Sáng 30/4/2025, trên hàng ghế danh dự của đại lễ kỷ niệm, khi hai ca sĩ trẻ cất lời hát “tri ân người chiến sĩ, quên đi niềm riêng, quên cả bản thân mình”, máy quay truyền hình bắt được hình ảnh một vị Đại tá ngực đầy huân chương lặng lẽ đưa tay lau nước mắt…
Nước mắt của người…không được khóc
Có lẽ vì tình cờ lời ca ấy đã ghi trọn cuộc đời ông, một số phận vinh quang và cay đắng. Ông là người lính: Không được khóc, không được yêu, không được là chính mình một thuở…
Đại lễ kỷ niệm 50 năm lịch sử, dòng người đổ về như biển. Cờ đỏ sao vàng rợp trời. Những bản hùng ca vang lên. Và giữa biển cờ hoa, khi hai ca sỹ Đông Hùng và Võ Hạ Trâm cất lên ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa Bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - ca khúc cán mốc hơn 2,2 tỷ lượt xem được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội suốt tháng tư lịch sử, camera truyền hình bất chợt ghi lại một khoảnh khắc khiến hàng triệu trái tim thắt lại: Một người lính già, vai gầy, mắt mờ, tay run rẩy đưa tay lên lau nước mắt.
Hình ảnh Đại tá Tư Cang lặng lẽ đưa tay lau nước mắt trong lễ kỷ niệm 30/4. Ảnh: VTV
Người ấy là Đại tá Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang, chiến sĩ tình báo huyền thoại, người đã sống 28 năm trong bóng tối của nội thành Sài Gòn để bảo vệ ánh sáng của cách mạng. Và giọt nước mắt rơi vào sáng 30/4 không phải là của sự yếu mềm. Mà là nước mắt dành cho một đời không được phép khóc.
“Xa nhau không hề rơi nước mắt.
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…”.Đại tá Nhà thơ Nam Hà từng viết như vậy trong bài "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!"
Trong hồ sơ mật của địch, ông chỉ là một cái bóng: “Người trắng, cao, bắn súng hai tay, thích văn nghệ. Quê quán: chưa xác định. Gia đình: chưa xác định”.
Bí danh là Tư Cang, tên thật Nguyễn Văn Tàu, ông là người điều hành cụm tình báo chiến lược H.63, nơi sản sinh những huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo… Trong gần ba thập kỷ, ông đổi tên, đổi nhà, đổi thân phận, sống dưới hàng chục lớp vỏ bọc và chưa một lần để lộ mình đã có vợ, có con, có mái ấm ngay giữa lòng Sài Gòn.
Đại tá, Anh hùng Tư Cang. Ảnh: Trịnh Nguyễn
Chỉ đến tối 30/4/1975, khi chiến tranh kết thúc, ông mới quay trở về. Căn nhà nhỏ nơi vợ con ông sống chỉ cách nơi ông từng hoạt động… vài con phố. Vậy mà gần 30 năm, ông không một lần ghé. Không phải vì không nhớ. Mà vì nhớ đến mấy, ông cũng không được phép.
Cuộc gặp mặt và giọt nước mắt để dành gần 30 năm
Trung tá Đặng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh, người đã nhiều lần tiếp xúc và viết về đại tá, anh hùng Tư Cang kể: Đêm đó, giữa những dãy nhà cũ kỹ ở cầu Thị Nghè, ông cất tiếng gọi: “Nhồng ơi! Nhồng ơi!”, gọi tên con gái bằng cái tên thân mật bà vợ gửi cho ông qua thư thời kháng chiến.
Khi cánh cửa bật mở, người phụ nữ với giọng nghẹn ngào bước ra: “Anh về hả? Em biết mà. Gọi tên Nhồng, em biết chỉ có anh”.
Bức ảnh Đại tá tình báo Tư Cang đoàn tụ gia đình gây sốt mạng. Ảnh: Tư liệu gia đình
Họ ôm nhau. Không phải như hai vợ chồng mà như hai phần linh hồn đã lìa xa nhau ba thập kỷ, giờ mới được liền mạch. Đứa cháu ngoại ba tuổi lần đầu được ông ngoại bế. Người lính năm nào ra đi khi còn là chàng trai 19, giờ trở về với mái tóc bạc, giọng khản đặc vì bao nhiêu lần nén tiếng gọi thân yêu.
“Tôi lau nước mắt cho vợ bằng chiếc khăn rằn vẫn đeo suốt chiến tranh… Nhưng đêm đó tôi chỉ ghé được một tiếng rồi lại đi. Cách mạng gọi”.
Người giữ trọn lời thề, người ở lại với những mùa đông
Trong suốt 28 năm sống như một người vô hình, người đã bên ông chính là vợ ông, bà Trần Ngọc Ảnh. Không danh xưng. Không lễ cưới. Không một tấm ảnh gia đình. Chỉ có những lần đứng từ xa đưa công văn rồi quay đi như người lạ. Có lần, bà thấy ông đi bên “người tình”, hóa ra là một đồng chí trong vai diễn. Bà quay mặt đi, không ghen. Chỉ lặng lẽ về nhà, ôm con khóc.
Khi ông trở về, họ sống với nhau thêm được 40 năm. Nhưng rồi, năm 2020, bà ra đi trong lặng lẽ.
Và hôm nay, khi bài hát “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” vang lên trên lễ đài, ông ngồi đó, một mình, giữa biển người, không còn bà bên cạnh.
“Đêm nay anh đã về với em vĩnh viễn rồi phải không?”
“Chưa em à. Anh còn là quân nhân. Lát nữa, anh lại phải đi…”
Câu nói ngày ấy, hóa ra là lời thực.
Khi nhạc sĩ cũng rơi nước mắt vì câu chuyện tình
Chiều ngày 1/5, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả bài hát “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”. Khi nghe kể về vị đại tá lau nước mắt đúng lúc câu hát “Tri ân người chiến sĩ, quên đi niềm riêng, quên cả bản thân mình…” vang lên, nhạc sĩ bàng hoàng.
“Nghe anh nói về bác mà em rùng mình… Em viết từ cảm xúc chân thành, không ngờ lại khớp đến vậy. Câu hát như được viết bằng chính cuộc đời ông vậy…”
Nốt nhạc cuối cùng của bản hùng ca
Không ai sắp đặt. Nhưng có lẽ lịch sử đã sắp đặt. Và giọt nước mắt của Tư Cang chính là nốt nhạc cuối cùng hoàn thiện bài ca. Một bài ca nói về hạnh phúc và nỗi đau không chỉ của riêng ông mà của biết bao gia đình Việt Nam, của cả dân tộc này trên con đường tới hòa bình, hạnh phúc!
Ngày hôm nay, chúng ta viết tiếp câu chuyện hòa bình. Hôm nay, hãy giữ cho giọt nước mắt ấy không rơi vô nghĩa. Hãy sống tử tế.Hãy làm việc có trách nhiệm. Hãy yêu đất nước này bằng cách bảo vệ từng điều đúng đắn.
Chúng ta nợ thế hệ ấy không chỉ một phút mặc niệm. Chúng ta nợ họ một cam kết sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh âm thầm, không tên, không ảnh, không cả quyền được yêu.
“Đất nước của những người con gái, con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…”- Nam Hà
Giờ đây, ông đã khóc. Không còn vì phải nén nữa. Mà vì đã đến ngày gặp lại. Gặp lại đồng đội. Gặp lại vợ. Gặp lại chính tuổi trẻ của mình. Và gặp lại… một Tổ quốc trong trẻo hơn, đúng như điều ông từng mơ.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang, chiến sĩ tình báo huyền thoại. Ảnh: VTV
Xin cám ơn ông, người lính già lau nước mắt trên kỳ đài danh dự trong ngày hội non sông.
Ông không cần nói thêm lời nào nữa. Đất nước đã hiểu. Thế hệ hôm nay đã hiểu. Và xin hứa: Chúng con sẽ viết tiếp… bằng chính cuộc đời mình.
Đại Bàng