Nếu nhà văn Anh George Orwell từng cảnh báo về một xã hội giám sát toàn diện, thì ngày nay, Alex Karp – Giám đốc điều hành Palantir – đang âm thầm xây dựng một phiên bản hiện đại, tinh vi hơn rất nhiều: một "phòng điều khiển" được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo cho xã hội đó.
"Quả cầu ma thuật" của Lầu Năm Góc
Thoạt nhìn, Karp không giống một người theo đuổi chiến tranh. Ông thường xuất hiện với mái tóc rối bù, đeo kính kỳ quặc, hay trích dẫn các triết gia phương Tây như Nietzsche hoặc Thánh Augustine. Nhưng đằng sau vẻ ngoài lập dị ấy là một thực tế rõ ràng: Karp đang tạo ra nền tảng phần mềm cho một mô hình chiến tranh không hồi kết – và đang giành thắng lợi.
Alex Karp.
Palantir, công ty do Karp lãnh đạo, được đặt theo tên những "quả cầu ma thuật" trong tiểu thuyết Chúa tể những chiếc nhẫn – công cụ cho phép nhìn thấy mọi nơi, mọi thứ. Thực tế, công nghệ của Palantir đang giúp quân đội Mỹ xác định mục tiêu, điều phối máy bay không người lái, dự báo hành vi tội phạm và phân tích dữ liệu trên quy mô lớn – đến mức khiến các cơ quan an ninh hàng đầu như NSA cũng phải dè chừng.
Karp tự hào tuyên bố rằng phần mềm Palantir mang lại "lợi thế bất công" cho phương Tây. Nhưng thực chất, ông đang bán một thứ nguy hiểm hơn: ưu thế thuật toán – một mô hình chiến tranh được tự động hóa bằng mã lệnh, được quảng bá bằng những lời hiệu triệu yêu nước.
Palantir giờ không chỉ làm việc với Lầu Năm Góc. Nhiều tập đoàn lớn như Citi, BP, AIG hay thậm chí là công ty cho thuê xe Hertz cũng sử dụng sản phẩm của hãng. Ranh giới giữa công nghệ quân sự và dân sự đang mờ dần. Palantir đã cung cấp thiết bị cho quân đội Mỹ, giúp xử lý dữ liệu vệ tinh để thực hiện tấn công nhanh chóng. Công ty thậm chí còn triển khai phần mềm trong các bệnh viện, trường học, tòa án và ngân hàng.
Dưới thời Tổng thống Trump, Palantir càng mở rộng vai trò. Chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD với công ty, bao gồm xây dựng nền tảng theo dõi di cư theo thời gian thực và phát triển cơ sở dữ liệu để tăng tốc trục xuất người nhập cư trái phép. Bộ phận cải cách hành chính dưới quyền Elon Musk thậm chí đã thuê nhiều cựu nhân viên Palantir để vận hành các chương trình này.
Thành công tài chính của Palantir là điều rõ ràng: giá trị công ty đã tăng từ 50 tỷ USD lên gần 300 tỷ USD chỉ trong một năm – vượt mặt cả Verizon và Disney.
Palantir Skykit được trưng bày tại gian hàng của công ty trong triển lãm thương mại CES ở Las Vegas. Skykit kết hợp phần mềm của Palantir, cùng với máy bay không người lái UAV, camera theo dõi, bộ pin và thiết bị đầu cuối SpaceX Starlink, thành một gói thông tin tình báo quốc phòng độc lập có thể triển khai trong môi trường thù địch.
Quan điểm gây tranh cãi
Nhưng điều đáng lo ngại không chỉ nằm ở công nghệ – mà còn ở tư tưởng đằng sau nó. Karp không tin vào các quy trình dân chủ như tranh luận công khai hay cân nhắc đạo đức. Theo ông, các "hệ thống chậm chạp và rối rắm" cần phải được thay thế bằng các thuật toán quyết đoán, hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Karp không giấu lập trường chính trị. Ông ủng hộ quân sự, phản đối minh bạch và thẳng thừng chê bai các đồng nghiệp ở Thung lũng Silicon vì quá mềm yếu. Trái với những lãnh đạo công nghệ khác luôn nhấn mạnh đạo đức hay trách nhiệm xã hội, Karp công khai tuyên bố rằng Palantir tồn tại để “hỗ trợ chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, và tối ưu hóa quyền lực".
Ông mô tả mình là "chiến binh tiến bộ", từng ủng hộ các chính trị gia Dân chủ như Kamala Harris, trong khi đồng sáng lập Palantir là Peter Thiel lại là người ủng hộ trung thành của Trump. Dù khác biệt chính trị, cả hai đều chia sẻ khát vọng về một phương Tây siêu việt nhờ công nghệ giám sát và trí tuệ nhân tạo.
Những người chỉ trích như cựu nhân viên Palantir Juan Sebastían Pinto cho rằng công ty đang xây dựng nền tảng cho một nhà nước cảnh sát kiểu mới – nơi mọi hành vi của công dân, kể cả bài đăng mạng xã hội, đều bị theo dõi, phân tích và kiểm soát. Pinto từ chối ký cam kết giữ im lặng khi rời công ty và cho rằng mình có trách nhiệm lên tiếng, ngay cả khi điều đó có thể gây nguy hiểm cá nhân.
Palantir nói rằng họ “phi đảng phái” và chỉ cung cấp công nghệ cho các chính phủ. Nhưng thực tế, theo các chuyên gia, việc có quan hệ gần gũi với những người như Thiel và Musk đã giúp công ty giành được nhiều hợp đồng lớn mà không cần cạnh tranh khốc liệt.
Alex Karp không phải người hét lên để gây chú ý. Ông không cần tuyên truyền hay bí mật hậu trường. Ông đang xây dựng quyền lực bằng hợp đồng chính phủ, báo cáo quý và các bài thuyết trình. Nguy hiểm ở chỗ, ông khiến điều đó trông như một nỗ lực giải phóng, chứ không phải kiểm soát.
Trong tương lai mà Karp hình dung, sự mơ hồ là lỗi hệ thống, phản kháng là sự cố kỹ thuật, còn "rào cản năng suất" cần được loại bỏ.
Phương Anh (Nguồn: Asia Times, NPR )