòng Thác Ma
5 giờ trướcBài gốc
Tôi đến Trầm vào một sáng đầu hạ. Làng nép mình dưới tán rừng thưa, vài mái nhà còn lưu giữ vết tích của một thời chưa xa lắm, cái thời mà cả làng làm du kích, làm giao liên, nuôi giấu bộ đội. Ông Hồ Văn Sửu, một cựu chiến binh, ngồi châm điếu thuốc rê, kể: “Ngày đó Trầm là căn cứ. Bộ đội đóng trong rừng, làng mình lo cơm, lo gạo, nuôi cả thương binh. Đêm nào cũng có người lội qua sông đưa thư, chuyển vũ khí…”.
Sông Thác Ma, đoạn qua Trầm, uốn mình mềm mại giữa đôi bờ lởm chởm đá cuội. Có chỗ, nước giội xuống ào ạt thành thác, người làng gọi đó là thác Kèn. Có chỗ phẳng lặng như lòng người sau mưa giông. Trẻ con tắm sông, người già thả lưới, thanh niên vượt đò sang bên kia tìm lâm sản. Cả làng như một thế giới riêng, biệt lập, chỉ có con sông là đường ra thế giới.
Ngược dòng thêm chút nữa, tôi đến Khe Mương, nơi từng là trạm dừng chân của các đoàn quân Trị - Thiên trong thời chống Mỹ, cứu nước. Người làng kể, hồi đó, mỗi bụi tre, mỗi hốc đá đều có câu chuyện. Có người ngã xuống ngay ven sông, giờ vẫn chưa tìm được tên tuổi. Thác Ma vì thế không chỉ là dòng nước, mà là chứng nhân, là ký ức trôi dọc theo năm tháng. Ngày nay, ven sông Thác Ma, những ngôi làng nhỏ vẫn sống chậm. Có nơi, người dân vẫn lấy nước sông để nấu cơm, tắm giặt. Có đứa trẻ chưa từng ra khỏi vùng núi, nhưng thuộc từng khúc quanh, từng mạch nước của dòng sông này như máu thịt mình.
Trẻ em ở Khe Mương đau đáu nỗi lo dòng sông bị đào bới, khai thác cát, sỏi.
Khe Mương hiện có 79 hộ dân, 338 nhân khẩu. Cả làng như một ốc đảo xanh. Có cây cầu vừa được xây dựng bắc qua sông, song vào mùa Đông lại chông chênh trước mưa bão, lũ nguồn. Vào chiều muộn, tiếng mõ trâu vọng lại từ bên kia sông như đánh thức cả cánh rừng đang mơ màng ngủ quên. Vừa qua khỏi cây cầu, tôi gặp một cụ bà đang thu dọn những thứ lặt vặt giữa sân. Cụ bà tên là Nguyễn Thị Thiếp, năm nay 86 tuổi. Cụ xởi lởi mời vào nhà, rót thứ nước chè xanh đặc quánh mời khách. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người cán bộ an ninh Hải Lăng Nguyễn Thị Thiếp từng bị giặc bắt, tra tấn, tù, đày nhiều năm.
Hỏi chuyện xưa, cụ nở nụ cười hiền hậu, chỉ vào rừng sau lưng nhà: “Đằng sau kia là hầm bí mật. Thời chiến, cả làng đều là chiến sĩ. Mỗi cây rừng là một khẩu súng, mỗi bụi tre là một căn cứ. Khe Mương nuôi bộ đội, che giấu thương binh, làm giao liên suốt mấy năm ròng”. Ngọn đồi bên kia sông, xưa là rừng sim, là nơi mai phục của bộ đội chủ lực trong một trận càn lớn năm 1971. Cụ vẫn nhớ như in hôm đó mưa như trút, sông dâng lên ngập cả lòng làng. Nhưng cũng chính dòng nước ấy đã cắt đứt đường tiến quân của địch, cứu cả một đơn vị đặc công thoát hiểm.
“Chỉ có sông mới hiểu làng mình. Sông là đồng đội. Sông cũng là anh hùng”, cụ trầm ngâm. Năm 2004, tỉnh Quảng Trị công nhận Khe Mương là di tích lịch sử cách mạng. Nhưng với người dân, di tích không nằm ở tấm bia mà ở từng bụi cỏ, từng đoạn sông, từng nắm đất họ đang sống hằng ngày.
Chia tay cụ Thiếp, tôi dừng lại bên cây cầu, nhìn dòng nước chảy. Trong ánh hoàng hôn nhòe tím, sông Thác Ma hiện ra như một vết cắt mịn màng trên thân thể đất đai, nối giữa hiện tại và một miền quá khứ. Ở đó, có những làng quê chưa từng lên bản đồ du lịch. Nhưng chính những nơi ấy, như Khe Mương, lại là nơi giữ hồn sông, giữ bóng hình cách mạng, và giữ cả lời thì thầm của núi đồi. Sông Thác Ma không chỉ gắn với chiến tranh, nó còn là nơi mở đất lập làng.
Các làng Cồn Tàu (nay là Đông Sơn), Tân Điền và Trầm (nay là Tân Sơn), Khe Mương (nay là Tây Sơn), đều dựa vào sông để trồng trọt, đánh cá, nuôi con. Trên bờ sông, những vạt ruộng nhỏ như bàn tay người mẹ, bao mùa đã nuôi lớn từng đứa trẻ. Song, Thác Ma hiện cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông sắp được tổ chức thực hiện, gây nguy cơ cao khiến bờ sông sạt lở. Hiện, mùa đông chưa tới, nhưng trong mắt của người trẻ đến người già, đã chứa chất bao nỗi lo âu.
Ngược dòng Thác Ma không chỉ là hành trình về phía ngược địa lý. Đó là cuộc đi tìm căn cước của đất, của người, và của một niềm tin chưa bao giờ mất, rằng, dù bao mùa mưa nắng, làng quê nhỏ này vẫn giữ được linh hồn mình, như dòng sông nhỏ kia, vẫn chảy âm thầm qua thời gian, qua ký ức, qua cả giấc mơ mai sau…
Thanh Bình
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nguoc-dong-thac-ma-i768631/