1. Dứa và bệnh đái tháo đường
Người mắc bệnh đái tháo đường có thể ăn bất kỳ loại thực phẩm nào, bao gồm cả dứa và các loại trái cây khác, nhưng cần xem xét cách ăn phù hợp với chế độ ăn uống và lối sống.
Nội dung
1. Dứa và bệnh đái tháo đường
2. Tính toán lượng carbohydrate đưa vào cơ thể khi ăn dứa
3. Chú ý lượng đường có trong dứa
4. Cách thưởng thức dứa cho người bệnh đái tháo đường
Loại bệnh đái tháo đường mắc cũng có thể có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ dứa. Các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên những người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng, cân bằng, theo dõi lượng thức ăn ăn vào, đặc biệt là carbohydrate. Nên có một kế hoạch tập thể dục phù hợp với lượng carbohydrate ăn vào và việc sử dụng thuốc.
Người bệnh đái tháo đường vẫn có thể ăn dứa nhưng cần tuân thủ một số nguyên tắc.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị người bệnh đái tháo đường nên ăn phong phú các loại thực phẩm tươi, kể cả trái cây. Tuy nhiên, vì trái cây chứa carbohydrate, bao gồm cả đường tự nhiên, cần thận trọng tính toán chúng vào kế hoạch ăn uống và tập luyện hàng ngày.
2. Tính toán lượng carbohydrate đưa vào cơ thể khi ăn dứa
Người bệnh đái tháo đường cần tính lượng carbohydrate tiêu thụ mỗi ngày vì carbohydrate là nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu. Để giữ mức glucose trong phạm vi khỏe mạnh, cần duy trì lượng carbohydrate ổn định trong suốt cả ngày.
Khi tính lượng carbohydrate, hầu hết mọi người nhắm đến 45 – 60g carbohydrate mỗi bữa ăn và 15 - 20g carbohydrate cho mỗi bữa ăn nhẹ, tùy thuộc vào mục tiêu calo trong ngày. Nhưng, số lượng này cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố cá nhân, chẳng hạn như thuốc men và mức độ tập thể dục.
Các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp lập kế hoạch sau khi xác định lượng carbohydrate trong ngày cần thiết đối với mỗi người bệnh.
Cân bằng carbohydrate có nghĩa là có thể ăn những gì mình thích, nhưng cần đảm bảo tổng lượng carbohydrate trong một lần ăn nằm trong phạm vi cho phép, không làm tăng đường huyết đột ngột. Vì vậy, nếu thêm một thành phần có hàm lượng carbohydrate cao, chẳng hạn như dứa vào một bữa ăn, có thể cần bỏ qua món khoai tây hoặc một lát bánh mì để đảm bảo đã có đủ lượng carbohydrate cần thiết.
3. Chú ý lượng đường có trong dứa
Đường tự nhiên chiếm 5,5g trong một lát dứa mỏng. Một lát khoảng 85g có 8,3g đường, một chén dứa miếng chứa 16,3g. Do cơ thể hấp thụ đường nhanh hơn tinh bột, dứa có thể làm đường huyết tăng vọt.
Một chén dứa miếng đóng hộp (khoảng 170g sau khi bỏ nước) chứa gần 28g carbohydrate. Dứa ngâm siro còn có lượng carbohydrate cao hơn, thông tin chi tiết có trên nhãn sản phẩm.
Chỉ nửa chén (khoảng 113,4g) nước ép dứa nguyên chất đã có 16g carbohydrate. Việc ép trái cây làm mất bớt chất xơ, khiến đường trong nước ép dễ dàng và nhanh chóng đi vào máu hơn so với ăn dứa tươi. Vì vậy, ngay cả nước ép dứa "không đường" hay "100% nguyên chất" cũng có thể gây tăng đường huyết nếu uống một lượng lớn.
4. Cách thưởng thức dứa cho người bệnh đái tháo đường
Có nhiều cách để người bệnh đái tháo đường vẫn có thể ăn dứa.
Ngay cả khi dứa có chỉ số đường huyết cao, người bệnh đái tháo đường vẫn có thể thưởng thức với điều kiện kiểm soát chặt chẽ khẩu phần ăn.
Nếu thích ăn dứa, hãy ăn một phần vừa phải (1/2 cốc dứa đóng hộp hoặc 3/4 cốc dứa tươi) và kết hợp nó với protein như phô mai tươi ít béo hoặc sữa chua Hy Lạp hoặc chất béo lành mạnh như các loại hạt để giảm tổng giá trị GI của bữa ăn nhẹ hoặc bữa ăn chính. Hoặc cũng có thể thêm dứa vào món gà xào để tăng thêm một chút vị ngọt.
Nếu đưa dứa vào một bữa ăn chính (chẳng hạn như thịt heo nướng và dứa), hãy cân nhắc ăn protein trước. Có một số bằng chứng cho thấy ăn theo thứ tự này có thể làm chậm sự tăng lượng đường trong máu.
Nghiên cứu cho thấy rằng ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2, việc ăn rau và protein trước khi ăn carbohydrate giúp giảm đáng kể lượng đường và insulin sau bữa ăn so với khi ăn carbohydrate trước.
Nghiên cứu khác đã kiểm tra tác động của việc ăn cùng một bữa ăn theo thứ tự khác nhau (carbohydrate trước so với protein và rau trước). Kết quả cho thấy lượng glucose thấp hơn đáng kể ở các thời điểm kiểm tra sau bữa ăn (30, 60 và 120 phút) khi protein và rau được ăn trước carbohydrate, mức insulin cũng thấp hơn.
CN Dinh dưỡng Tạ Thu Hương