Người bệnh không cần xin cấp lại giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế. Ảnh: Minh Thảo
Theo quy định, các mẫu giấy tờ hiện hành sẽ được tiếp tục sử dụng cho đến hết ngày 31-12 hoặc đến khi các cơ sở y tế và Bảo hiểm xã hội hoàn tất việc chuyển đổi sang sử dụng mẫu phiếu hẹn khám lại và phiếu chuyển cơ sở khám bệnh mới, tùy theo thời điểm nào đến trước, TTXVN đưa tin.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra trơn tru, cả hai mẫu phiếu chuyển tuyến hiện hành và mẫu phiếu mới quy định tại thông tư mới sẽ được chấp nhận sử dụng song song cho đến khi quá trình chuyển đổi hoàn tất, giúp người bệnh không bị gián đoạn quá trình khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế nhanh chóng nâng cấp phần mềm quản lý để đáp ứng các yêu cầu mới về cấp phiếu hẹn khám, phiếu chuyển tuyến và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT , đảm bảo việc thực hiện khám chữa bệnh được diễn ra thuận lợi và chính xác.
Ngoài ra, các giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến đã được cấp trước ngày thông tư có hiệu lực sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trên giấy hoặc đến khi kết thúc đợt điều trị, tùy trường hợp.
Căn cứ theo quy định tại thông tư 40/2015/TT-BYT, giấy chuyển tuyến đối với một số bệnh, nhóm bệnh sẽ có thời hạn sử dụng 1 năm hoặc đến khi kết thúc đợt điều trị nếu hết hạn vào năm 2025.
Theo Bộ Y tế, đối với các giấy chuyển tuyến đã cấp trước khi thông tư 01 có hiệu lực, việc ghi mã bệnh và thời hạn chuyển tuyến trong 1 năm không bắt buộc. Cơ sở y tế sẽ căn cứ vào tên bệnh ghi trên giấy chuyển tuyến để xác định mã bệnh và quyền lợi cho người bệnh.
Kể từ năm 2025, mọi giấy chuyển tuyến mới phải ghi rõ tên bệnh và mã bệnh theo danh mục đã quy định để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân.
Bộ Y tế yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và sở y tế các tỉnh, thành phố triển khai nghiêm túc các quy định, đặc biệt là việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo cả hai mẫu phiếu trong giai đoạn chuyển đổi, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Bình Dương