Theo Space.com, nhóm tác giả từ Đại học Kansas (KU - Mỹ) đã dùng James Webb "du hành ngược thời gian" 10 tỉ năm trước để săn lùng các lỗ đen háu đói và các siêu tân tinh.
Họ phát hiện ra đó cũng là thời điểm các lỗ đen trong vũ trụ tiến hóa nhảy vọt.
Ảnh đồ họa mô tả một lỗ đen quái vật (lỗ đen siêu khối) đang cuồng nộ ăn vật chất để tăng trưởng - Ảnh: Robert Lea
Ánh sáng tạo nên hình ảnh của một vật thể phải cần một khoảng thời gian tương ứng với khoảng cách để đi đến mắt người quan sát.
Do vậy, các vật thể cách xa hàng tỉ năm ánh sáng mà kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb có thể nhìn thấy cũng là hình ảnh của quá khứ hàng tỉ năm trước.
"Buổi trưa của vũ trụ" mà các nhà khoa học Mỹ đang quan sát cũng là một vùng không gian xa và cổ xưa như thế.
Đó là một giai đoạn bí ẩn trong quá trình tiến hóa của vũ trụ, khoảng 2 đến 3 tỉ năm sau sự kiện Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ.
Lúc đó, các thiên hà như Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta đang trải qua thời kỳ bùng nổ sao, tức hình thành sao nhanh chóng và mạnh mẽ hơn ngày nay rất nhiều.
Chúng được bao phủ trong những đám mây bụi dày, hấp thụ hiệu quả ánh sáng khả kiến, khiến chúng khó nghiên cứu vì bị lòa đi trong ánh sáng.
Tuy nhiên, những đám mây bụi này kém hấp thụ ánh sáng hồng ngoại hơn, khiến James Webb trở thành công cụ lý tưởng.
Các nhà thiên văn đã hướng vào một dải không gian chứa hơn 10.000 thiên hà nhìn thấy được, nằm gần chòm sao Đại Hùng (Ursa Major), được gọi là Dải Groth mở rộng.
Và họ đã tìm thấy ở đó vô số thiên hà có "hạt nhân thiên hà đang hoạt động" (AGN), tức một lỗ đen quái vật háu đói đang nuốt vật chất liên tục, tỏa sáng rực rỡ và nhanh chóng tăng trưởng.
Một giả thuyết đã được đặt ra: Loại thiên hà có "trái tim" cuồng nộ này có thể chính là hình ảnh cổ xưa của Ngân Hà và các thiên hà cùng loại.
Ngân Hà ngày nay có một lỗ đen đang ngủ đông ở giữa là quái vật Sagittarius A*, một lỗ đen siêu khối nặng gấp 4,1 triệu lần Mặt Trời.
Để đạt được kích cỡ ấn tượng đó, nó rất có thể từng hoạt động cuồng nộ như AGN của các thiên hà trong vùng không gian 10 tỉ năm trước nói trên.
Như vậy, rất có thể "buổi trưa của vũ trụ" chính là giai đoạn các lỗ đen đột biến, nhanh chóng tăng trưởng, song song đó là sự mở rộng quy mô nhanh chóng của các thiên hà, góp phần quan trọng vào việc định hình vũ trụ phức tạp ngày nay.
Anh Thư