Cú huých của Luật Thương mại điện tử (2019)
Tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc có hơn 900 triệu người mua sắm trực tuyến, với doanh số bán lẻ trực tuyến chiếm 27,6% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của cả nước, đạt 2.17 nghìn tỷ USD, giữ vững vị thế là thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới liên tục trong 11 năm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc len lỏi vào mọi ngóc ngách thị trường.
Thực tế, trước tình trạng đáng báo động đó, từ 1.1.2019, Trung Quốc chính thức ban hành Luật Thương mại điện tử - được đánh giá là cột mốc pháp lý quan trọng nhất trong lĩnh vực này tính đến thời điểm đó. Đây là đạo luật toàn diện đầu tiên trên thế giới điều chỉnh trực tiếp hoạt động thương mại điện tử trên diện rộng, bao gồm: nền tảng giao dịch, người bán cá nhân, doanh nghiệp, và cả bên thứ ba cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Nguồn: fashionchinaagency.com
Luật quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên tham gia trong hoạt động kinh doanh trực tuyến. Bên cạnh đó, luật yêu cầu minh bạch hóa thông tin người bán khi bắt buộc các cá nhân và tổ chức kinh doanh qua mạng phải đăng ký với cơ quan quản lý thị trường và công khai các thông tin pháp lý như tên thật, mã số thuế. Các nền tảng cũng phải thiết lập cơ chế xử lý và gỡ bỏ nhanh chóng các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đồng thời có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan chức năng. Ngoài ra, luật cấm các hành vi quảng cáo gian dối, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và yêu cầu nền tảng phải kiểm soát nội dung quảng cáo thương mại. Một điểm quan trọng khác là quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, buộc các nền tảng phải hỗ trợ việc tra cứu thông tin và truy vết sản phẩm nhằm phục vụ công tác kiểm tra và giải quyết tranh chấp khi cần thiết.
Vai trò trung tâm của Luật Chất lượng sản phẩm (2018)
Được ban hành lần đầu vào năm 1993 và sửa đổi nhiều lần, trong đó lần gần nhất là vào năm 2018, Luật Chất lượng sản phẩm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vốn được thiết kế nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh TMĐT bùng nổ, luật này đã được mở rộng phạm vi áp dụng và tăng cường tính ràng buộc với các chủ thể mới như sàn giao dịch điện tử, nhà bán hàng trực tuyến và bên trung gian logistics.
Theo quy định, mọi sản phẩm, bất kể được bán tại cửa hàng truyền thống hay qua mạng, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng và an toàn. Việc ghi nhãn, cung cấp thông tin sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, cũng như trách nhiệm trong khâu hậu mãi (bảo hành, đổi trả) đều được luật hóa. Những yêu cầu này đặc biệt quan trọng trong môi trường TMĐT, nơi khoảng cách giữa người mua và người bán có thể lên tới hàng nghìn km, và niềm tin là yếu tố sống còn.
Một điểm đột phá đáng chú ý của luật là việc đặt trách nhiệm liên đới lên các nền tảng TMĐT - vốn từng là vùng “xám” trong quản lý chất lượng. Thay vì chỉ yêu cầu người bán chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, giờ đây các “ông lớn” như Alibaba, JD.com hay Pinduoduo cũng buộc phải chịu trách nhiệm khi hàng hóa vi phạm chất lượng được giao dịch trên nền tảng của họ.
Cụ thể, pháp luật yêu cầu các nền tảng TMĐT phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và rà soát chất lượng đối với các sản phẩm được đăng bán, đồng thời có trách nhiệm gỡ bỏ hoặc chặn ngay lập tức những mặt hàng vi phạm khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, các nền tảng còn phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong các trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Nếu không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kiểm soát này và gây thiệt hại cho người tiêu dùng, họ có thể bị buộc phải bồi thường. Những yêu cầu này đã tạo áp lực lớn khiến các nền tảng phải đầu tư mạnh vào công nghệ giám sát thông minh, phát triển hệ thống đánh giá tín nhiệm của nhà cung cấp, cũng như tích hợp các chức năng cho phép người tiêu dùng dễ dàng báo cáo vi phạm, từ đó hình thành nên cơ chế kiểm soát nội bộ mang tính phòng ngừa và răn đe cao.
Luật cũng đặt ra chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm, bao gồm phạt hành chính cao, tịch thu sản phẩm, đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo luật, sản phẩm phải có nhãn mác rõ ràng, bao gồm tên sản phẩm, tên và địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, và cảnh báo an toàn nếu cần thiết.
Cơ quan chức năng như Cục Quản lý giám sát thị trường nhà nước có thẩm quyền thực thi luật, thực hiện kiểm tra định kỳ, điều tra theo dấu vết số và công bố công khai các vụ việc nhằm tăng tính minh bạch và sức ép xã hội.
Luật sửa đổi tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm, như sản xuất hoặc bán sản phẩm giả mạo, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, hoặc giả mạo kết quả kiểm định. Các hình phạt có thể bao gồm phạt tiền, tịch thu sản phẩm, đình chỉ kinh doanh, hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nghiêm trọng. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại và yêu cầu bồi thường trong vòng 2 năm kể từ ngày phát hiện hoặc lẽ ra phải phát hiện ra thiệt hại do sản phẩm gây ra.
Đáng chú ý, Luật Chất lượng sản phẩm hiện nay được thực thi cùng với một loạt luật mới như Luật Thương mại điện tử (2019), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và Luật Tiêu chuẩn hóa, tạo thành một hành lang pháp lý thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong kiểm soát chất lượng sản phẩm trong môi trường số.
Dù đã có những tiến bộ rõ rệt, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng số ở Trung Quốc vẫn là bài toán dài hạn. Tính phức tạp của chuỗi cung ứng số, sự đa dạng của nhà bán hàng cá nhân và tốc độ biến hóa của các chiêu trò gian lận khiến cho việc thực thi luật cần liên tục được cập nhật, đi kèm với công nghệ hỗ trợ tiên tiến và hệ thống phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý.
Linh Anh