Người biến rong nho thành 'vàng xanh'

Người biến rong nho thành 'vàng xanh'
5 giờ trướcBài gốc
Hơn 20 năm trước, từ 200gr rong nho mang về từ Nhật Bản, kỹ sư nông nghiệp Lê Bền đã thử nghiệm trồng thành công và đưa sản phẩm rong nho Khánh Hòa ra thị trường quốc tế. Câu chuyện của ông không chỉ là hành trình khởi nghiệp mà còn là biểu tượng cho niềm tin và sự kiên trì trong việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Giọt nước mắt hạnh phúc
Một ngày đầu năm 2025, bên sảnh phòng họp của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp quốc gia (Hội đồng OCOP quốc gia), ông Lê Bền và những cán bộ OCOP của Khánh Hòa ôm chầm lấy nhau, vỡ òa niềm vui. Sản phẩm rong nho tách nước Trí Tín của Khánh Hòa được Hội đồng OCOP quốc gia chấm điểm đạt OCOP 5 sao. Người đàn ông rắn rỏi, gần 70 tuổi đời đã rơi những giọt nước mắt lấp lánh cảm xúc. Thành quả của hơn 20 năm tâm sức, trí tuệ mà ông và gia đình nỗ lực phát triển đã trở thành sản phẩm OCOP quốc gia. "Tôi nhớ lại cách đây gần 20 năm, tôi đã có cảm xúc giống như bây giờ. Lúc ấy, vợ chồng tôi mang rong nho sang Nhật Bản để giới thiệu cho người dùng nước bạn. Đó là bước khởi đầu để đưa rong nho Khánh Hòa ra thị trường thế giới. Và giờ đây, cảm xúc ấy đã trở lại khi sản phẩm được công nhận ở tầm quốc gia" - ông Lê Bền chia sẻ.
Vợ chồng ông Lê Bền gắn bó với rong nho hơn 20 năm qua.
Trở lại năm 2004, ông Lê Bền lúc đó là người chuyên cung cấp đá granite, đá ốp lát từ Việt Nam cho thị trường Nhật Bản. Trong một bữa ăn thân tình, đối tác người Nhật chia sẻ với ông rằng, ở Nhật Bản có món rong nho bổ dưỡng. Ngoài lợi ích về sức khỏe, loài rong xuất xứ từ Philippines này còn khá đắt đỏ do chỉ trồng được ở vùng Okinawa cực nam của nước Nhật, nơi có nhiệt độ tương đối ấm áp. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu không thuận lợi nên năng suất, chất lượng chưa cao. Trong đầu ông Lê Bền chợt lóe lên ý nghĩ đưa rong nho về vùng biển ở quê nhà Ninh Hải (Ninh Hòa) của mình.
Thế rồi, 200gr rong nho giống từ Nhật Bản đã bén rễ, phát triển tốt ở vùng đìa nuôi tôm thẻ, ốc hương ở thôn Đông Hà (Ninh Hải) vào năm 2004. Tuy nhiên, mầm rong tươi xanh cũng là món khoái khẩu của các loại tôm, cá, nghêu, ốc… trong đìa. Bởi vậy, cứ cọng rong nào nhú lên đều trở thành thức ăn cho các loài hải sản. Thất bại, ông Lê Bền bỏ hẳn các việc khác để chuyên tâm vào nghiên cứu làm sao cho rong nho phải sống được, sinh sôi ở vùng đìa quê hương. Trong 2 năm, ông dành trọn thời gian và tâm huyết để tìm ra được cách trồng rong nho. Đến năm 2006. Lô rong nho đầu tiên sản xuất tại vùng biển Ninh Hải được vợ chồng ông Lê Bền mang sang Nhật Bản để các chuyên gia dinh dưỡng, ẩm thực nước bạn thưởng thức, thẩm định về chất lượng và hương vị. “Đó là những giây phút cực kỳ căng thẳng, hồi hộp và không ít lo âu. Giống hệt như cảm xúc mà tôi đã trải qua khi sản phẩm rong nho tách nước Trí Tín được Hội đồng OCOP quốc gia cân đo, đong đếm và chấm điểm OCOP vào đầu năm 2025” - ông Lê Bền nhớ lại.
Ông Lê Bền chăm sóc rong nho sau thu hoạch tại Ninh Hải.
Để rồi vợ chồng ông Lê Bền vỡ òa những giọt nước mắt hạnh phúc sau những cái gật đầu tấm tắc của các chuyên gia ẩm thực nước bạn. Sợi rong dài, từng hạt rong to và hương vị đậm đà, ngon đến nỗi người Nhật chưa tin là rong nho này được trồng ở Việt Nam. Sau đó, họ đã cử một đoàn chuyên gia, năm lần bảy lượt sang tận những đìa rong ở Ninh Hải để mục sở thị. Khi đã xác định được nguồn gốc, khách hàng Nhật Bản đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Trí Tín của ông để bao tiêu sản phẩm rong nho, mở ra cơ hội cho rong nho Khánh Hòa.
Xây dựng, phát triển thương hiệu
Sản phẩm rong nho ngon lành, bổ dưỡng nhưng để xuất khẩu chính ngạch được sang thị trường nước ngoài không hề dễ dàng. Sau những cái gật đầu ưng ý của khách hàng, ông Lê Bền lại tiếp tục dành trọn tâm sức để cải tiến cách trồng, chăm sóc rong nho ở Ninh Hải. Đến năm 2007, phương pháp trồng rong nho kê sàn có lưới che do ông dày công nghiên cứu đã đạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC). “Kết hợp giữa trồng treo lơ lửng theo từng búi của Nhật Bản và phương pháp trồng đáy của Philippines, tôi đưa ra phương pháp trồng rong nho trong vỉ hình vuông và đặt vỉ cách mặt đáy đìa khoảng 30cm. Bên trên mặt đìa có phủ lưới để che chắn và điều tiết nhiệt độ nước cho phù hợp. Cách làm này giúp năng suất và chất lượng rong nho luôn ở mức cao nhất. Ngoài ra, trồng rong nho trong vỉ giúp cho việc thu hoạch được thuận lợi hơn so với thông thường", ông Bền cho biết.
Đoàn khách nước ngoài tham quan quy trình xử lý rong nho Trí Tín.
Trong hành trình xây dựng thương hiệu cho rong nho, may mắn đã mỉm cười với ông. Tại đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2008 diễn ra tại TP. Nha Trang, ông Lê Bền vô tình gặp đại diện Chương trình GCF của Đan Mạch, là chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình này đã hỗ trợ Công ty TNHH Trí Tín thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở nuôi trồng và chế biến nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP. Với cách làm bài bản, thực chất, đến năm 2009, Công ty TNHH Trí Tín đã được cấp chứng nhận HACCP của Úc theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tấm vé thông hành để rong nho Trí Tín từ vùng biển Ninh Hải vươn ra thị trường thế giới theo đường chính ngạch.
Khi đã hoàn tất giai đoạn chuẩn bị, năng lực sản xuất, chế biến đảm bảo các điều kiện cần thiết, từ năm 2012 đến nay, vợ chồng ông Lê Bền đã tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham dự hàng chục diễn đàn, hội nghị thương mại, triển lãm, hội thảo, hội chợ… tại Mỹ, một số nước Châu Âu, Châu Á, thị trường HALAL Hồi giáo… nhằm giới thiệu quảng bá sản vật rong nho của Khánh Hòa. Qua những chuyến đi, ngoài thị trường Nhật Bản truyền thống, sản phẩm rong nho Trí Tín đã được các đơn vị phân phối ở các thị trường khó tính như: Mỹ (từ năm 2013), Hàn Quốc (2015), Trung Quốc (2018) nhập hàng. Doanh thu từ rong nho Trí Tín liên tục tăng lên. Đến nay đạt khoảng 12 tỷ đồng/năm với 80% là xuất khẩu.
Giữ vững chất lượng, đa dạng sản phẩm
Khi đã đứng vững trên thị trường, ông Lê Bền từng bước chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc rong nho cho người dân. Đến nay, đã có hàng chục hộ nông dân trong vùng tham gia chuỗi cung ứng, cùng nuôi trồng rong nho theo quy trình đạt chuẩn. Đồng thời, ông còn tập trung đầu tư vào khâu chế biến sau thu hoạch để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, đa dạng. Ngoài rong nho tươi, rong nho tách nước, hiện nay, công ty còn có những sản phẩm rong nho chế biến có giá trị như: Snack, sấy khô, tinh chất, kem dưỡng da…
Các sinh viên đại học tại TP. Hồ Chí Minh đi thực tế tìm hiểu quy trình trồng rong nho Trí Tín.
Rong nho dễ trồng, dễ chăm, dễ thu hoạch nhưng là thực phẩm nên phải được giữ tươi để bảo quản chất lượng. Rong hái lên, được làm sạch cơ học và sinh học nhiều lần trước khi đưa vào nuôi dưỡng lại trong bể sạch rồi mới mang đi tách nước, đóng gói và phân phối. Toàn bộ quy trình ấy được thực hiện trên hệ thống dây chuyền, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo đáp ứng theo hệ thống kiểm soát chất lượng trong nước và quốc tế. Vì thế, việc xử lý rong phải rất kỹ lưỡng, đòi hỏi cái tâm của người làm nghề và sự đầu tư không nhỏ vào hệ thống máy móc đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hạ tầng, máy móc đang là khó khăn của nhiều hộ trồng rong nho hiện nay, cần được sự hỗ trợ phù hợp để phát triển bền vững.
Nhờ điều kiện phù hợp, rong nho Khánh Hòa có chất lượng vượt trội so với nhiều vùng khác. Tin rằng, bên cạnh yến sào, trầm hương đã trở thành sản phẩm đặt trưng của Khánh Hòa, rong nho sẽ trở thành sản vật chủ lực góp phần phát triển kinh tế cho quê hương và ngày càng vươn xa.
HỒNG ĐĂNG
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202502/nguoi-bien-rong-nho-thanh-vang-xanh-70d3ca6/