Axit uric trong cơ thể được lọc qua thận và đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu hoặc mồ hôi. Do nguồn thức ăn chúng ta cung cấp cho cơ thể hàng ngày chứa nhiều chất đạm hay uống nhiều bia rượu khiến lượng axit uric tăng cao hoặc do chức năng của thận suy giảm làm thận không thể lọc hết dẫn đến gia tăng nồng độ axit uric trong máu gây tăng sự lắng đọng của các tinh thể urat tại các khớp và mô mềm. Đây là nguyên nhân chính gây nên bệnh gút.
Tuy vậy, việc ăn uống lành mạnh và có thể dùng thuốc thích hợp sẽ giúp bạn đạt được mức axit uric cần mong muốn.
Lợi ích của trà xanh với người có axit uric cao
Việc uống trà xanh ở người có axit uric cao mang lại nhiều lợi ích. Điều đầu tiên cho thấy uống trà xanh giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng axit uric cao một cách hiệu quả.
Bởi trà xanh chứa nhiều thành phần có lợi, đặc biệt là polyphenol, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Theo nghiên cứu việc uống trà xanh thường xuyên giúp giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh.
Trong trà xanh có Polyphenol hoạt động bằng cách hỗ trợ quá trình đào thải axit uric qua nước tiểu, giảm nguy cơ lắng đọng và hình thành các tinh thể urat trong cơ thể. Ngoài ra, polyphenol còn giúp ngăn chặn sự gia tăng của axit uric bằng cách hạn chế sự sản xuất của enzyme xanthine oxidase, một enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa purin thành axit uric.
Tuy nhiên, việc uống trà xanh cũng cần lưu ý, không uống khi bụng đói để tránh kích ứng dạ dày. Không uống trà xanh ngay sau khi ăn, nên chờ 30 phút - 1 giờ. Không uống thuốc cùng trà xanh để tránh giảm hiệu quả của thuốc. Chỉ nên uống 1-2 ly mỗi ngày, không uống quá nhiều. Tránh uống trà xanh trước khi đi ngủ để không gây mất ngủ.
Việc uống trà xanh ở người có axit uric cao mang lại nhiều lợi ích.
Người có axit uric cao có nên uống cà phê?
Tương tự, cà phê an toàn cho người bị axit uric cao. Uống cà phê có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh gút, giảm mức axit uric trong máu. Cà phê có thể giảm nồng độ axit uric bằng cách tăng tốc độ cơ thể bài tiết chất này.
Cà phê cũng có thể cạnh tranh với enzyme phân hủy purin trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm tốc độ tạo ra axit uric. Ngoài ra, trong cà phê còn chứa nhiều loại hợp chất có lợi gồm khoáng chất, polyphenol và caffeine.
Cà phê còn có tác dụng tăng độ hòa tan của axit uric trong nước tiểu. Các hoạt chất polyphenol có trong cafe cũng giúp tăng tính thẩm thấu của tế bào, điều này giúp cân bằng chức năng bài tiết của cơ thể. Về lâu dài, nó sẽ làm giảm nồng độ axit uric và cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, để uống cà phê tốt cho sức khỏe, chúng ta phải uống cà phê nguyên chất, không phải cà phê chứa nhiều đường, sữa và kem. Nếu uống quá nhiều cà phê có hàm lượng đường, chất béo cao, sẽ làm hàm lượng đường vượt quá tiêu chuẩn, tăng axit uric.
Ngoài ra, không nên uống quá 3 ly cà phê mỗi ngày (khoảng 200 ml/ly). Ngoài ra, nên uống cà phê vào buổi sáng và trưa không nên uống vào buổi chiều tối. Vì caffeine có trong cà phê có thể giúp chúng ta sảng khoái làm việc hiệu quả. Nếu uống buổi chiều tối có thể dẫn đến mất ngủ, khó ngủ.
Tóm lại: Tăng axit uric máu là tình trạng chỉ số acid uric trong máu cao bất thường, xảy ra khi cơ thể phân hủy purin quá mức hoặc không đào thải được axit uric ra khỏi cơ thể. Tăng axit uric là một tình trạng sức khỏe báo động, có thể dẫn đến tổn thương xương, khớp vĩnh viễn, lắng đọng tophi dưới da, cũng như tăng nguy cơ bệnh lý tim và thận. Vì vậy, việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ và cần có chế độ ăn lành mạnh giúp kiểm soát chỉ số axit uric.
Cà phê và trà xanh là thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Cả hai đều chứa caffein, chất chống oxy hóa và có thể giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo, cải thiện khả năng tập trung...Tuy nhiên, không chỉ người axit uric cao mà chúng ta không nên uống nhiều trà xanh, cà phê vì dễ dẫn đến các tác dụng phụ như run, lo lắng và khó ngủ, tốt nhất chỉ nên uống mức độ vừa phải, không nên uống buổi chiều tối.
BSCK2 Nguyễn Thị Thu